Với diện tích khoảng 50 ha, Camocim Estate là một trong những đồn điền cà phê nhỏ nhất ở Brazil, nhưng nó vẫn thu về lợi nhuận khá cao nhờ loại cà phê rất độc đáo và được săn lùng.
Mọi chuyện bắt đầu vào đầu những năm 2000, khi Henrique Sloper de Araújo tỉnh dậy và thấy rằng, đồn điền cà phê quý giá của mình đã bị tàn phá bởi những con chim Jacu, một loài chim giống gà lôi, đang được bảo vệ ở Brazil.
Lúc đầu, Henrique đã tuyệt vọng xua đuổi đàn chim khỏi đồn điền của mình, thậm chí còn gọi cảnh sát tới, nhưng không ai có thể làm gì để giúp đỡ. Những con chim này được pháp luật bảo vệ, vì vậy họ thực sự không thể làm tổn thương chúng theo bất kỳ cách nào. Nhưng rồi trong cơn tuyệt vọng, Henrique tìm ra ánh sáng của đời mình.
Thời trẻ, Henrique là một người đam mê lướt sóng, việc theo đuổi những con sóng để cưỡi đã từng đưa ông đến Indonesia, nơi ông được giới thiệu về kopi luwak, một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới, được làm từ hạt cà phê thu hoạch từ phân của con cầy hương Indonesia.
Điều này đã cho Henrique một ý tưởng, nếu người Indonesia có thể thu hoạch quả cà phê từ phân của cầy hương, thì ông cũng có thể làm điều tương tự với phân của chim Jacu.
“Tôi nhận ra mình có thể thử một thứ gì đó tương tự với Camocim và chim Jacu, nhưng việc nảy ra ý tưởng mới chỉ là một nửa trận chiến. Thách thức thực sự nằm ở việc thuyết phục những người hái cà phê của tôi rằng, thay vì quả mọng, họ cần phải săn lùng phân chim”, Henrique nói.
Rõ ràng, Henrique đã phải biến cuộc săn lùng phân chim Jacu thành một cuộc săn tìm kho báu đối với những người lao động, cung cấp cho họ những động lực tài chính để tìm kiếm số lượng nhất định hạt cà phê được thải ra bằng phân chim. Không có cách nào khác để thay đổi suy nghĩ của họ.
Nhưng việc thu thập phân chim Jacu chỉ là bước khởi đầu của một quá trình rất vất vả. Quả cà phê sau đó phải được rửa sạch bằng tay, tách vỏ. Chính công việc khó nhọc này khiến cà phê Jacu bird đắt hơn đáng kể so với các loại cà phê khác, nhưng đó không phải là điều duy nhất.
Henrique ghi nhận những con chim Jacu chỉ ăn những quả cà phê ngon nhất, chín nhất, vì thế mùi vị cà phê thu hoạch được từ phân của chúng cũng chất lượng hơn hẳn. Điều này ông đã tận mắt quan sát.
“Tôi há hốc miệng quan sát từ phòng khách của mình khi con chim Jacu chỉ chọn những quả mọng chín nhất, để lại hơn một nửa chùm, thậm chí cả những quả trông hoàn hảo trong mắt mọi người”, chủ sở hữu của Camocim Estate cho biết.
Không giống như cà phê kopi luwak được tiêu hóa bởi cầy hương Indonesia, hạt cà phê di chuyển nhanh hơn qua hệ tiêu hóa của chim Jacu và không bị phân hủy bởi protein động vật hoặc axit dạ dày. Những quả cà phê sau đó được được rang lên, sau khi nghiền nát và pha thông thường, nó có hương vị độc đáo, mùi thơm hấp dẫn.
Theo Phan Hằng/danviet.vn
https://danviet.vn/o-noi-lam-ra-thu-ca-phe-doc-la-tu-phan-chim-co-gia-23-trieu-dong-kg-20210223154258327.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã