Dự trữ thức ăn xanh bằng cách ủ chua
Thức ăn ủ chua là thức ăn dự trữ chiến lược để nuôi dưỡng gia súc trong mùa thiếu cỏ xanh. Thực chất của việc ủ chua thức ăn là nén chặt các loại thức ăn có khả năng lên men trong điều kiện kín khí để bảo quản lâu dài. Nguyên liệu có thể là cây ngô, các loại phụ phẩm chế biến dứa (bã, chồi,…). Với công thức ủ xanh như: 100 kg thân cây ngô tươi + 3 kg urê + 0,5 kg NaCl (có thể bổ sung 2 - 4% rỉ mật đường),…
Thức ăn đem ủ cần chặt ngắn (5 - 10 cm). Lượng nước thích hợp trong thức ăn nguyên liệu là 65 - 75%. Chỉ ủ những thức ăn tương đối sạch và đảm bảo chất lượng. Cho từng lớp thức ăn dày 20 - 30 cm đầm kỹ, nén chặt rồi mới cho lớp khác, chú ý đầm thật chặt ở các góc hố.
Sau khoảng 3 tuần là có thể cho gia súc ăn. Thức ăn ủ chua được bảo quản lâu dài và tổn thất ít chất dinh dưỡng. Nếu thức ăn ủ xanh có chất lượng tốt có thể cho gia súc ăn tới 5 - 7 kg/100 kg thể trọng/ngày. Khi dùng loại thức ăn này không cần hạn chế về khối lượng nhưng không nên chỉ cho ăn đơn độc mà cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác.
Dự trữ cỏ khô
Làm cỏ khô là quá trình làm giảm tỷ lệ nước trong cỏ từ 70 - 80% còn 14 - 15%, thông qua sấy khô hoặc phơi khô cỏ xanh nhờ ánh nắng mặt trời. Cỏ khô loại tốt là một nguồn cung cấp protein, gluxit, vitamin và chất khoáng chủ yếu cho gia súc nhai lại vào mùa lạnh. Phương pháp này có ưu điểm là rất đơn giản, cỏ ít bị hỏng; Áp dụng với mọi quy mô chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ; Có thể tận dụng thời gian; Đầu tư thấp; Trâu bò ăn được nhiều mà không gây rối loạn tiêu hóa. Cỏ phơi khô, giai đoạn còn non, tỷ lệ tiêu hóa đạt 77%, giai đoạn ra hoa là 66% và sau ra hoa là 60%.
Dự trữ rơm khô cho gia súc mùa lạnh - Ảnh: CTV
Để thu được cỏ khô chất lượng tốt và giảm tổn thất các chất dinh dưỡng, sau thu hoạch, phải phơi (sấy) khô nhanh chóng. Ở nước ta, cỏ khô thường được bảo quản bằng cách đánh thành từng đống như đống rơm, nén chặt và có mái che mưa là hình thức phổ biến.
Dự trữ các phụ phẩm nhiều xơ
Nguồn phụ phẩm nhiều chất xơ rất phong phú và đa dạng như rơm, ngọn lá mía, ngọn sắn… Nguyên tắc làm tăng khả năng sử dụng phụ phẩm nhiều xơ gồm thu gom sau thu hoạch để dự trữ lâu dài; Bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hay xử lý nhằm phá vỡ các liên kết phức tạp để làm tăng tỷ lệ tiêu hóa và lượng thu nhận thức ăn. Trong đó, phương pháp xử lý vật lý và sinh học ít được áp dụng do quy trình phức tạp, chi phí thiết bị cao. Trong xử lý hóa học, có xử lý bằng ủ chua, ủ urê là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay.
Trồng các loại cây cỏ bổ sung
Thức ăn lý tưởng cho gia súc nhai lại là cỏ xanh nhưng năng suất lại thay đổi theo mùa vụ và trong mùa lạnh (khô) thường bị thiếu. Hiện, một số địa phương miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La… đã chủ động thực hiện việc chuyển một số diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như cỏ voi, cỏ Ghi nê, VA06,… để trồng thâm canh nhằm có đủ nguồn thức ăn thô xanh.
Cần căn cứ vào nhu cầu từng loại gia súc và năng suất của cỏ trồng để tính toán diện tích trồng cho phù hợp. Trồng cỏ giúp đảm bảo chủ động có nguồn thức ăn xanh hay dự trữ để ổn định nguồn thức ăn cần thiết cho gia súc, nhất là vào mùa lạnh.
Dự trữ thức ăn tinh
Các loại thức ăn tinh như hạt ngũ cốc, cám gạo, bột đậu tương… chứa các thành phần dinh dưỡng quan trọng gồm đạm, tinh bột, đường, khoáng và vitamin.
Thức ăn tinh sau khi được xử lý thường được dự trữ trong bao, quây cót… Kho chứa thức ăn là phải ở nơi cao ráo, thoáng mát, đầu gió, có mái không dột, xung quanh có cống rãnh thoát nước. Nền kho cao 50 - 80 cm, tường kho tráng xi măng chống thấm. Sử dụng theo thứ tự trước dùng trước, sau dùng sau và kiểm tra hàng ngày. Định kỳ đảo kho, xông, sát trùng mọt, sâu… Kiểm tra thường xuyên thức ăn nếu có hiện tượng ẩm, vón mốc... phải có biện pháp phơi, sấy hoặc loại bỏ.
Về mặt dinh dưỡng, thức ăn thô không thể thay thế quá nhiều (khi thiếu) bằng thức ăn tinh trong khẩu phần ăn của gia súc. Hơn nữa, vì lý do kinh tế, môi trường và an ninh lương thực, giá thành, người nuôi nên tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc nhằm hướng đến việc phát triển hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường.
>> Trên thực tế, gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt. Nhưng nguyên nhân chính là do người dân chưa chăm sóc tốt cho đàn gia súc, chưa chủ động dự trữ thức ăn khiến vật nuôi không đủ sức đề kháng dẫn đến việc giảm khả năng chống chịu với diễn biến thời tiết bất lợi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã