Canh tác luân phiên một vụ lúa - một vụ tôm (lúa - tôm) là mô hình sản xuất độc đáo riêng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đây là mô hình sản xuất thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại lợi nhuận cao mà không phải ra sức phòng, chống mặn xâm nhập.
Các tháng mùa mưa, nguồn nước ngọt nhiều, canh tác vụ lúa vừa có nguồn thu, vừa cải tạo môi trường sau vụ nuôi tôm. Ngược lại, các tháng khô hạn, mặn xâm nhập bà con chuyển qua nuôi tôm nước lợ. Điều đặc biệt là vụ lúa 2020 - 2021 này thu hoạch ngay đầu năm mới, trước Tết Nguyên đán nên thường bán được giá cao, nông dân vừa có tiền đầu tư cho vụ tôm, lại có tiền chuẩn bị sắm tết cho gia đình.
Những ngày này, đi về các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang những cánh đồng lúa trên nền đất nuôi tôm đã vàng rực, nông dân đang tất bật thu hoạch. Do vuông nuôi tôm nên không thể thu hoạch bằng máy, song nông dân vẫn vui vẻ, phấn khởi gặt tay, bó và vận chuyển về bằng những chiếc xuồng tự chế bằng túi cao su. Sau đó tuốt bằng máy suốt truyền thống rồi bán lúa tươi hoặc phơi dự trữ.
Ông Trần Hải Bằng, ở xã Đông Hòa, huyện An Minh vừa thu hoạch xong 1 ha lúa - tôm cho biết: “Năm nay công cắt, bó là 500 ngàn đồng/công, chở gom về chỗ tuốt 100 - 150 ngàn/công nữa tùy gần, xa. Riêng tiền công máy tuốt hết 12-13 ngàn đồng/bao thóc. Nhìn chung cũng bình ổn như năm rồi”.
Nhìn chung, năm nay giá lúa tại ĐBSCL tốt, thương lái thu mua lúa tươi mới thu hoạch từ 6.300 - 6.500 đồng/kg đối với lúa thường. Còn các giống lúa thơm, đặc sản đều hơn 7.000 đồng/kg. Thường nông dân ở đây sản xuất lúa thơm, đặc sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nên không lo đầu ra và giá cả.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, U Minh Thượng là vùng sản xuất lúa - tôm chính của tỉnh. Năm nay, nông dân trong vùng xuống gieo cấy được gần 59.000ha, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Hiện bà con đã thu hoạch được gần 10.000ha, ước năng suất bình quân đạt khá tốt, gần 5,3 tấn/ha. Với năng suất này và giá tiêu thụ lúa đang ở mức cao, nông dẫn có lãi tốt vì lúa - tôm chi phí sản xuất thấp.
Tại tỉnh Bạc Liêu, những ngày qua, nông dân trong vùng chuyển đổi tôm - lúa đang bận rộn thu hoạch lúa. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lúa trúng mùa lại bán được giá cao, tôm càng xanh nuôi xen canh cũng đạt đầu con, lớn nhanh nên niềm vui của bà con được nhân lên.
Ông Trương Hồng Phát (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Năm nay, nhờ mưa nhiều nên nông dân có điều kiện rửa mặn tốt, từ đó lúa trúng mùa, có hộ đạt hơn 6 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, chúng tôi tiếp tục cải tạo đất để kịp thời thả giống vụ tôm theo đúng khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Với năng suất lúa từ 5,5 - 6 tấn/ha, giá lúa tươi được thương lái thu mua tại chỗ từ 5.500 - 5.800 đồng/kg (tùy loại lúa). Sau khi trừ chi phí, bà con lãi hơn 25 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: Những năm gần đây, nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, huyện đã khuyến cáo bà con thực hiện chuỗi liên kết làm tiền đề quan trọng để đổi mới phương thức sản xuất. Đồng thời, chủ động trong việc chọn những giống lúa, tôm thích ứng với điều kiện sống trong môi trường nước ngọt nên nông dân trong vùng chuyển đổi thả xen canh thêm tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ chân trắng… qua đó, giúp bà con tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Còn tại huyện Phước Long, nông dân cũng đang tập trung thu hoạch lúa mùa để chuẩn bị vụ tôm tiếp theo. Vụ lúa trên đất tôm năm nay, huyện Phước Long xuống giống hơn 13.600ha, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Long, Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long. Trước khi bước vào thu hoạch lúa, bà con đã tháo nước ra khỏi ruộng để thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, rất thuận tiện trong việc thu hoạch tôm nuôi trong ruộng lúa.
Theo anh Đặng Hoàng Giang (xã Phước Long, huyện Phước Long) cho hay, thu hoạch xong vụ tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa là gia đình anh đủ chi phí đầu tư cho 2ha lúa - tôm. Giờ đây, coi như anh đã lãi ròng vụ lúa, không phải lo lắng nữa. Mấy hôm nay, nhiều thương lái đến hỏi mua lúa nhưng anh chưa bán vì nhận thấy giá lúa đang còn tăng.
Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long chia sẻ: Từ khi chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm - lúa, đây là năm lúa cho năng suất cao nhất. Bên cạnh yếu tố thời tiết thuận lợi, việc đầu tư hệ thống thủy lợi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ý thức tuân thủ lịch thời vụ của người dân cũng là những yếu tố chính giúp vụ lúa năm nay đạt năng suất cao.
Theo Chi cục Trồng Trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa mùa này toàn tỉnh xuống giống hơn 39.400ha, đến nay đã thu hoạch khoảng 9.000ha, năng suất từ 5,8 - 6,5 tấn/ha. Hiện giá lúa ổn định, trong đó lúa ST 24, ST 25 giao động từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, lúa lai khoảng 6.800 - 6.900 đồng/kg, một bụi đỏ từ 7.200 - 7.400 đồng/kg...
Không chỉ lúa - tôm, mà lúa đông xuân 2020 - 2021 ở một số tỉnh ĐBSCL cũng đã bắt đầu cho thu hoạch do lịch gieo sạ đẩy lên sớm từ tháng 10 để né hạn mặn cuối vụ. Đến nay, nông dân Kiên Giang đã xuống giống được 284/286 ngàn ha theo kế hoạch. Nhìn chung, thời tiết thuận lợi, ít dịch hại, lúa đang phát triển tốt. Một số nơi xuống giống sớm đã bắt đầu cho thu hoạch và dự kiến sẽ thu hoạch rộ vào khoảng rằm tháng Giêng.
Theo ông Lê Hữu Toàn, hiện nông dân trong tỉnh mới thu hoạch được gần 3.000ha lúa đông xuân, chủ yếu tập trung ở huyện Giang Thành và U Minh Thượng. Ở Giang Thành, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Giá lúa những tháng qua luôn ổn định ở mức cao, nông dân rất phấn khởi vì lợi nhuận từ trồng lúa đang rất tốt.
Với lịch gieo sạ sớm, từ nay đến tết nguyên đán nông dân tại nhiều vùng ĐBSCL sẽ có lúa thu hạch sớm và ra Giêng sẽ là thời điểm nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông xuân 2020 - 2021.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), việc vây dựng khung thời vụ và khuyến cáo xuống giống lúa đông xuân sớm từ tháng 10 sẽ tận dụng tốt nguồn nước ngọt cho sản xuất lúa và không bị hạn, mặn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển.
Hơn nữa, lúa thu hoạch vào tháng 1 và 2 là thời điểm trời nắng nhiều nên giúp lúa thương phẩm có chất lượng tốt, đồng thời việc tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân cũng thuận lợi hơn.
Theo Đ.T.CHÁNH – TRỌNG LINH/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã