Đây là nhận định trong báo cáo nghiên cứu: "Việt Nam - thiên đường ô nhiễm của các doanh nghiệp nước ngoài" do PGS, TS Đinh Đức Trường, Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra tại Hội thảo bàn về phát triển kinh tế Việt Nam trong trung hạn, tác động của môi trường.
Như vây, với GDP của Việt Nam vào khoảng 204 tỷ USD năm 2015, theo tính toán của PGS Trường, Việt Nam sẽ mất 5%, tương đương 10 tỷ USD, chủ yếu là tác động tiêu cực làm giảm giá trị tăng trưởng các ngành sản xuất, chi phí để cải tạo môi trường và sức khỏe cộng đồng...
Mỗi năm, Việt Nam có thể thiệt hại 5% GDP vì ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa).
Trong nghiên cứu của mình, ông Trường cho hay, hiện Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về phát triển về ô nhiễm môi trường, càng phấn đấu tăng trưởng, Việt Nam càng gặp phải thách thức từ: biến đổi khí hậu (thiên tai, tự nhiên gây ra) và những biến đổi môi trường do con người, do hoạt động sản xuất. Quy định và hàng rào về tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường, chi phí xả thải của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) tận dụng, lách luật.
Dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Trường cho hay: Trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% khu đang vi phạm quy định về môi trường, số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tới 60% trên tổng các DN xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu về hành vi môi trường của các doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy có 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó, nồng độ các chất BOD, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.
Nhiều doanh nghiệp FDI liệt kê vào danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như: Công ty TNHH Huyndai - Vinasin (Khánh Hoà); Công ty TNHH Miwon Việt Nam; Công ty Tung Kuang; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016...
Theo ông Trường, các DN FDI khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, khoảng 80% quan tâm tới yếu tố môi trường, coi đây là yếu tố để giảm chi phí cho mình; bên cạnh việc lao động giá rẻ, thị trường xuất khẩu tại chỗ, chi phí vận hàng và quản lý rẻ…
Các DN FDI mang công nghệ bị cấm sử dụng ở nước sang Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn để tiếp tục vòng đời công nghệ, chi phí đầu tư môi trường thấp, loại thuế, phí đánh vào môi trường thấp hơn ở công ty mẹ.
“Nếu đà tăng của xả thải môi trường như hiện nay, Việt Nam sắp vượt qua Trung Quốc về thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên”, PGS Trường nhấn mạnh.
Theo vị PGS này, "thỏi nam châm" thu hút FDI vào Việt Nam là ngành dệt may, thép, giấy đều là những ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao với hàng loạt dự án vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, Đài Loan.
Chính vì vậy, để đảm bảo dòng FDI lâu dài, đảm bảo tăng trưởng bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường, Việt Nam cần thu hút FDI sạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp đảm bảo quy hoạch đồng bộ, phù hợp với kế hoạch tài nguyên môi trường; tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường…
Nguyễn Tuyền
theo dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã