Theo báo cáo của UBND huyện Thới Bình, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 2.630 ha đất canh tác hệ ngọt chuyển đổi tự phát, trong đó, 1.577 ha đất trồng lúa chuyển sang sản xuất tôm lúa.
Từ âm thầm đến công khai
Theo quy hoạch, ấp 5 của xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình) có 229 ha lúa hai vụ, nhưng hiện chỉ còn hơn 160 ha, bởi phần còn lại nhiều hộ dân đưa nước mặn vào nuôi tôm. Tranh chấp mặn ngọt diễn ra trong thời gian dài đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với cây lúa.
Ông Trần Văn Hà, người trồng lúa ở ấp 3 cho biết, mấy năm gần đây, trồng lúa thất bại nhiều, hạt lép là chính, bởi một bên trồng lúa, nhưng một bên tháo nước mặn vào nuôi tôm.
Trước đây, ấp 3 của xã Tân Lộc Bắc có tổng diện tích cánh đồng lúa là 68 ha, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng lúa. Tuy nhiên, từ khi một số hộ đưa nước mặn vào nuôi tôm thì năng suất bị sụt giảm đáng kể, có trường hợp mất trắng không thu hoạch được. Gần 7 năm qua, người trồng lúa nơi đây vác đơn khiếu nại khắp nơi, nhưng ngành chức năng chưa có động tác nào mạnh tay, trong khi con tôm trái chủ trương vẫn phát triển ầm ầm và “ăn mòn” cây lúa.
Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho người trồng lúa mà còn làm tăng nỗi bức xúc của họ. Bà Hồ Thị Nga, một hộ trồng lúa bị ảnh hưởng bày tỏ, trồng lúa cho thu nhập ổn định hàng năm, bà và nhiều hộ dân quyết bám ruộng lúa, nhưng với tình hình này, nếu không giải quyết dứt điểm thì bà cũng sẽ lấy nước mặn vào nuôi tôm. “Tôi quyết rồi, nếu cán bộ không chịu xử lý dứt điểm, tôi sẽ không làm theo chủ trương nữa, chẳng được cái gì”, bà Nga bức xúc.
Ông Lê Toàn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc cho biết, từ năm 2009, địa phương được quy hoạch trồng hai vụ lúa, tổng diện tích khoảng 1.200 ha. Nhưng hiện tại, đất lúa hai vụ trên địa bàn chỉ còn khoảng 463 ha, và 5/9 ấp của xã diện tích lúa hai vụ gần như bị xóa sổ.
Người dân Cà Mau nuôi xen canh tôm - lúa cho hiệu quả cao - Ảnh: Trần Út
Khó ngăn chặn
Việc con tôm lấn dần đất diễn ra từ nhiều năm nay và nó dường như trở thành “phong trào”. Ban đầu một hai hộ tự ý tháo nước mặn vào thả nuôi, dần dần thấy lợi nhuận tôm cao hơn lúa, nhiều hộ khác đua làm theo.
Ông Hứa Văn Tống (ấp 1, xã Tân Lộc Bắc) cho biết, bà con xung quanh nuôi tôm hiệu quả nên gia đình tôi cũng làm theo, chứ làm lúa cực quá mà thu lợi chẳng được bao nhiêu. Còn ông Đinh Văn Xê (ấp 9) than thở: trồng lúa năm nào trúng lắm chỉ được 20 - 30 giạ/công đất, còn mất mùa, chỉ đủ gạo ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chán nản vì cấy lúa vất vả nhưng không thể thoát khó, nên ông cũng thuê cơ giới chuyển 3/8 công đất lúa sang nuôi tôm. “Dù bị chính quyền nhắc nhở rồi xử phạt hành chính nhưng đầu vụ tới giờ, tôi thu từ ba công đất tôm gần 30 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi từ cua nuôi sắp cho thu hoạch”, ông Xê giãi bày.
Ông Đỗ Duy Thanh, cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc Bắc nêu thực trạng, vùng sản xuất lúa của xã và các xã lân cận đang bị nước mặn bao bọc. Dù chính quyền đã tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt việc phá lúa chuyển sang nuôi tôm, nhưng không ngăn chặn được. Với đà này, thời gian tới có lẽ sẽ khó kiểm soát việc bỏ lúa nuôi tôm.
Không riêng huyện Thới Bình mà một vài nơi ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, TP Cà Mau, tình trạng người dân đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm cũng đã diễn ra. Tuy vậy, cũng khó xử phạt người dân, bởi người trồng lúa cũng có lý lẽ riêng, bà con cho rằng sản xuất lúa ngày càng khó khăn, chi phí đầu vào luôn tăng, trong khi đầu ra bấp bênh khiến thu nhập của người trồng lúa ngày càng giảm sút.
Trước những bất cập trên, UBND tỉnh Cà Mau mới đây đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Thới Bình xử lý dứt điểm tình trạng tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm, vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc nếu cố ý vi phạm. Tuy nhiên, công văn đưa ra là một chuyện, việc thực hiện lại là chuyện khác. Bởi theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng ban Nhân dân ấp 3 thì từ trước đến nay chính quyền địa phương cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng rồi đâu lại hoàn đó.
>> Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, sau khi thu thập số liệu về hiệu quả kinh tế của bà con chuyển qua mô hình tôm - lúa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp và đưa ra quyết định, không nhất thiết bắt bà con phải chuyên lúa. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không muốn dân khổ, dân nghèo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã