Đại dịch ập đến quốc gia 1,3 tỷ dân ở Nam Á buộc chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc suốt từ cuối tháng Ba đến nay để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Và điều thật trớ trêu là vụ lúa mì năm nay ở Ấn Độ lại bội thu, trong bối cảnh thiếu nhân công thu hoạch, vận chuyển, đóng gói nghiêm trọng và nguy hiểm hơn là không có thị trường tiêu thụ.
Theo các thương nhân trong nước, thời điểm này là chính vụ thu hoạch lúa mì trên thế giới, với tổng trị giá hơn 26 tỷ USD đang đối diện những thách thức và nguy cơ chưa có tiền lệ. Nếu không có giải pháp tức thời thì rất có thể vấn đề lúa mì hiện nay sẽ là môột “bài test” cho các vụ mùa khác trên khắp thế giới sắp tới, bao gồm mía ở Brazil và cà phê ở khu vực Đông Nam Á.
Ông nông dân 50 tuổi Sukrampal ở bang Haryana than vãn, vấn đề hiện nay rất cấp bách do lúa mì thu hoạch về không giải phóng được trước mùa mưa sẽ khiến những người nông dân như ông không tài nào giữ nổi độ ẩm của sản phẩm ở mức an toàn dưới 13% đến 14%. Còn không ngũ cốc sẽ mất giá mạnh, thậm chí phải đổ bỏ.
Lệnh phong tỏa trong nước cũng khiến hơn 7.000 vựa thu mua lúa mì tại Ấn Độ không thể hoạt động, trong khi đây vẫn là kênh duy nhất để đưa hàng hóa nông sản đi khắp đất nước 1,3 tỷ dân.
“Hiện tôi có gần 90% nhân công vẫn đang bị khóa chân, không thể đi lại. Mùa trước, tôi có khoảng 5.000 lao động nhưng hiện chỉ có 500 người”, ông Radhe Shyam, chủ một vựa thu mua lương thực tại chợ Gharaunda cho biết.
Mô hình thu mua lúa mì kiểu đại lý ủy thác như của ông Radhe rất phổ biến ở Ấn Độ và thường sử dụng một lực lượng lớn người lao động tham gia vào dây chuyền bốc dỡ, làm sạch, cân đo, đóng gói và vận chuyển lại hàng triệu bao tải lúa mì đưa đến hệ thống kho bãi của chính phủ và tư nhân để chế biến kinh doanh.
Tuy nhiên năm nay hình thức giao dịch này đã biến mất vì dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới và mất thu nhập cho hàng triệu lao động thời vụ địa phương. Dự báo, nhiều khả năng vụ thu hoach năm nay sẽ bị kéo lùi lại từ một đến hai tháng rưỡi nữa và làm tăng nguy cơ thất thoát sau thu hoạch và giảm phẩm cấp nông sản.
Thống kê có tới gần 85% nông dân Ấn Độ sở hữu trên dưới 5 mẫu đất sản xuất nên dù thiệt hại mùa màng tương đối nhỏ, hoặc bất kỳ sự chậm trễ nào trong thanh toán cũng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Ngoài ra, nông dân cho biết năm nay việc bán sản phẩm cho các đại lý sẽ gặp khó khăn nên việc trả nợ ngân hàng là không thể thực hiện đúng hạn.
Điều đó cũng có nghĩa sẽ kéo theo các khoản thanh toán cũng bị trì hoãn đối với người nông dân và không thể có tiền đầu tư mua hạt giống, phân bón cho vụ sản xuất tiếp theo bắt đầu vào tháng Sáu.
Vụ thu hoạch này ước tính Ấn Độ sẽ đạt sản lượng 106,21 triệu tấn lúa mì, chỉ xếp sau Trung Quốc, dự kiến đạt 133,5 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020. Tuy nhiên, cái khó của nông dân Ấn Độ là thiếu kho bãi và công nghệ để lưu giữ sản phẩm trong thời gian dài như nông dân phương Tây.
Theo số liệu của chính phủ, dự trữ lúa mì tại các kho ở Ấn Độ tính đến ngày 1/4/2020 đạt tổng cộng 24,7 triệu tấn, gấp ba lần mục tiêu của chính phủ và chiếm khoảng một phần tư nhu cầu hàng năm của cả nước.
Theo tập đoàn lương thực quốc gia FCI, nếu vụ này đơn vị chốt thu mua từ 37 đến 40 triệu tấn nữa thì sẽ gây áp lực cho hệ thống kho chứa.
Trong khi đó, chính phủ nước này cho biết sẽ tìm mọi cách để xuất khẩu mặt hàng này để giải phóng đầu ra, trong khi chi phí sản xuất trong nước đã đẩy giá thành lúa mì của Ấn Độ tăng thêm khoảng 35 USD/tấn so với các đối thủ.
Theo Kim Long/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã