Doanh nghiệp Việt "cầm cự" chờ thương lái Trung Quốc
Thời điểm hiện tại, còn khoảng 10 ngày nữa sẽ đến chính vụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Con đường dài khoảng 20 km từ xã Phượng Sơn đến trung tâm huyện Lục Ngạn, các chuyến máy chở thùng vải tấp nập.
Cứ vài trăm mét, tại mỗi kho, chợ, người dân tất bật sơ chế, rửa vải, ướp đá, đóng thùng để chất lên các container chờ sẵn chở đi các cửa khẩu biên giới. Mọi công việc dường như diễn ra bình thường, tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều thương lái, doanh nghiệp mùa vải năm nay đang ảnh hưởng rất nhiều do dịch bệnh Covid – 19.
Theo ông Giáp Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Biển (huyện Lục Ngạn), năm nay, việc xuất khẩu vải sang thị trường lớn Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, vấn đề lớn nhất là do ách tắc khâu thông quan.
Ông Triệu cho biết, bên cạnh sức tiêu thụ của thị trường lớn này giảm, giá vải năm nay đã bị xuống thấp khiến doanh nghiệp chỉ đủ để cầm cự, nuôi công nhân. Ước tính, doanh nghiệp này đang lỗ khoảng 5.000 đồng/kg.
"Bây giờ có hai loại vải, đối với vải Thanh Hà đang cân loại đẹp từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, hàng trung bình từ 25.000 đến 30.000/kg. Ngoài ra, vải thiều dao động từ 18.000 đến 25.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn năm ngoái nhưng không đáng kể, người dân vẫn có lãi. Vấn đề hiện tại là ùn ứ ở các cửa khẩu, hàng sang chậm dẫn đến việc các thương lái Trung Quốc ép giá.
Tuy nhiên, điều đáng nói nằm ở chỗ, tình trạng trên là do khó khăn ở bên phía Trung Quốc. Mỗi ngày ngày họ chỉ thông quan có 50 xe, thậm chí có ngày chỉ 20 đến 30 xe hàng qua. Khi đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới sẽ có rất nhiều chi phí như cân, bến bãi,… Như năm ngoái, cước một chuyến hàng lên tới Pò Chài khoảng 10 triệu, năm nay lên tới 20 triệu. Cước xe năm nay phải bao gồm rất nhiều chi phí "không tên"", ông Triệu nói.
Cũng theo chia sẻ từ phía ông Triệu, cùng thời điểm này năm ngoái phía công ty đối tác bên phía Trung Quốc có thể yêu cầu cung cấp mỗi ngày khoảng 7 đến 8 xe, tương ứng 100 đến 150 tấn vải. Hiện tại, con số này đã giảm tới 1/6.
"Từ đầu vụ tới giờ, chúng tôi đã xuất khẩu được khoảng hơn 200 tấn, thời gian vừa qua, điều kiện thời tiết cũng hết sức khắc nghiệt. Đặc biệt, trận nắng kỷ lục cũng khiến vải bị cháy, có nốt chấm dẫn đến phía Trung Quốc không lấy. Nếu như cùng thời điểm năm ngoái chúng tôi đã phải xuất được tới trên 1200 tấn.
Đến giờ phút này là chưa có thương nhân Trung Quốc mua, chỉ có tự các đơn vị của Việt Nam tự mình liên lạc với nhau để gửi hàng sang và họ chuyển tiền về. Sắp tới, các thương nhân Trung Quốc sau khi hết thời gian cách ly có thể hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, nếu hoạt động thông quan không thay đổi thì điều này không thúc đẩy lượng hàng hóa xuất khẩu nhanh hơn được", ông Triệu cho hay.
Cùng hoàn cảnh trên, nhưng may mắn hơn, chị Hòa, một thương lái đang thuê điểm cân Mai Huy tại thôn Trại 3 (Quý Sơn, Lục Ngạn) cho biết, thời điểm hiện tại đã xuất được khoảng 40 xe tương ứng gần 600 tấn. Con số này giảm một nửa so với thời điểm năm ngoái khi xuất được 80 xe, tương ứng khoảng 1200 tấn.
"Năm ngoái, 5 đến 7 phút được một xe thông quan, nhưng năm nay gần 1 tiếng/xe nên nhiều khi xe lạnh chở vải lên cửa khẩu đợi 3 ngày mới sang được Trung Quốc. Bên cạnh đó, hiện tại, thương lái Trung Quốc không sang nên làm rất khó, giá cũng đã rẻ hơn. Khi làm việc không trực tiếp chỉ qua hình ảnh, có khi họ chê đắt, chê xấu. Một số thời điểm giá thị trường khoảng 25.000 đến 27.000 đồng/kg nhưng mình vẫn "bị ép" phải xuống tầm 20.000 đồng/kg.
Với việc thương nhân Trung Quốc hết cách ly, có thể tình trạng trên sẽ thay đổi. Nguyên nhân vì khi làm việc trực tiếp họ có thể thương lượng để quyết định ngay về giá", chị Hòa chia sẻ.
Cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó trước khi vào chính vụ
Đánh giá về tình trạng trên, ông Tăng Văn Huy, trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, quả vải năm nay không mất giá. Cụ thể, vải thiều chính vụ mua tại vườn từ 30.000 đến 35.000/kg, vải sớm từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với tình trạng điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Hiện tại, chưa có nhiều thương nhân sang để giao dịch nên lượng hàng xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Trong nước vẫn chủ yếu tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị như Big C, Vinmart,… ở các thành phố lớn.
Sản lượng vải năm ngoái của Lục Ngạn đạt 98.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt sản lượng vải chỉ ước đạt khoảng 85.000 đến 90.000 tấn", ông Huy cho hay.
Ngoài ra, theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các ngành chức năng cần xây dựng kịch bản cho tửng tình huống. Thậm chí tính tới cả việc, dịch bệnh ảnh hưởng phải đóng cửa hết các cửa khẩu. Theo đó, đối với mặt hàng nông sản, cần đẩy mạnh hoạt động sơ chế, bảo quản, sấy khô, ép nước,….
"Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản ứng phó, trong đó, có tình huống khi không cấm hết cửa khẩu biên giới, hàng hóa vẫn qua được nhưng chậm và chuyên gia, thương lái không qua được.
Với tình huống hiện tại, chính là kịch bản hoạt động sản xuất, tiêu thụ đạt khoảng 50% đến 70%, 80% công suất và thương lái có thể sang nhưng bị cách ly. Do đã có chuẩn bị phương án từ trước nên phía huyện Lục Ngạn đã đến tận nơi, đưa các thương nhân Trung Quốc cũng như chuyên gia Nhật Bản đến khu vực cách ly", ông Thành thông tin.
Được biết, theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, tính đến ngày 15/6/2020, trên địa bàn có 120 điểm thu mua cố định. Tổng số lượng tiêu thụ đạt 20.082 tấn với giá từ 11.000 đến 32.000 đồng/kg. Trong đó, các loại vải bao gồm vải sớm Thanh Hà, U Hồng, vải thiểu, vải xuất Nhật,…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã