Buổi làm việc của lãnh đạo Bộ NNN-PTNT với Tổng cục Phòng, chống thiên tai bắt đầu từ 15h00 chiều 25/2, nhưng Thứ trưởng Lê Minh Hoan đến sớm hơn 30 phút để tham quan các phòng làm việc của Tổng cục. Ông thấy ấn tượng khi từ hành lang đến cầu thang đều được tận dụng để trưng bày sách, dữ liệu về phòng, chống thiên tai và trồng cây xanh.
“Cái nghiêm túc và chỉn chu trong một công sở nói lên sự chỉn chu trong việc lập kế hoạch và thực thi kế hoạch. Đừng xem thường chuyện đó, vì ngoại cảnh tác động đến cảm xúc của chúng ta”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông nói thêm rằng, nếu vào một cơ quan, bản thân người làm việc đó thấy vui vẻ, phấn khởi thì sẽ tác động đến mức độ sáng kiến, năng lực làm việc hàng ngày theo hướng tích cực.
“Tới đây, các đơn vị trong Bộ NN-PTNT cần học tập Tổng cục Phòng, chống thiên tai để chuyển đổi số, tích hợp các công nghệ cập nhật thông tin, dữ liệu trực quan. Kể cả Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi đến các cục, vụ khác cũng vậy. Lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để phục vụ công tác tốt hơn”, Thứ trưởng Hoan nói.
Thứ trưởng cũng cho hay, bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, phòng bao giờ cũng dễ hơn là chống. “Anh hùng sinh ra từ biến cố, còn lãnh đạo là người ngăn ngừa biến cố xảy ra. Không ai ngăn chặn được thiên tai, nhưng có thể chuẩn bị phòng ngừa trước để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”, Thứ trưởng Hoan nói.
“Người làm công tác phòng, chống thiên tai đừng thấy mưa thuận gió hòa là điều mừng, vì không cẩn thận mưa thuận gió hòa sẽ gây ra sức ỳ. Bởi vậy, luôn luôn phải xây dựng, tăng cường thiết chế bộ máy; có chiến lược và chuẩn bị kế hoạch chi tiết để phòng, chống thiên tai có hiệu quả”.
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh 6 chữ “nâng cao năng lực cộng đồng” và lý giải, trước đây chúng ta hay nói về “nâng cao nhận thức cộng đồng”, nhưng “nâng cao năng lực cộng đồng” nằm ở cấp độ cao hơn.
“Hai năm trước tôi có chuyến công tác ở Osaka, Nhật Bản. Người dân bản địa nói rằng cách đó mấy hôm, một trận bão lớn mấy chục năm mới xuất hiện vừa quét qua thành phố này. Nhưng, tôi không hề cảm nhận được sức mạnh của cơn bão, bởi người ta khắc phục hậu quả của bão rất nhanh”, ông Hoan nhớ lại.
Từ ví dụ này, Thứ trưởng cho rằng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần xây dựng các học liệu và tài liệu hướng dẫn cách phòng, chống, ứng phó từng loại hình thiên tai khác nhau (thời điểm thiên tai sắp đến, thiên tai xảy ra và sau thiên tai).
Các tài liệu hướng dẫn về phòng, chống thiên tai mặc dù rất đa dạng về hình thức, nhưng phải cụ thể hơn. Ví dụ, đối với học sinh thế nào, người già ra sao và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nữa. Thậm chí, có thể một ngày nào đó, cần đưa kiến thức phòng, chống thiên tai vào nội dung giảng dạy của hệ thống giáo dục quốc dân. Giống như cách người Nhật giáo dục một công dân từ lúc còn bé đến khi trưởng thành vậy.
Ông phân tích thêm, hàng ngàn năm nay, người Nhật đã hứng chịu nhiều trận thiên tai, sóng thần, động đất, bởi vậy, họ ứng phó với thiên tai rất trật tự, ngăn nắp, kỷ luật. Trong lúc rối ren, không hề có sự nhốn nháo, chộp giật, nó trở thành hình ảnh biểu trưng, là thương hiệu của nước Nhật và người Việt cần lưu ý điều này.
Thứ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, mọi việc mà chúng ta đang làm cần hướng đến những giá trị cao hơn về hình ảnh và thương hiệu, chứ không bó gọn công việc của mình. Nên làm vì bổn phận chứ không phải vì trách nhiệm.
Trong chiến lược phòng, chống thiên tai, cần phải luôn hướng tới tính chuyên nghiệp, từ lực lượng phòng, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động với những tình huống khẩn cấp.
Muốn làm được điều đó, cần xây dựng và đào tạo để hình thành một lực lượng tinh nhuệ, lực lược đặc biệt, được trang bị những phương tiện chuyên dụng để họ vừa có thể lo cho mình, vừa lo cho người khác.
“Chúng ta không cần thành lập Bộ Khẩn cấp nhưng cần có lực lượng chuyên trách ứng phó thiên tai, bởi nước ta có 22 loại hình thiên tai, mỗi loại hình lại yêu cầu kỹ năng ứng phó riêng”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan định hướng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã nhấn mạnh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống thiên tai. Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai chưa được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Thậm chí, nhiều tỉnh không có cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai đúng nghĩa, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu.
Chúng ta cũng rất muốn xây dựng đội ngũ cộng đồng phòng chống thiên tai, nhưng vẫn chưa làm được. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, vẫn “còn khoảng trống quá lớn giữa quy định pháp luật về phòng chống thiên tai với việc thực thi”. Và nếu chúng ta thực hiện nghiêm những quy định hiện hành thì hậu quả sẽ giảm đi rất nhiều.
Ví dụ, công tác quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phải phù hợp với phòng chống thiên tai; các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng nhà ở, trường học, cơ quan nhà nước... phải tính đến yếu tố phòng, chống thiên tai, không để tình trạng khi sạt lở đất xảy ra người dân không biết chạy vào đâu để trú...
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho rằng, thiên tai ngày càng khốc liệt và khó dự đoán. Do đó, lực lượng phòng chống thiên tai cần chuyên môn hóa cao và được đầu tư trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại.
Ông lấy ví dụ, năm ngoái có một tàu mắc kẹt ở vùng biển Cửa Việt. Vị trí tàu mắc kẹt chỉ cách biển chừng 200m, từ bãi biển nhìn thấy rất rõ. Nhưng, vì không có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, ví dụ như “người nhái” nên các thành viên trên tàu Vietship 1 phải chịu 4 ngày đói lả, phải nằm trên ống khói.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã