Ninh Thuận có diện tích tự nhiên trên 3.360 km2, chủ yếu là núi đá, rừng và sa mạc cát. Đây là địa phương khô hạn nhất nước, nhưng đã hình thành những con vật nuôi “độc” đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ gia đình chăn nuôi dê, cừu, bò cho lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm, và biết phát huy đúng lợi thế, dải đất nắng cháy miền Trung không thiếu cơ hội làm giàu.
Dễ nuôi, dễ bán
Con dê, cừu Ninh Thuận được du nhập từ Ấn Độ hơn 100 năm nay, nó phù hợp trên vùng đất nắng nóng quanh năm. Nhà nhà, người người nuôi dê, cừu đều khá giả.
Riêng con cừu lai được tính mốc thời gian 1994, khi tỉnh Ninh Thuận nhập cừu Úc về nhằm cải hóa đàn cừu bản địa. Con cừu lai đã mở ra một hướng đi mới mẻ, cho năng suất, chất lượng cao hơn nhiều.
Gắn bó với nghề nuôi cừu hơn 9 năm nay, ông Lê Niên, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn có cuộc sống khấm khá. Con cừu là “cần câu cơm” của gia đình ông. Sở dĩ ông gắn bó với con vật nuôi này là nhờ cừu ít bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Chăn nuôi cừu đối với ông rất đơn giản, ông thuê người trông coi, một năm trả 15 triệu đồng. Sáng họ thả đi ăn, chiều lùa về hoặc không chúng cũng tự về chuồng. Siêng thì một ngày ông lên kiểm tra một lần.
Đàn cừu của ông Niên có trên 200 con, gồm cừu nái, thịt, mỗi năm thu 200 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả, ngoài việc nhờ vào nguồn thức ăn tự nhiên, ông trồng thêm 3 sào cỏ để cung cấp thức ăn cho chúng vào những lúc đồng khô, ruộng cháy.
“Cừu có tính bầy đàn cao, thường đi kiếm ăn theo đàn nên người chăn nuôi rất dễ quản lý. Chúng cũng là loài dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật, chuồng trại lại đơn giản.
Thức ăn của cừu rất đa dạng từ các loại cỏ, lá cây, đến các loại phụ phẩm nông nghiệp, lúc đói thì xương rồng cũng ăn hết. Cừu không chỉ bán tại địa phương mà xuất đi nhiều tỉnh, thành khác, số lượng bao nhiêu cũng bán được hết”, ông Niên bày tỏ.
Phát triển chăn nuôi cừu giúp ông Lê Niên thu nhập 200 triệu đồng/năm
Chẳng khác gì ông Niên, anh Đặng Cường, thôn Lương Cang 3, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, chủ trang trại có 400 con cừu và 100 con dê. Riêng cừu có 300 con cừu nái, còn lại cừu thịt. Để có nơi chăn thả, anh phải lập hai khu trang trại và thuê người trông coi.
Đã gắn bó với con dê, cừu 20 năm nay nên kinh nghiệm chăn nuôi của anh có sẵn, do đó đàn dê cừu của anh ít khi bị dịch bệnh xảy ra.
Tính toán của anh Cường, nuôi một con cừu trong một năm sẽ thu ít nhất 1 triệu đồng. Còn nuôi cừu vỗ béo như cừu 3 tháng tuổi, nuôi thêm 3 tháng, sẽ có lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con. Cũng nhờ dê, cừu mà kinh tế gia đình anh khá giả, xây được nhà to cao nhất vùng.
Nói về thị trường, ông Nguyễn Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Ninh Thuận khẳng định: Thị trường dê cừu rất rộng, riêng trong nước đang cần rất nhiều. Cừu Ninh Thuận không đủ cho trong nước chứ đừng nói xuất ra nước ngoài.
Ông Tín đơn cử: Cách đây mấy năm có một doanh nghiệp thu mua cừu xuất khẩu sang các nước Trung Đông nhưng mới chỉ một đợt thì đành bỏ dở. Bởi nguồn cừu không đủ, khi xuất khẩu người ta loại bỏ xương, da chỉ lấy thịt, tính ra một con cừu được vài kg. Trong khi một container mấy chục tấn, riêng đợt đó xuất có mấy container mà hết 2/3 số cừu toàn tỉnh.
Nuôi bò lãi to
Đến thôn Hậu Xanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước thấy hàng rào xây bề thế kéo dài gần 100 m và 3 cánh cổng hoành tráng nối tiếp nhau, chúng tôi không khỏi choáng ngợp.
Phía trong là hai ngôi biệt thự cao sừng sững và một khoảng đất trống sắp làm móng để xây thêm một biệt thự nữa. Đấy là tài sản của ông Đặng Vầng, 55 tuổi, dân tộc Chăm. Hiện ông Vầng nuôi hơn 100 con bò, trong đó có 75 con bò nái.
Nuôi bò cho lãi lớn
Ông Vầng chẳng giấu diếm: “Ở đây không nuôi bò thì chẳng có thu nhập nhiều như vậy. Con bò tuy chậm lớn nhưng chắc ăn lắm, giá cả luôn ổn định”.
Ông Vầng bắt đầu nuôi bò từ năm 1994, ban đầu thì nuôi chỉ vài con, sau đó nhân giống lên vài chục con và thành lập trang trại. Từ giống bò cỏ bản địa, ông lai giống bò lai Sind. Cũng vì thế mà cải thiện được đàn bò giống địa phương thành những con to, cao cho thịt nhiều.
Theo ông Vầng, riêng 75 con bò nái mỗi năm sinh sản 75 bê con. Tính bình quân bê con không đẹp thì giá dưới 10 triệu đồng, còn bê đẹp có giá từ 10-12 triệu đồng. Tổng đàn bò nái sẽ cho cho thu gần 700 triệu đồng/năm. Ngoài ra bò thịt bán vài chục triệu đồng/con.
Để nuôi được bò ở vùng đất mưa ít, nắng nhiều, ông Vầng sản xuất 6 mẫu lúa và trồng 5 sào cỏ làm thức ăn cho bò. Do đó, ông đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp gần 1 tỷ đồng và 1 máy cày 300 triệu đồng.
“Mỗi năm mùa mưa chỉ được 3 tháng, còn lại nắng nóng, nên cỏ cây không có nhiều. Mình không tận dụng rơm rạ, không trồng cỏ thì chẳng có cái cho bò ăn. Muốn nuôi bò nhiều phải đầu tư lớn, phương châm lấy ngắn nuôi dài mới có được, còn không rất khó làm giàu ở vùng đất này”, ông Vầng tâm sự.
Theo ông Vầng, ở đây chỉ phát triển chăn nuôi mới cho thu nhập cao, không có cách nào khác! Đất đai khô hạn quanh năm, muốn trồng cây gì thì thiếu nước bị chết khô. Ai biết tận dụng diện tích đồi núi rộng lớn chăn nuôi bò chắc chắn thu nhập cao.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện tổng đàn bò của tỉnh có 84.485 con; dê 64.696 con và cừu 86.910 con. Số lượng đàn gia súc được tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Sơn, Hải Ninh, Thuận Bắc và Ninh Phước. Quy hoạch đến 2020 đối với nuôi bò, dê, cừu, Ninh Thuận thực hiện theo hướng phát triển trang trại gắn với trồng cỏ. Đồng thời tận dụng các nguồn thức ăn trong tự nhiên và sản phẩm phụ ngành trồng trọt để chế biến, bảo quản làm thức ăn cho đàn gia súc. Ngoài ra chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đàn theo chiều sâu để nâng cao trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ xẻ thịt và chất lượng thịt. Riêng bò đạt 50% bò lai Sind, tổng đàn ổn định 140.000 con; dê, cừu nhập 50-70% của Úc, Ả Rập. Trong đó, tổng đàn dê khoảng 100.000 con, cừu 190.000 con. Để phát triển số lượng nói trên, Ninh Thuận quy hoạch 2.799 ha trồng cỏ. |