Như đã thành nét đẹp truyền thống từ nhiều năm qua, cứ khoảng tháng 11- 12, là bà con các dân tộc tỉnh Hòa Bình lại nô nức mang những nông phẩm chủ lực của địa phương tới hội chợ trái cây có múi ở Trung tâm Văn hóa huyện Cao Phong để bày bán, giới thiệu sản phẩm...
Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía Bắc và tuần lễ cam Cao Phong năm nay được Sở NN-PTNT Hòa Bình, UBND huyện Cao Phong, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổ chức trong 5 ngày, từ 06-11/11/2020.
Hòa theo dòng người đông như mắc cửu, chúng tôi đã có mặt ở Trung tâm Văn hóa huyện Cao Phong ngay từ phiên khai mạc. Phải nói rằng hội chợ được tổ chức rất hoành tráng, khoảng 200 gian hàng các loại đến từ nhiều địa phương trung du và miền núi phía Bắc, được trưng bày đẹp mắt công phu, trong đó có 90 gian hàng bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hòa Bình và tỉnh bạn, nhưng chủ lực vẫn là cam VietGAP Cao Phong.
Theo tổng hợp nhanh của Ban tổ chức hội chợ, trong ngày đầu tiên sau khai mạc, giá trị hàng hóa các loại bán ra ước đạt 12-15 tỷ đồng, riêng sản phẩm cam, quýt, bưởi thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Quầy hàng Thanh Loan chuyên doanh cam VietGAP, trong phiên khai mạc đã bán hết gần 2 tấn quả, với giá quân bình 30-35 nghìn đồng/kg, thu về gần 70 triệu đồng. Chị Loan cho hay: Mục đích tham gia hội chợ cơ bản chỉ để mong kết nối được với doanh nghiệp bao tiêu. Chứ bán ngồi bán ở đây tuy được giá cao, nhưng hao hụt do tươi ngót và cân lẻ, tính ra cũng chẳng được lãi hơn bán các ngày thường là mấy!
Cũng như chị Loan, bà Nguyễn Thị Nụ (gian hàng cam Cao Phong) tiết lộ: Được UBND huyện hỗ trợ chỗ trưng bày, tôi cũng mang hàng đến hội chợ, vừa để bán vừa để mọi người biết đến cam sạch của nhà, hy vọng những năm sau, khách hàng sẽ theo địa chỉ tem mác gắn trên sản phẩm, đến mua cắt tại vườn, chọn lựa thoải mái, lại có thêm khuyến mại khi mua số lượng nhiều.
Ông Vương Đắc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hòa Bình cho biết: Hiện diện tích trồng cây có múi của tỉnh đã đạt 11.500ha, trong đó có 7.400ha cho khai thác kinh doanh, sản lượng quả ước đạt 160.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy và Tân Lạc. Riêng huyện huyện Cao Phong, niên vụ 2020-2021 này, sẽ cho thu hoạch trên 30.000 tấn cam, quýt các loại, sản phẩm cho xuất bán kéo dài từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 4 năm sau.
“Sản lượng cam có bán kéo dài được như trên là do, trong nhiều năm qua, huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình và Viện Nghiên cứu Rau quả xây dựng thành công các mô hình, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, theo hướng rải vụ thu hoạch quả, giá trị gia tăng tăng cao.
Theo đó, trà chín sớm cơ cấu giống cam CT36; trà chín chính vụ trồng cam Vinh lòng vàng, cam xã Đoài; trà chính muộn, cam V2", ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong thông tin.
Được biết, Cam Cao Phong được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý tập thể từ năm 2014. Toàn huyện có 1.200/3.000ha cây có múi sản xuất theo qui trình VietGAP, chủ yếu là cam các loại. Địa phương này cũng đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh, bao gồm, 2 sản phẩm 4 sao là: Nước cam tươi lên men và cam quà tặng cao cấp của HTX Hà Phong; 3 sản phẩm 3 sao: Cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong. Nước cốt cam và mứt ruột cam của HTX Hà Phong. Dự kiến hết năm nay sẽ có thêm 1 sản phẩm hạt dổi được công nhận đạt OCOP.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, sở dĩ cây cam Cao Phong cho năng suất, chất lượng cao hơn một số địa phương khác, là do được thiên nhiên ưu đãi (tầng canh tác dày, mực nước ngầm thấp, tiểu khí hậu ôn hòa), được các cấp chính quyền và ngành chuyên môn hỗ trợ xây dựng mô hình ngay từ khi sản xuất còn manh mún, các nhà nông trên địa bàn có sự liên kết sản xuất với những hộ giàu kinh nghiệm thâm canh cây có múi của các huyện Khoái Châu, Văn Giang (Hưng Yên). Đến nay Cao Phong đã trở thành một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc. Sản phẩm đang tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước, trong đó có chợ đầu mối Long Biên và chuỗi các siêu thị BigC, Vinmart… của Hà Nội.
“Có 27 sản phẩm của 21 doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình trong tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao. Bước đầu đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu với một số doanh nghiệp, nhà hàng tại Hà Nội như chuỗi rau hữu cơ Lương Sơn với Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và VinaGAP; chuỗi su su Quyết Chiến với hệ thống các siêu thị Fivimart, BigGreen Việt Nam; chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH Cường Thịnh cung cấp cho Công ty An Việt...”, ông Vương Đắc Hùng-PGĐ sở NN-PTNT Hòa Bình.
Theo Nguyễn Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã