Cán bộ thú y và cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) hướng dẫn người dân pha thuốc để chuẩn bị phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Thời điểm này, huyện Thạch Hà đã cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, xử lý tốt môi trường sau trận lũ lịch sử vừa qua, đồng thời xây dựng phương án chủ động phòng bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hằng – công chức địa chính - nông nghiệp xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) cho biết: “Chúng tôi đã cử người phun tiêu độc khử trùng ở các điểm có nguy cơ cao và cấp phát 200 lít hóa chất về các thôn để người dân thực hiện vệ sinh trong khu vực chăn nuôi của gia đình”.
Vệ sinh môi trường chăn nuôi sau lũ là một trong những biện pháp để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi và chuẩn bị chuồng trại sạch sẽ, khôi phục sản xuất.
Ông Lê Trung Hạnh (thôn Đông Tâm, xã Tân Lâm Hương) cho biết: “Trong lũ lớn, nước bẩn từ công trình vệ sinh, khu vực chứa chất thải tràn hết vào nhà và chuồng trại, tôi sợ vật nuôi dễ nhiễm bệnh nên đã tiến hành dọn dẹp rác, nước ứ đọng sớm, tăng thức ăn nhiều dinh dưỡng cho lợn, gà”.
Cẩm Xuyên cũng là một trong những địa phương có số lượng gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi lớn trong trận lũ vừa qua. Đặc biệt, đây thường là “điểm nóng” của các loại dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… ở gia súc, H5N1 ở gia cầm. Vì thế, sau mưa lũ, công tác phòng chống dịch bệnh đang được địa phương chủ động triển khai.
Huyện Cẩm Xuyên tiến hành chôn xác gia súc, gia cầm tại các điểm chôn lấp tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên Phan Xuân Nam cho biết: “Mưa lũ đã làm xác động vật chết và nguồn nước thải tràn cả ra ngoài, cùng với thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Huyện đã phân bổ 900 lít hóa chất về các địa phương để tiến hành phun sát trùng tại khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn”.
Ngay sau khi nước rút, các xã đã tập trung tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các khu vực chăn nuôi. Anh Hoàng Cư (thôn Đồng Bàu, Cẩm Thành) cho biết: “Gia đình cũng thiệt hại nặng khi 27 con lợn bị chết. Chúng tôi đã chùi rửa chuồng nuôi, dọn dẹp đất, rơm rạ bị ẩm mốc, phối hợp với xã đào hố, chôn gia súc, gia cầm theo quy định, tránh ô nhiễm môi trường, chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm khôi phục hoạt động chăn nuôi”.
Các khu giết mổ tập trung tại các địa phương bị ngập sâu như: TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà... cũng cần kiểm soát tốt vệ sinh để đảm bảo an toàn giết mổ, hạn chế dịch bệnh.
Cùng đó, huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các địa phương và người chăn nuôi theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, khi xuất hiện gia súc, gia cầm bị ốm, chết, phải báo cho cán bộ thú y và cơ quan chức năng.
Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ vừa qua, hơn 9.400 con gia súc 798.800 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cán bộ thú y các huyện, thị, thành phố xuống cơ sở thống kê thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Người dân tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ và đề kháng của đàn lợn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Hùng cho biết: Sau đợt mưa lũ kéo dài, môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, cộng với thời tiết diễn biến thất thường sẽ tạo cơ hội phát tán mầm bệnh. Hơn nữa, các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng,… đang có nguy cơ tái bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Chi cục đã tham mưu với Sở NN&PTNT có văn bản hướng dẫn tiến hành thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, tập kết để đưa đi tiêu hủy theo đúng quy định; chỉ đạo khẩn trương cấp phát hóa chất dự phòng cho các hộ dân để tiến hành phun khử trùng tiêu độc.
“Người chăn nuôi cần gia cố chuồng trại, đảm bảo chắc chắn, có phương án ứng phó, di dời đàn vật nuôi đến nơi cao ráo, nơi kín gió trong trường hợp xảy ra bão lụt, ngập úng thời gian tới; tiến hành vệ sinh sạch sẽ chuồng, dụng cụ chăn nuôi, rải vôi bột khu vực xung quanh để hạn chế mầm bênh, tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng” - ông Trần Hùng khuyến cáo.
Theo Thái Oanh - Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã