Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T
Hội nghị diễn ra tại Sa Pa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, sau khi thử nghiệm nuôi loại cá nước lạnh gồm cá hồi, cá tầm thành công, năm 2006-2007 những loại cá này bắt đầu được nuôi với quy mô, sản lượng ban đầu chỉ 100 tấn.
Đến nay, 15 năm sau, sản lượng cá nước lạnh toàn quốc đã đạt trên 3.700 tấn, tăng trưởng bình quân 68,75%/năm. Cá nước lạnh khẳng định được chỗ đứng ở thị trường nội địa. Hiện có 25 tỉnh phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, tập trung ở phía Bắc và Tây Nguyên.
Đặc biệt, năm 2020, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến của cả nước ước đạt 3.000 kg. Trong nước sản xuất được khoảng 4 triệu con giống, đáp ứng 80% nhu cầu con giống của các cơ sở nuôi cá nước lạnh.
Về sản xuất thức ăn cho cá, thị trường trong nước cung ứng được khoảng 90% thức ăn cho cá tầm và 50% thức ăn cho cá hồi, với giá bán thấp hơn 20% so với giá thức ăn nhập khẩu.
Cá nước lạnh trong nước cung cấp cho nhiều thị trường các tỉnh thành là cá tươi sống, cá cấp đông chưa qua chế biến...
Dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá nước lạnh trong nước và thế giới tiếp tục tăng cao. Hiện thị trường nội địa, cung mới đáp ứng được 50% nhu cầu.
Đây là cơ hội lớn nhưng không ít thách thức đặt ra cho nghề cá nước lạnh của nước ta khi đòi hỏi khai thác tối đa lợi thế nguồn nước, nâng cao công nghệ, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm để đứng vững trên thị trường…
Nuôi cá tầm ở hồ Séo Mý Tỷ (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: H.Đ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sau 15 năm đưa vào nuôi thử nghiệm, đến nay cá nước lạnh đã được nhân rộng, phát triển tại 25 tỉnh. Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua, đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, phát triển cá nước lạnh tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn như: Công nghệ nuôi chưa đáp ứng được đặc điểm sinh học của cá nước lạnh nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất thấp so với các nước có công nghệ cao. Hệ thống nuôi như hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Các cơ sở sản xuất cá nước lạnh chưa được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành cho cá nước lạnh.
Để đảm bảo phát triển cá nước lạnh mang lại hiệu quả cao, ổn định và bền vững trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tổ chức áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo có hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cần đa dạng hóa mô hình sản xuất, trong đó doanh nghiệp làm nòng cốt, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân.
Mục tiêu đến năm 2030 sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5 - 10 tấn/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20 - 25 triệu USD.
Sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm; 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước.
Theo Hải Đăng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố