Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt gần 98% kế hoạch…
Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh, dư nợ đến 30/11/2020 đạt 58.400 tỷ đồng, tăng 12,5% so với 31/12/2019 và đạt gần 98% kế hoạch năm 2020. Như vậy, trong tháng 12 này, toàn ngành ngân hàng buộc phải tăng thêm hơn 1.300 tỷ đồng nữa mới có thể “chạm” được chỉ số tăng trưởng tín dụng tối thiểu (15%/năm) với dư nợ đạt 59.698 tỷ đồng như kế hoạch đã đề ra vào đầu năm 2020.
Theo đánh giá từ cơ quan này, mặc dù bối cảnh kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn do hậu quả của lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại… nhưng với diễn biến của thị trường dịp cuối năm thì tín dụng vẫn được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho mục tiêu tăng trưởng.
Lãi suất cho vay tốt cộng với các chính sách tín dụng ưu việt đã giúp các ngân hàng đưa tín dụng phục vụ phát triển nền kinh tế.
Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp - Nhân sự và kiểm soát nội bộ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Lãi suất vay tốt (dao động 5 - 9%/năm với kỳ ngắn hạn và 9 - 11%/năm với kỳ trung, dài hạn), các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, lũ lụt và các chính sách cho vay lĩnh vực ưu tiên… được tích cực triển khai sẽ giúp khách hàng tiếp cận vốn dễ dàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng”.
Đến hết tháng 10, dư nợ đạt 57.368 tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng hàng đầu như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV chiếm 68% tổng dư nợ toàn ngành. Giành vị trí cao nhất là Agribank tỉnh Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh II với dư nợ lần lượt là 7.594 tỷ đồng và 7.470 tỷ đồng; Vietcombank Hà Tĩnh (hơn 7.000 tỷ đồng); Vietcombank Bắc Hà Tĩnh (hơn 4.700 tỷ đồng); VietinBank Hà Tĩnh (hơn 6.200 tỷ đồng) và BIDV Hà Tĩnh (hơn 4.000 tỷ đồng), BIDV Kỳ Anh (2.169 tỷ đồng).
Trong tháng 11, dư nợ tiếp tục tăng, bên cạnh các ngân hàng chủ lực thì những cái tên như ACB, HDBank, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân... cũng đóng vai trò lớn trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của ngành.
Đến 30/11, con số dư nợ toàn ngành tăng lên 58.400 tỷ đồng, tăng cao hơn tháng trước 1.032 tỷ đồng (tăng 1,99%).
Tập trung vào nhóm ngành tiềm năng...
Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục đứng trong nhóm các ngân hàng có chất lượng dịch vụ và bán lẻ tốt nhất trong hệ thống Vietcombank.
Tại Vietcombank Hà Tĩnh, đến đầu tháng 12, tốc độ tăng trưởng đối với lĩnh vực bán lẻ (khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa) đạt 17,8%, vượt 7,3% so với kế hoạch Trung ương giao.
Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ cho biết: “Vietcombank Hà Tĩnh tiếp tục đứng trong nhóm các chi nhánh có chất lượng dịch vụ và bán lẻ tốt nhất trong hệ thống Vietcombank trên cả nước. Hiện nay, chi nhánh vẫn sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận được nguồn vốn”.
Không chỉ với Vietcombank Hà Tĩnh, đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán lẻ, nhất là một số nhóm ngành tiềm năng như hàng tiêu dùng, bất động sản, mua ô tô... vừa mang tính chất thời vụ, thường tăng mạnh vào cuối năm, vừa là xu hướng mà các ngân hàng hướng đến.
Trong số này, lĩnh vực cho vay mua ô tô tăng mạnh nhất, cả ở khối ngân hàng cổ phần và quốc doanh.
Năm 2020, cho vay đối với mua ô tô tăng trưởng mạnh (ảnh: Thái Oanh).
Bên cạnh đó, thời điểm này, một số khách hàng cũng tăng nhu cầu bổ sung nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thương mại cuối năm, tạo sự bứt phá cho tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong giới ngân hàng vẫn cho rằng, tăng trưởng tín dụng chưa thực sự ổn định.
Nguồn vốn tăng trưởng mạnh vẫn tập trung chủ yếu ở các nguồn vay ngắn hạn (khoảng 60%). Trong khi đó, bản chất nền kinh tế vẫn còn khá trầm lắng do doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất - kinh doanh, tâm lý dè dặt mở rộng quy mô khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang quay trở lại, các dự án đầu tư mới ít hơn so với những năm trước... Bởi vậy, mặc cho lãi suất cho vay đã giảm từ 30 - 50% so với cuối năm 2019 thì nguồn tiền huy động vẫn cao hơn cho vay đến 10.536 tỷ đồng; nhu cầu phát sinh nguồn vốn vay cho các lĩnh vực sản xuất, cho vay doanh nghiệp vẫn không có nhiều.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã