Chưa khai thác hết tiềm năng
Hệ thống đường thủy nội địa của Tây Ninh gắn liền 2 con sông chính là Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông chạy theo hướng Bắc-Nam. Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sông hiện còn ít so với vận tải chung toàn ngành. Các bến phà vận tải hành khách ngang sông cũng chưa được chú trọng đầu tư hạ tầng.
Anh Nguyễn Công Duyên là chủ ghe hàng thường xuyên vận chuyển vật tư nông nghiệp từ miền Tây ngược lên Tây Ninh. Anh Duyên kể, các tỉnh ĐBSCL có hệ thống đường thủy phát triển. Các bến thủy nội địa được đầu tư rất bài bản từ hệ thống bốc dỡ hàng hóa đến dịch vụ hậu cầu, trạm cung cấp nhiên liệu...
Bến thủy nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông thường có quy mô nhỏ. Do lượng hàng hóa vận chuyển trên sông không nhiều nên các bến thủy nội địa ở Tây Ninh chưa được chú trọng đầu tư; chủ các bến thủy cũng không có nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Ngoài 3 bến cảng chính phục vụ vận tải hàng hóa đường thủy là cảng Thanh Phước, cảng Fico và cảng Bến Kéo, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 123 bến thủy nội địa. Thời gian qua, tình trạng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông cũng gây cản trở lưu thông. Sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn Tây Ninh hoạt động vận tải chưa được khai thác nhiều.
Đại diện Cảng Bến Kéo ở thị xã Hòa Thành cho biết, cảng được thiết kế phục vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa đường thủy với công suất 200.000 tấn/năm; có thể thể tiếp nhận tàu có tải trọng 1.500-2.000 tấn.
Việc đầu tư cho các cảng thủy có kho bãi, hệ thống xếp dỡ, cân hàng, dịch vụ hậu cần... vẫn còn nhiều tiềm năng. Khi hạ tầng giao thông thủy nội địa phát triển, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đường thủy để vận chuyển hàng hoá với nhiều ưu điểm, trong đó có chi phí vận chuyển thấp. Đồng thời, giảm tải áp lực cho hạ tầng giao thông đường bộ.
Do vậy, Sở GTVT Tây Ninh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các bến thủy nội địa. Đi kèm với đó là các giải pháp thúc đẩy việc phát triển hạ tầng để phát huy hết tiềm năng phát triển giao thông đường thủy của tỉnh.
Bổ sung quy hoạch
Tỉnh Tây Ninh nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM, là cầu nối gần nhất giữa TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng đến Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Vì vậy, Tây Ninh có tiềm năng và lợi thế rất lớn để quy hoạch và đầu tư một vùng đầu mối giao thông, giao nhận vận tải đa phương thức, trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu và các luồng hàng quá cảnh từ Campuchia, Thái Lan, Lào...
Ngày 8/5 vừa qua, cầu sắt Bình Lợi cũ (TP.HCM) chính thức được tháo dỡ để xây mới. Sở GTVT TP.HCM cho biết, cầu mới sẽ có tĩnh không thông thuyền 7m, đảm bảo cho tàu thuyền chở hàng trên 5.000 tấn lưu thông từ các tỉnh miền Đông về TP.HCM, mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế cả vùng phía Đông Nam thành phố.
Theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến 2030, vận tải đường thủy nội địa kết nối Tây Ninh với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tuyến đường thủy Sài Gòn - Bến Kéo (trên sông Vàm Cỏ Đông) dài gần 143km, đạt tiêu chuẩn cấp III.
Do tuyến này có lộ trình dài, chi phí vận tải cao, nên chưa thu hút được nhiều hàng hóa lưu thông. Riêng sông Sài Gòn chưa có quy hoạch tuyến luồng đến tỉnh Tây Ninh. Hiện chỉ có tuyến đường thủy nội địa Sài Gòn - Bến Súc, dài 90km, đạt tiêu chuẩn cấp II.
Trước đây, do tĩnh không của cầu đường sắt Bình Lợi cũ (trên tuyến sông Sài Gòn) chỉ cao 1,5m nên việc đi lại trên tuyến này rất khó khăn. Các hãng tàu biển muốn ra vào một số cảng ở Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước đều không thể. Trong khi, đây là trung tâm của các cảng ICD trên cạn, có dịch vụ logictics phát triển mạnh.
Khảo sát thực tế, khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn tại huyện Trảng Bàng, nơi tiếp giáp 3 địa phương (TP.HCM, Tây Ninh và Bình Dương) có vị trí rất thuận lợi. Đây là điều kiện tốt để phát triển đường thủy nội địa từ Tây Ninh đi đến các cảng trên địa bàn TP.HCM, cũng như góp phần phát triển giao thông đường thuỷ nội địa ở tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, để khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, tỉnh đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận quy hoạch kéo dài tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc. Và đề nghị bổ sung cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa khu vực huyện Trảng Bàng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã