Trở lại căn nhà trên đỉnh ngọn đồi của gia đình anh Phạm Văn Tiệp tại xã Đan Phượng lần thứ 2, phóng viên Báo Dân Việt cũng vui lây bởi sự thành công của gia chủ khi chuyển đổi trồng từ cà phê qua cây na Thái.
Anh tiệp là thanh niên tiên tiến, luôn học hỏi, đổi mới và đi trước khi làm kinh tế. Trước đây, 8X này đã trải qua rất nhiều nghề từ chăn nuôi, trồng trọt đến buôn bán. Thế nhưng, qua tìm hiểu anh đã liên tục thay đổi cây trồng, vật nuôi trong vườn để phát triển kinh tế.
"Sau khi học xong cấp 3, tôi cùng các bạn tiếp tục ôn thi để thi đại học. Năm 2008, tôi thi Đại học Chính Trị nhưng không đậu, bố mẹ khuyên nên tiếp tục thi để kiếm nghề cho đỡ khổ. Thế nhưng với nguyện vọng của mình tôi đã ở nhà và làm nông cùng gia đình..."
Một thời gian sau thì anh Tiệp lập gia đình rồi lao vào đủ nghề để làm kinh tế, quản lý 5ha vườn của gia đình. Từ nuôi lươn, bò, rồi đến lợn rừng và cả dê, gà thả vườn anh đều đã làm qua.
Thế nhưng, những loại này chỉ được một thời gian, thấy lãi nhiều người dân sẽ lao vào làm theo. Vì vậy, anh Tiệp nghĩ, muốn làm giàu thì phải luôn tìm tòi và "đi trước" người khác...
Với khu vườn rộng 5ha của gia đình, anh Tiệp cùng vợ không có thời gian, công lao động để làm. Hơn nữa, vườn của anh lại có địa thế lòng chảo nên rất nóng, nền đất có nhiều đá to, việc canh tác cà phê không lại hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu trên mạng, youtube cũng như sách báo, thấy cây na Thái có hiệu quả kinh tế cao nên anh đã lặn lội xuống các tỉnh miền Tây để tìm kiếm giống.
Cầm những quả na to tròn chuẩn bị thu hoạch, anh Tiệp trầm giọng: "Lần đó, do chưa có kinh nghiệm, cứ mua được giống là mừng. Thế nhưng, ở miền Tây có nơi bị ngập mặn, người bán giống tưới nước lợ, nên khi đưa về Lâm Đồng tưới nước ngọt nên cây na chết dần...".
Dù lần đầu trồng na Thái thất bại nhưng anh Tiệp lại tìm hiểu và xuống lại miền Tây tìm giống phù hợp, chất lượng. Đến nay, 300 cây na Thái đầu tiên của anh trồng đã cho thu hoạch. Theo đánh giá ban đầu của anh Tiệp cây na Thái này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao...
Chị Nguyễn Thị Hải (29 tuổi, vợ anh Tiệp) ngay đó tiếp lời: "Trước đó, cả hai vợ chồng đã nhiều lần thay đổi nên chồng tính toán thế nào thì tôi cũng theo để cùng nhau làm ăn. Rất may, khi đưa cây na Thái giống chất lượng về trồng thì chúng phát triển tốt. Đặc biệt, cây na Thái này tốn rất ít công chăm sóc, vì thế vợ chồng tôi có nhiều thời gian để chăm sóc con cái cũng như làm cà phê".
Anh Tiệp cũng cho biết không hề phải tưới nước cho cây. Đến khoảng tháng 2 hàng năm, khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc cây na bắt đầu ra hoa. Sau đó 3 tháng chăm sóc, người trồng sẽ có thu hoạch.
Trong vườn của 8X hiện không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân chuồng và phân bón lá cho cây. Tất cả những quả na nhỏ không đạt yêu cầu sẽ được vặt bỏ.
Trên cây chỉ nuôi từ 30 - 40 quả để quả na phát triển tốt. Những quả na Thái chỉ lớn bằng ngón chân cái là sẽ được anh Tiệp bọc bằng bao tự hủy, giúp sâu bệnh không xâm nhập, tránh các loại côn trùng.
Hiện nay, tùy vào nhu cầu đặt hàng của khách mà anh Tiệp sẽ cắt quả và bán với giá khác nhau. Với những đơn hàng đưa vào các siêu thị, yêu cầu khắt khe về size, mẫu mã thì anh Tiệp bán với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/ký (quả từ 400 - 700 gam). Đối với hàng bán chợ và cho người dân (300 gam) sẽ được bán với giá 50.000 - 55.000 đồng/ký.
Trong năm 2020, với 300 cây na Thái đang cho thu hoạch chính, anh Tiệp đã bán được cho siêu thị hơn 600kg, bán ra chợ khoảng 1.500kg. Hiện trên những cây na Thái trong vườn của anh Tiệp vẫn còn khoảng 2 tấn quả và đang tiếp tục ra hoa, trái nhỏ.
Trước đó, năm 2019, anh Tiệp đã xuống giống thêm khoảng 2ha na Thái. Theo anh Tiệp, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, nếu muốn phát triển thì phải nghiên cứu kỹ, chuyên sâu vì không phải vùng đất, khí hậu nào cây na cũng cho trái và năng xuất cao.
Theo Văn Long/danviet.vn
https://danviet.vn/lam-dong-trong-giong-na-gi-ma-ban-70-ngan-ky-thuong-lai-cu-giuc-con-khong-hai-nua-di-2020082211280763.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã