Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, gia cố lồng bè
Nghe tin bão số 12 có khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa, ngư dân Nguyễn Văn Năm, thuyền trưởng tàu KH 92297 TS ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) đã lập tức cho tàu đưa 13 lao động vào cảng Hòn Rớ để tránh trú.
Ngư dân Năm cho biết: Để tránh việc va đập với các tàu khác khi bão vào, tôi đã bố trí 2 bên mạng tàu các lốp xe, đồng thời thả neo giằng cố định. Hiện chúng tôi đã tìm được vị trí neo đậu an toàn và tất cả thuyền viên rời tàu trước 18 giờ ngày 9/11 theo quy định.
Còn ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ cho biết, từ sáng 9/11, đơn vị đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để hướng dẫn tàu thuyền vào khu vực cảng neo đậu an toàn.
“Hiện có hơn 700 tàu thuyền đang neo đậu tại cảng tránh bão số 12, ngoài phối hợp cơ quan chức năng kêu gọi, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền, chúng tôi còn liên tục phát các thông báo về cơn bão để các tàu thuyền nắm bắt và chủ động phòng tránh”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 2.378 bè/91.708 lồng với khoảng 13.600 lao động. Trong đó, tại huyện Vạn Ninh là “thủ phủ” lồng bè với hơn 39.000 lồng và có khoảng 2.600 lao động.
Ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết, từ sáng ngày 9/11, lực lượng biên phòng cùng các lực lượng địa phương đã ra bè tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân gia cố, di dời lồng bè đến nơi tránh trú an toàn; đồng thời thông báo người dân phải vào bờ trước 18 giờ ngày 9/11. Nếu ai không vào chúng tôi sẽ cưỡng chế.
Tương tự, tỉnh Phú Yên cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương, hướng dẫn các tàu thuyền vào bờ hoặc vào khu tránh trú vào an toàn; đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn.
Tại vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) hiện có khoảng 1.800 bè/60.000 lồng, với khoảng 4.000 lao động. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch TX Sông Cầu cho biết, tính đến 17 giờ chiều 9/11, toàn bộ gần 1.000 tàu cá đã được địa phương di dời đến nơi tránh trú an toàn; còn đối với 4.000 lao động trên lồng bè cơ bản cũng đã được đưa vào bờ.
Chủ động di dời dân các vùng nguy cơ sạt lở
Trước dự báo có mưa lớn kéo dài do bão số 12 gây ra, các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân và nhà nước; thời gian hoàn thành trước 18 giờ ngày 9/11.
Theo BCH PCTT-TKCN Khánh Hòa, toàn tỉnh có 174 vị trí có nguy cơ sạt lở với khoảng 23.350 người dân. Tỉnh đã cảnh báo người dân sẵn sàng sơ tán khi có mưa, lũ lớn. Ngoài ra, 110 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm sẽ được các địa phương chủ động bố trí lực lượng chốt chặn.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, đối với vị trí có nguy cơ sạt lở, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời dân để đảm bảo an toàn, trước mắt đưa người già và trẻ em đến nơi toàn tại các nhà văn, hóa trụ sở thôn.
Ghi nhận của chúng tôi tại xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng (TP Nha Trang)- nơi từng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng vào năm 2018.
Ông Huỳnh Tấn Thiện, hộ dân sinh sống ở xóm Núi cho biết, người dân trong xóm đã nghe chính quyền địa phương thông báo để chủ động di dời. “Mùa mưa bão đến bà con nơi đây ai cũng sợ sạt lở. Riêng gia đình tôi chậm nhất sáng mai sẽ di dời đến nhà bà con để tránh trú, chứ nhất quyết không ở lại nơi nguy hiểm”, ông Thiện chia sẻ.
Còn ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch TX Sông Cầu, cho biết, địa phương cũng đã lên phương án di dời dân ở các vùng trũng, triều cường và sạt lở đến nơi an toàn các tại các khu văn hóa, trụ sở xã phường, trường học kiên cố.
Theo phương án, toàn TX có khoảng 4.000 người cần di dời, chậm nhất hoàn thành trước 18 giờ chiều nay 9/11. Tuy nhiên, hiện chưa xuất hiện mưa gió nên các lực lượng ở địa phương đã chủ động đưa các người già, trẻ em đến nơi an toàn trước.
Theo Kim Sơ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã