Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm bún ở làng nghề bún truyền thống xã Triệu Sơn, anh Phụng thấu hiểu được "cảnh thức khuya, dậy sớm" và phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả mới ra sản phẩm.
Thời điểm đó nghề làm bún chủ yếu làm bằng thủ công, quá trình sản xuất trải qua công đoạn ngâm ủ gạo phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Từ đó, anh nung nấu ý định chế tạo ra máy làm bún nhằm rút ngắn một vài công đoạn để các hộ sản xuất đỡ vất vả.
Năm 1994 anh bắt đầu với ý tưởng tạo ra máy xay gạo thay cho công đoạn giã gạo thành bột bằng cối đá. Học xong lớp 12, không học qua cơ khí cũng như kỹ thuật điện, anh tự tìm hiểu qua tivi, báo, đài, sản phẩm đầu tay là máy xay gạo chạy bằng máy nổ. Vừa tự áp dụng vừa rút kinh nghiệm, rồi vào TP.Hồ Chí Minh tìm thợ cơ khí học kỹ thuật chế tạo vận hành máy.
Với số vốn vay mượn 45 triệu đồng, năm 2007 bắt đầu mở xưởng cơ khí nhỏ tự tạo ra các loại máy tách lúa tạp chất từ gạo… đến nay anh đã tự tạo ra được chuỗi máy làm bún, phở, bánh ướt liên hoàn bằng hệ thống điện tự động hóa 3 pha. Từ gạo sau khi được xay thành bột bỏ vào máy liên hoàn thành sản phẩm bún, phở, bánh ướt đạt chất lượng. Hệ thống máy liên hoàn gồm máy đánh bột, ép thành sợi (phở, bún) rồi cuối là nồi luộc sợi chín...
"Tôi làm thợ sản xuất ra máy nhưng chính những người dân vận hành máy góp ý những hạn chế, trong số đó có người chia sẻ kinh nghiệm về máy để tôi dần khắc phục và hoàn thiện máy…" - anh Phụng nói.
Máy làm bún, phở tự động liên hoàn của anh Phụng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp bằng sáng chế, sáng kiến.
Hiện tại, anh Phụng vẫn đang ấp ủ chế tạo được dàn máy liên hoàn đối với làm bột bánh canh, thay vì từng công đoạn riêng lẽ của từng loại máy độc lập. Với giá 70 - 80 triệu đồng/dàn máy liên hoàn tùy công suất máy, người làm nghề đầu tư một lần là sản xuất được cả đời, ngoài ra còn tùy nhu cầu của hộ sản xuất cần từng loại máy độc lập với những mức giá khác nhau…
Theo lời anh Phụng, từ năm 2007 đến nay cơ sở của anh đã sản xuất hơn 500 máy các loại: Máy tách tạp chất, máy vo gạo, máy xay gạo, bột, máy ép, dàn máy liên hoàn… ngoài phục vụ các hộ làm nghề trong tỉnh và Quảng Bình, Huế, con em trong xã qua Lào lập nghiệp cũng đã tìm đến cơ sở đặt mua máy. Từ một người nông dân làm bún anh Bùi Văn Phụng đã trở thành một người thợ cơ khí được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận về những sáng chế, sáng kiến.
Theo Trần Thúy/danviet.vn
https://danviet.vn/quang-tri-ong-nong-dan-nay-lam-ra-may-tu-dong-lien-hoan-gi-de-duoc-cuc-so-huu-tri-tue-cap-bang-sang-che-20210114170034172.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã