Hơn 300 tấn bí xanh tồn đọng của xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã được Sàn Giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ thành công.
Thế nhưng đằng sau câu chuyện đó còn nhiều điều đáng bàn.
Một ngày cuối tháng 6/2014, Phó GĐ Sở KH-ĐT Hà Tĩnh Phan Thanh Biển đưa ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng GĐ Sàn rau quả thăm xã Tượng Sơn, nơi nông dân đang gặp khó khăn vì bí xanh tắc đầu ra.
Giữa trời nắng đổ lửa trên cánh đồng, mấy chị nông dân mồ hôi nhễ nhại than thở, bí xanh giờ đang ế, có nhà bỏ mặc trên đồng vì thu hái về không biết bán ở mô. Nhiều gia đình tiếc của đã thu về nhà làm giàn để trữ bí, nhưng cũng chỉ để được chừng hai tháng là cùng.
Lãnh đạo xã Tượng Sơn cho biết bà con trồng 50 ha trồng bí xanh đang tồn đọng khoảng 300 tấn quả. Sau khi trao đổi, ông Phan Thanh Biển và ông Nguyễn Thành Lưu đã thống nhất phối hợp hỗ trợ kết nối tiêu thụ giải phóng hàng tồn cho nông dân.
Ngay sau đó, sàn rau quả đã triển khai kết nối hàng chục đầu mối mua hàng với HTXNN Tượng Sơn. Đối với các đầu mối nhỏ, sàn thu xếp thành đơn hàng đủ lớn cho HTX giao hàng để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Lưu cho rằng, tiêu thụ nông sản kiểu “chữa cháy” như trên không mang lại nhiều lợi ích cho người SX vì sản phẩm bán đổ bán tháo nên bị ép giá mạnh.
Nhưng nếu tham gia sàn rau quả ngay từ đầu, HTX sẽ được hỗ trợ một cách bài bản, từ việc tư vấn lập kế hoạch SX theo nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện bao bì nhãn mác đến việc tổ chức mạng lưới tiêu thụ đa dạng và chủ động.
Bởi thực tế, với 2 văn phòng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM cùng hàng ngàn đầu mối tiêu thụ trong và ngoài nước, sàn rau quả Hà Nội là một hệ thống giao dịch hiệu quả cho các nhà SX nhỏ lẻ. Điều này đã được các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế như IFAD, ADB, JICA đánh giá cao.
Lợi ích như vậy nhưng đến nay ở phía Bắc mới chỉ có hơn 600 tổ hợp tác/nhóm SX ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Ninh Bình tham gia Sàn Giao dịch rau quả Hà Nội.
Do tính chất đặc thù của việc phối hợp kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm và hỗ trợ phí giao dịch ban đầu cho nông dân nên, sàn rau quả này chỉ hợp tác với ban, ngành hoặc các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương để hỗ trợ nhà SX.
Cũng theo ông Lưu, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo thì việc hỗ trợ nông dân tham gia sàn rau quả diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt các tỉnh Hà Giang, Ninh Bình, đích thân lãnh đạo tỉnh dành thời gian lắng nghe và ủng hộ nên việc phối hợp triển khai hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm rất thông suốt.
“Nông dân nước ta cần cù sáng tạo nhưng năng lực tiếp cận thị trường còn rất yếu, nếu để mặc họ tự xoay sở sẽ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn trồng - chặt hay nuôi - bỏ. Việc kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân là cần thiết nhưng sẽ chỉ giải quyết được một phần. Đa số hộ SX nhỏ lẻ ít có cơ hội được hỗ trợ đầu ra sản phẩm.
Vì thế rất cần tập hợp họ thành các tổ hợp tác/nhóm SX và hỗ trợ tham gia giao dịch kết nối tiêu thụ sản phẩm qua sàn”, ông Lưu chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã