Nhưng với cách nuôi truyền thống, cộng với việc quản lý nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh còn yếu, vùng nuôi cá bống bớp đang đứng trước cách cửa xuất khẩu với những thách thức rất lớn.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, từ cuối tháng 3/2020, đơn vị đã có văn bản gửi các đơn vị của Bộ NN-PTNT, tìm sự trợ giúp tháo gỡ khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Theo Sở NN-PTNT Nam Định, mỗi năm, địa phương này cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn cá bống bớp. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo đó, sản xuất thủy sản của Nam Định luôn tăng trưởng bình quân 8 – 9,5%/năm. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 32,4% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực của Nam Định phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Điển hình là cá bống bớp, tép sấy khô hay thủy sản khai thác như cá thu, cá đao, mực… Hiện nay, những mặt hàng này đều chưa có tên trong danh mục sản phẩm và doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo bà Nga, trên thực tế, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 cũng như việc chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi đã và đang tác động không nhỏ tới sản xuất, đánh bắt thủy hải sản của địa phương. Nhiều sản phẩm gần như đóng băng, không thể xuất khẩu dù theo đường tiểu ngạch suốt nhiều tháng qua.
Tỉnh đề nghị các đơn vị của Bộ NN- PTNT, báo cáo để xem xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đưa các sản phẩm thủy sản của địa phương này vào danh mục xuất khẩu chính ngạch.
Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cử cán bộ phối hợp với địa phương hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi đáp ứng các điều kiện xuất khẩu. Trong đó, tập trung xây dựng mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là quản lý chất lượng sản phẩm, kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm.
Mới đây, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản phản hồi những đề nghị của tỉnh Nam Định. Cục này cho biết, để các mặt hàng thủy sản nói chung, cần tuân thủ 3 yêu cầu chính.
Đó là, sản phẩm phải được sản xuất tại cơ sở sơ chế, chế biến nằm trong danh sách xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Bao gói, ghi nhãn phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cũng phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
Cũng theo Cục này, Bộ NN- PTNT vẫn đang tiến hành rà soát, tổng hợp và đề xuất danh mục sản phẩm cũng như các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch quá các cặp cửa khẩu biên giới Việt Trung.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản của Nam Định cần phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Về việc cấp mã số vùng nuôi, Cục này cho biết, theo Luật Thủy sản, Chi cục thủy sản địa phương hoàn toàn có quyền làm việc này. Thời gian tới, Cục đề nghị ngành NN-PTNT Nam Định cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định xuất khẩu để người dân, doanh nghiệp liên quan nắm rõ.
Vùng nuôi trồng cá bống bớp của Nam Định tập trung tại một số xã và thị trấn Rạng Đông của huyện Nghĩa Hưng.
Mặc dù, đây là vùng nguyên liệu được xác định sản xuất sản phẩm đi chính ngạch, tuy nhiên diện tích nuôi trồng ngày một giảm. Năm 2017, diện tích nuôi cá bống bớp của Nghĩa Hưng đạt khoảng 400ha. Nhưng chỉ sau 2 năm, diện tích này giảm xuống còn 200ha trong năm 2019 và có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2020. Vì sao như vậy?
Anh Nguyễn Văn Rậu, khu 2, thị trấn Rạng Đông cho biết, gia đình bắt đầu nuôi cá bống bớp từ năm 2012. Những năm đầu, do nuôi trồng thuận lợi, đầu ra ổn định, gia đình kiếm tiền tỷ từ nghề này. Nhà cao cửa rộng, con cái được học hành tử tế cũng nhờ con cá bống bớp.
Tuy nhiên, từ năm 2018 tới nay, anh Rậu đã “đoạn tuyệt” với loài cá tiền tỷ này. Theo anh Rậu, nguyên nhân chính, không phải là giá cả hay thị trường, vấn đề nan giải nhất là dịch bệnh.
“Có đợt tôi thả 1 vạn giống, chỉ nuôi được 2 tháng thì bỗng dưng cá chết hàng loạt, nổi trắng ao. Thậm chí, có lứa, cá giống thả xuống chết trắng sau một đêm. Sau tìm hiểu ra, nguồn nước ô nhiễm, cá bị bệnh mà chết. Do không khắc phục được, càng nuôi càng lỗ nên gia đình quyết định không nuôi nữa”, anh Rậu chia sẻ.
Anh Rậu kể, có đợt thua lỗ nhiều, gia đình suýt phải treo biển bán nhà để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Không may mắn như vậy, trong vài năm qua, nhiều chủ nuôi tại thị trấn Rạng Đông đã phải bán tài sản, phiêu bạt khắp nơi để làm ăn. Nói như cách những người dân ở đây vẫn nói thì “Cá bớp đớp nhà”.
Để hiểu rõ hơn những góc khuất của vùng nuôi, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Minh – người đầu tiên nhân giống thành công loài bống bớp của huyện Nghĩa Hưng.
Ông Minh cho biết, bản thân có kinh nghiệm trong nghề làm giống và nuôi trồng thủy sản từ những năm 1995 khi công tác tại Nha Trang (Khánh Hòa). Từ năm 2004, ông về quê và bắt đầu mày mò cách sinh sản nhân tạo loài cá bống bớp. Mất đúng 3 năm, từ những con cá bống bớp bố, mẹ ngoài tự nhiên, ông Minh đã cho sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt.
Từ năm 2010, ông Minh bắt đầu mở rộng diện tích sản xuất cá bớp giống, hiện đạt trên 3ha. Là người cung ứng giống, ông Minh nắm tường tận, bắt mạch chính xác “sức khỏe” hiện trạng vùng nuôi cá của địa phương.
Với diện tích và kinh nghiệm dày dặn, mỗi năm cơ sở của ông Minh có thể sản xuất tới 10 triệu con giống. Nhưng nay theo tính toán, gia đình ông chỉ sản xuất cầm chừng với sản lượng 1 triệu con giống/năm.
Theo ông Minh, toàn bộ con giống của gia đình, trước này chỉ cung ứng vừa vặn cho nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng. Nay sản lượng con giống sụt giảm 90%, đó là minh chứng rõ nét nhất khẳng định diện tích và sức nuôi thâm hụt nghiêm trọng.
Ông Minh lý giải, sau một thời gian phát triển nóng, thành công, trái ngọt đủ cả nhưng đắng cay cũng lắm. Dù nuôi trồng nhiều năm, người dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống với vô vàn bất cập.
Về đầu vào, cá bống bớp vẫn được cho ăn bằng thức ăn tươi là những loại cá nghiền. Trong khi, hệ thống ao nuôi không được cải tạo, không có hệ thống lấy nước tuần hoàn. Ao nuôi của các hộ gần như sử dụng nước đầu vào, ra chung nhau. Nên khi ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh, cả vùng nuôi chịu chung số phận.
Ngay tại nhà mình, ông Minh cho lắp đặt hệ thống máy móc xét nghiệm nhanh mẫu bệnh phẩm thủy sản. Ông khẳng định, môi trường ô nhiễm đang là thứ khiến vùng nuôi cá bống bớp của địa phương “chết mòn”.
“Ban đầu là ký sinh trùng gây hại, sau đó vi khuẩn xâm nhập, khiến cá bị nấm hoặc các bệnh đường ruột mà chết. Tôi thường xuyên giúp người dân xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, biết thì biết nhưng không thể giải quyết được. Có đợt, tôi lên tận Hà Nội tìm mua thuốc đặc trị giúp người dân, về chỉ chữa được một thời gian, cá lại chết hàng loạt. Chung quy vẫn là từ môi trường nuôi…”, ông Minh chia sẻ.
Về nguyên nhân sâu xa, ông Minh cho rằng, vẫn là bài toán quy hoạch. Với diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, cả vùng nuôi chưa có một quy hoạch đàng hoàng mà mạnh ai nấy nuôi. Nhà nào may mắn thì trúng quả, nhà nào dính bệnh dịch thì thua lỗ, thậm chí bán nhà trả nợ.
Bàn về câu chuyện xuất khẩu, ông Minh chia sẻ, với cách thức nuôi trồng hiện nay, vấn đề này còn khá xa vời. Mấu chốt nhất vẫn là người nuôi, vùng nuôi phải được quy hoạch lại theo hướng đồng bộ kết cấu. Hệ thống ao nuôi, lấy nước vào, thải nước ra phải riêng biệt. Ngay cả nguồn thức ăn cho cá cũng phải dần thay đổi sang công nghiệp.
Đồng thời, làm sao kiểm soát được việc người nuôi sử dụng các loại thuốc trị bệnh tràn lan như hiện nay. Khi đó, mới có thể tính tới chuyện xuất khẩu chính ngạch sang một thị trường không còn dễ dãi như Trung Quốc.
Theo KẾ TOẠI - MINH PHÚC/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã