Bắt tay vào nghiên cứu bệnh từ đầu năm 2005, các nhà khoa học của Trường Đại học Nông - Lâm Huế đã tiến hành thực nghiệm tại nhiều vườn tiêu bị bệnh trên cả nước. Qua đó đã tìm, phân lập và phát hiện trong rễ cây hồ tiêu có chứa Seudomonas - vi khuẩn có khả năng ức chế nấm Phytophthora capsici gây ra bệnh chết nhanh, ngoài ra còn tiết ra nhiều chất kích thích cây sinh trưởng. Đây được xem là tiền đề đưa đến sự ra đời của chế phẩm sinh học Pseudomonas. TS. Trần Thị Thu Hà, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, qua thử nghiệm tại nhiều vườn tiêu ở Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk… thấy chế phẩm sinh học Pseudomonas cho kết quả rất cao, nếu sử dụng đúng kỹ thuật có thể giảm tỷ lệ cây chết xuống từ 15-30%, cao hơn nhiều so với các phương pháp khác. Theo tiến sĩ Hà, nguyên nhân khiến diện tích tiêu nhiễm bệnh liên tục tăng trong thời gian qua là do bà con thiếu kinh nghiệm trong việc phòng trừ, quản lý bệnh; sử dụng các loại thuốc hóa học không đúng cách, không đúng liều lượng và đặc biệt là trồng lại các giống cây đã bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, lâu nay Việt Nam vẫn chưa có giống tiêu nào chống chịu được bệnh chết nhanh. Giới thiệu về chế phẩm sinh học Pseudomonas, TS. Hà cho biết, chế phẩm chủ yếu dùng để phòng bệnh hơn là chữa bệnh; thực hiện phòng bệnh hai lần, cách nhau 2 tháng trước mùa mưa (mùa mưa là cao điểm của bệnh chết nhanh), dùng để tưới vào thân, gốc và bón lót giống như bón phân nên dễ sử dụng. Bên cạnh đó, vi khuẩn Seudomonas còn tiết ra chất kích thích sinh trưởng idole, acetic acid…, giúp cây tiêu sinh trưởng, phát triển mạnh hơn, tăng sức đề kháng. Đồng thời, sản phẩm không ảnh hưởng tới môi trường cũng như chất lượng tiêu sau khi thu hoạch. Việc áp dụng thành công chế phẩm sinh học Pseudomonas vào phòng trừ bệnh chết nhanh mở ra triển vọng mới, giúp người trồng tiêu hạn chế thiệt hại do bệnh gây ra; giúp bà con chủ động sản xuất với giá thành thấp hơn 2-3 lần so với các phương pháp khác… Dùng thử nghiệm chế phẩm Pseudomonas trên hơn 2ha tiêu của gia đình gần 5 tháng qua, anh Lê Văn Tuệ ở xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh) chia sẻ: "Như những năm trước, giờ này vườn tiêu của gia đình đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh chết nhanh nhưng sau nhiều tháng dùng chế phẩm Pseudomonas, vườn tiêu phát triển rất tốt, lá xanh hơn, cho hoa sớm và nhiều hơn so với những vườn tiêu không dùng chế phẩm". Đặc biệt, bà con còn có thể dùng chế phẩm Pseudomonas để xử lý hom tiêu giống, giúp loại bỏ mầm bệnh. Anh Huỳnh Văn Ánh ở xã Ia Hrú, nông dân tham gia mô hình trồng hom tiêu giống xử lý qua chế phẩm sinh học Pseudomonas cho biết: "Sau khi dùng chế phẩm Pseudomonas, hom tiêu giống phát triển nhanh hơn, cây lên đều, lá xanh, tăng trưởng nhanh gấp đôi so với những hom không được xử lý qua chế phẩm, đặc biệt là tỷ lệ hom tiêu giống ươm thành công cao, đạt gần như tuyệt đối". "Chế phẩm Pseudomonas hiện mới chỉ được sản xuất trên quy mô nhỏ, phục vụ cho nghiên cứu, thử nghiệm, chưa được bán ra thị trường nhưng đã xuất hiện nhiều sản phẩm nhái, do đó, chúng tôi sẽ sớm chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm này nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con", TS. Hà cho biết thêm. Nguyễn Kim |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã