Bà Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty Nấm Việt (Củ Chi, TP.HCM), cho biết vừa có một doanh nghiệp Nhật Bản đến đặt vấn đề nhập khẩu Nấm Việt với số lượng lớn.
Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng, do đơn hàng khá lớn, lại xuất khẩu vào thị trường khó tính nên Nấm Việt phải “xem xét lại”, chưa hợp tác vội. Theo đánh giá của bà Ngọc, nếu tận dụng được cơ hội này, nấm Việt Nam sẽ có thêm thị trường tiêu thụ.
“Nấm Việt đang rà soát lại toàn bộ hệ thống nhà vườn, trang trại để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Vì nếu xuất sang Nhật mà gặp vấn đề một lần thôi là rất khó để có đơn hàng thứ 2” - bà Ngọc cho biết thêm.
Ông Phùng Đức Toàn– Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Linh chi Việt (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng cho biết, mấy tháng nay, doanh nghiệp này đã gởi sản phẩm “thăm dò” sang thị trường Nhật Bản và nhận được kết quả khá khả quan.
Ông Toàn cho biết, với các chỉ tiêu chất lượng tương đương linh chi Hàn Quốc, sản phẩm nấm linh chi Việt Nam đủ điều kiện để chinh phục những thị trường khó tính. Trong khi đó, giá nấm linh chi Việt Nam chỉ bằng 40- 50% so với nấm Hàn Quốc.
Hiện tại, doanh nghiệp ông Toàn cũng đang chờ nhận giấy chứng nhận là thực phẩm chức năng từ nấm linh chi, phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, Cục Trồng trọt cho biết, ngành trồng trọt đang tiến tới hình thành ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu đến năm 2015, sản xuất và tiêu thụ khoảng 400.000 tấn nấm các loại, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 300.000 tấn, chiếm 75%, còn lại dành cho xuất khẩu, khoảng 100.000 tấn. Đến năm 2020, lượng nấm sản xuất và tiêu thụ đạt một triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 50% và xuất khẩu chiếm 50%.