Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ mạnh tay chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hóa chất, khánh sinh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, hóa chất phục vụ NTTS là hàng ngoài danh mục, kém chất lượng…
Cảnh báo gia tăng
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, trong năm nay, số lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo đã tăng lên ở một số thị trường lớn. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, có 58 lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh, tăng 18 lô so với năm ngoái.
Tại EU và Nhật Bản, tổng số lô hàng bị cảnh báo trong năm nay là 72 (tăng 32 lô). Riêng trong 2 tháng 10 và 11 vừa rồi, có 17 lô hàng thủy sản Việt Nam bị EU cảnh báo.
Đáng chú ý là một số hóa chất, kháng sinh mới bị cảnh báo nhưng lại bị cảnh báo nhiều như Nitrofurazone, Doxycycline. Một số chỉ tiêu bị cảnh báo trở lại ở thị trường Nhật Bản và EU như Malachite Green/Leucomalachite Green và Furazolidon.
Do số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo gia tăng nên cơ quan thẩm quyền EU đã yêu cầu cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành điều tra nguyên nhân và có các biện pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.
Nếu sau ngày 9/1/2015, EU chưa nhận được trả lời từ phía Việt Nam, họ sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung có thể bao gồm cấm NK từ các DN bị cảnh báo hoặc các biện pháp mạnh hơn ảnh hưởng đến việc XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.
Khó kiểm soát lưu thông
Có thể nói, việc các thị trường quan trọng gia tăng cảnh báo lô hàng thủy sản Việt Nam, có nguyên nhân quan trọng từ việc người nuôi thủy sản đang lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm, cá.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong NTTS vẫn chưa giảm mà còn có nguy cơ khó kiểm soát.
Chất lượng thuốc, hóa chất phục vụ NTTS cũng là vấn đề đáng bàn. Nổi cộm nhất hiện nay là trên thị trường đang có rất nhiều loại vật tư phục vụ NTTS có những sai phạm khác nhau. Ông Đào Quang Hưng (Thanh tra Bộ NN-PTNT), cho biết, trong năm nay Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh về thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý và cải tạo môi trường NTTS tại 10 tỉnh ĐBSCL.
Kết quả cho thấy nhiều cơ sở có sai phạm về nhãn mác hàng hóa như sản phẩm thức ăn bổ sung, chất cải tạo môi trường mà ghi cả những công dụng điều trị bệnh, đặc trị tôm, cá; ghi nhãn sai so với đăng ký… Nhiều sản phẩm bị phát hiện ngoài danh mục của Bộ NN-PTNT.
Thanh tra của 26/30 Sở NN-PTNT đã gửi báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Bộ, theo đó, đã phát hiện và xử lý tới 386 cơ sở vi phạm, với những sai phạm phổ biến là sai phạm về nhãn mác, quảng bá quá công dụng, ngoài danh mục, hàng giả, kém chất lượng…
Cũng theo ông Hưng, đang có hiện tượng đưa hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, ngoài danh mục bán tại đại lý cấp 2 (không qua đại lý cấp 1) và bán trực tiếp tại các hộ NTTS.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nay, khó nhất trong việc kiểm soát hóa chất, kháng sinh dùng trong NTTS là ở khâu lưu thông. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng nhiều công ty khi đưa hàng ngoài danh mục, hàng có sai phạm cho các đại lý, đã tuyên bố sẵn sàng nộp phạt thay cho đại lý nếu như bị cơ quan chức năng phát hiện.
Chính vì vậy, nhiều đại lý đang sẵn sàng tiếp tay cho các công ty này trong việc buôn bán các sản phẩm kém chất lượng, ngoài danh mục… Đại diện Cục Thú y cho biết, nhiều công ty thuốc thú y cử nhân viên tiếp thị và bán thuốc thú y, đặc biệt là thuốc ngoài danh mục ngay tại cơ sở NTTS, gây khó khăn cho sự quản lý của các địa phương.
Nhiều người NTTS cũng đang tự mua các loại nguyên liệu kháng sinh về đưa thẳng xuống ao với liều lượng tùy tiện, không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc, dẫn đến khả năng tồn dư trong thủy sản là rất lớn. Về vấn đề này, ông Quảng Trọng Thao, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho hay, tuy người nuôi thủy sản không được sử dụng nguyên liệu kháng sinh trực tiếp trong NTTS, nhưng nguyên liệu kháng sinh lại đang được bán khắp nơi, ai cũng có thể mua được dễ dàng.
Mạnh tay chấn chỉnh từ 2015
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải kiểm soát ngay từ nơi sản xuất thuốc, hóa chất phục vụ NTTS, giống như bên ngành thú y đã làm. Nếu như bên ngành sản xuất thuốc thú y, các DN đã bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP, thì trong sản xuất các chế phẩm sinh học, hóa chất… phục vụ NTTS, cũng phải đặt ra những điều kiện đối với các DN. DN nào không đủ điều kiện thì không được phép sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất phục vụ NTTS.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần phải có những biện pháp mạnh để giảm tình trạng lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường quan trọng.
Theo đó, năm 2015 sẽ là năm mà ngành nông nghiệp tập trung kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, tiến tới giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong NTTS.
Các cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh tra chuyên ngành về điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, nhất là các cơ sở đã bị xếp hạng loại C. Các địa phương có thể tập trung vào việc kiểm tra, xử lý những sản phẩm ngoài danh mục, ghi sai trên nhãn mác, các chất cấm, vì những sản phẩm này không cần phải lấy mẫu để xét nghiệm mà có thể xử phạt ngay.
Đồng thời tiến hành kiểm tra, phân loại, định rõ những điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc dùng trong NTTS, qua đó có thể loại bỏ những DN sản xuất theo kiểu “cuốc xẻng”…