Rổ thực phẩm của người Việt có gì?
Lý giải về lý do giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Dịch tả lợn châu Phi diễn ra từ tháng 8/2018 hết sức phức tạp, làm cho tổng đàn lợn ở nhiều nước giảm mạnh.
"Thực phẩm và giá lợn tăng cao, như ở Trung Quốc giá lên tới 130.000 đồng/kg. Với Việt Nam, dù cố gắng nhưng thiệt hại đàn lợn vẫn tới gần 6 triệu con, tương đương 20% tổng đàn và lượng thịt giảm 9,6%, gây nên biến động giá thịt lợn"- ông Cường cho biết thêm.
Theo ông Cường, từ tháng 3/2019, ngành đã có chủ trương phát triển các thực phẩm khác như thịt gà, trứng… nhưng vẫn không bù đắp được thiếu hụt thịt lợn. Phải tới quý IV năm nay, số đầu lợn mới bằng lại thời điểm trước khi có dịch nên hiện cung-cầu vẫn chưa gặp nhau.
Về giải pháp để đảm bảo cân đối cung-cầu, kiểm soát giá thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Mấu chốt là đẩy nhanh tái đàn gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, giống hiện nay rất đắt, nên cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến người dân đa dạng sản phẩm thay vì chỉ dùng thịt lợn, “không có lý gì tập trung ăn thịt lợn”; đồng thời tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, tăng giá, từ đó từng bước giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý.
Theo một thống kê của Bộ NNPTNT, hiện thịt lợn đang chiếm đến 70% cơ cấu dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt, tức 70% thực phẩm trên mâm cơm (trừ rau canh, cơm) trong bữa ăn của người Việt là thịt lợn. Cũng chính Bộ NNPTNT nhận định, đây là một cơ cấu quá lớn xuất phát từ nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, 30% còn lại dành cho các loại thực phẩm khác như gà, vịt, thịt trâu, thịt bò, cá, tôm...
Theo PGS.TS Phan Thanh Tâm - Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), từ xưa đến nay, theo thói quen của người Việt Nam thích ăn thịt lợn hơn, vì theo bà con thịt lợn sẵn và dễ chế biến, làm được nhiều món và giá cả cũng rẻ. Còn đối với thịt gà, bà con cứ nghĩ chỉ có dịp lễ, Tết, giỗ, chạp mới nên ăn thịt gà, do đó ngày thường mọi người ít ăn. Tuy nhiên, trên thực tế nếu người tiêu dùng tìm hiểu kỹ và thay đổi thói quen chuyển sang ăn thịt gà sẽ đảm bảo sức khỏe hơn là ăn thịt lợn.
Theo Bộ NNPTNT, tính đến tháng 5/2020 báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,9 triệu con, giảm 20% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018, tăng trưởng bình quân khoảng 5%/tháng. Dự báo đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho tiêu dùng.
Như vậy, có thể thấy, tại thời điểm này chúng ta khó có giải pháp gì hơn là phải chấp nhận chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm khác.
Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn mãi: Không phải không có lý
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên tại nước ta vào tháng 2/2019 tại Hưng Yên và Thái Bình, chỉ trong một thời gian ngắn dịch đã lây lan trên diện rộng ra cả 63 tỉnh, thành cả nước, theo giới chuyên môn đây là đại dịch lịch sử trên đàn lợn khiến chúng ta phải tiêu hủy ít nhất hơn 6 triệu con lợn. Khác với các loại dịch khác đã có vaccine phòng bệnh, DTLCP cho đến nay chưa có vaccine hữu hiệu để tiêm phòng, vì thế sau khi dịch xảy ra người dân không thể tái đàn được ngay, đây chính là nguyên nhân gây hụt nguồn cung về thịt lợn. Do đó, ngoài con số 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, số lợn không thể tái đàn còn cao hơn nhiều.
Theo Bộ NNPTNT, do thời điểm từ tháng 5 đến tháng 9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh DTLCP, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối Quý III, đầu Quý IV/2020 đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.
Ngay tại Trung Quốc, theo một số nguồn thống kê, nước này cũng bị thiệt hại tới 220 triệu con lợn, chiếm 53% tổng đàn và cho đến nay sau 3 năm, Trung Quốc vẫn đang ở trong tình trạng thiếu hụt thịt lợn trầm trọng.
Còn tại Việt Nam, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Mức tiêu thụ thịt trung bình mỗi người Việt tăng nhanh trong 19 năm qua, từ 8,15kg thịt lợn lên 32,77kg/năm, thịt bò từ 1,69kg lên 11,92kg. Nếu Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn 11g thịt, năm 2010 tăng đến 84g.
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), nước ta thường xuyên duy trì ổn định ở mức tới 500 triệu con gia cầm trong chuồng (chủ yếu là gà, vịt, ngan...), bởi thế phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về việc, không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn mãi không phải không có lý.
Theo PGS-TS. Phan Thanh Tâm, thịt gà cũng có thể chế biến được nhiều món như hấp, luộc, quay, rang, hầm..., Đây cũng đều là các món dễ chế biến và rất dễ ăn đối với người Việt Nam.
Cũng theo bà Tâm, so với giá thành hiện tại, giá thịt lợn đang cao hơn rất nhiều so với thịt gà. Đơn cử như một kg thịt heo giờ khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg nhưng với số tiền này bà con có thể mua được vài kg thịt gà, vịt... về chế biến ăn thoải mái.
"Với mức giá thịt lợn như hiện tại đối với người, gia đình có điều kiện có thể không đáng ngại nhưng đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, gia đình nông thôn thì lại quá sức. Bởi thế, khi cân đối chi tiêu bà con nên mua, ăn nhiều thịt gà vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt của gia đình", bà Tâm khuyến cáo.
Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, bà Tâm kiến nghị các phương tiện truyền thông, các trang điện tử của các bộ, ngành chuyên môn và các báo, đài tiếng nói, truyền hình cần tích cực đưa nhiều thông tin với mật độ dày, liên tục lâu dài về các vấn đề khuyến cáo dịch bệnh, chăn nuôi an toàn, nhất là thông tin về tiêu dùng, chế biến thịt gia cầm để bà con tiếp thu và dần thay đổi thói quen ăn uống.
Trao đổi với Dân Việt, một giám đốc chuyên sản xuất chăn nuôi gà cũng cho rằng, cái khó hiện nay của thịt gà là, người dân khi đi chợ thích nhìn thấy con gà còn sống rồi chọn và thịt tại chỗ, nên phải mua cả con với giá từ 150.000-200.000 đồng thì lại thành đắt, trong khi dù thịt lợn đắt, người dân cũng có thể mua vài ba lạng về rang, luộc lên ăn. Theo vị giám đốc này, để người dân chuyển sang thói quen ăn thịt gà nhiều hơn, phải thay đổi cách chế biến đóng gói sẵn thịt gà với các mức gói, trọng lượng vừa phải từ 30.000, 50.000 đồng đến các gói to hơn, khi đó người dân chỉ việc mua về và đem đun, nấu là ăn đủ 1 bữa.
Ở chiều ngược lại, người dân cũng nên thay đổi thói quen chuyển từ ăn gà tươi sống sang ăn thịt gà được chế biến sẵn, làm mát và bảo quản trong điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nơi đã tái bùng phát các ổ dịch nhỏ lẻ, vì thế việc đẩy mạnh tái đàn lợn trong thời điểm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Vì thế, việc dư luận liên tục đòi hỏi một mình ông Bộ trưởng Bộ NNPTNT phải có giải pháp cung cấp thịt lợn trong thời điểm này là điều cần phải cân nhắc, xem xét thấu đáo. Ở tầm xa hơn, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại thói quen tiêu dùng hàng ngày để đa dạng hóa rổ thực phẩm, đa dạng hóa bữa ăn của mỗi gia đình, vừa giảm áp lực về giá thịt lợn, nhưng vẫn đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng với mức chi tiêu hợp lý.
Còn việc đòi hỏi, có đủ và thừa mứa thịt lợn trong ngắn hạn như trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi với giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg hơi là điều không thể và chúng ta cần chấp nhận tiêu dùng ở mặt bằng giá mới nếu vẫn còn tiếp tục duy trì thói quen ăn thịt lợn hàng ngày.
"Nếu bà con đi chợ bên ngoài thì mọi người nên chú ý tìm mua sản phẩm tại các gian hàng có gà sống, khỏe mạnh. Đối với hàng thịt gà mổ sẵn thì người tiêu dùng nên quan sát tổng thể thấy thân gà chắc, nhỏ gọn, phần ức bé, các lớp da gà màu vàng óng tự nhiên nhưng không đều, phần cánh, ức và lưng thường đậm màu hơn thì sẽ đảm bảo chất lượng, sạch bệnh. Tránh mua các loại thịt gà có màu sắc bất thường thịt bị bầm huyết, có mùi hôi",
(PGS-TS. Phan Thanh Tâm)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã