Ở huyện Yên Thành anh Trần Quý Bảo không chỉ nổi tiếng về nuôi ốc bươu đen và cung cấp giống ốc bươu cho bà con, mà anh còn sáng tạo trong nuôi trồng các loại sản vật địa phương theo hình thức sinh thái, bảo vệ môi trường.
Lớn lên từ quê lúa một nắng hai sương, nhận thấy được giá trị của đồng đất, của các đặc sản địa phương như lươn, ốc, cua... anh nhận thầu đất hoang của xã đầu tư 15 ao nuôi ốc bươu đen.
Trong quá trình thu hoạch ốc, anh Bảo thu hoạch được rất nhiều cua đồng. Cua đồng có giá 60-100 ngàn đồng/kg, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Anh nảy ra ý nghĩ thử nuôi cua dưới ao bèo, lăn lác. Cua đồng sinh sản nhanh, dễ nuôi, cho hiệu quả cao. Cứ vài tuần anh lại có thu hoạch đi bán.
Mỗi lần thu hoạch được cả mấy yến cua. Thế là anh cải tạo thêm đất, thả cua đồng ra đồng lúa, xung quanh bao nilông loại dày tránh chuột và để cua không bò ra.
Những ngày cuối tháng 5, giữa cái nắng oi ả, anh Trần Quý Bảo, xóm 2, xã Đức Thành, huyện Yên Thành vẫn cặm cụi bao ni lông quanh ruộng lúa để kịp tiến độ thả cua đồng.
Đây là mô hình mới mà anh Bảo triển khai với kỳ vọng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao từ đó sẽ chia sẻ với bà con trong vùng để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Bảo cho biết: Gia đình tôi có 15 ao với diện tích khoảng 2,5ha, trước đây chủ yếu là nuôi ốc bươu đen, sau khi thấy hiệu quả thực tế và giá trị con cua đồng mang lại, tôi quyết định dành ra 2 ao với diện tích 1.000m2 để thử nghiệm nuôi cua đồng. Thấy cua sinh trưởng tốt, mang lại thu nhập ổn định, từ đó tôi quyết định sẽ mở rộng mô hình, đưa cua ra ruộng lúa.
Theo anh Bảo thì việc nuôi cua trong đồng ruộng có nhiều ưu điểm, việc tủ ni lông bao quanh tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với việc vây ruộng bằng tôn, fibro xi măng như các mô hình khác.
Điều đáng nói, cua đồng dễ nuôi, đặc tính của nó là tự cày xới đất, không làm giảm chất đất khi trồng lúa. Khi lúa trổ bông là lúc cua béo nhất, những mùa khác cho cua ăn thêm ốc bưou vàng xay, cá tạp.
Do nuôi sinh học nên sẽ bảo vệ được môi trường. Đồng thời kết hợp nuôi cả ốc, cua trong ao để có thu nhập cao hơn. Khi thả sẽ thả ốc nhỡ khỏi cua ăn thịt.
Anh Bảo cho biết: Trong khi nhiều nông sản khó tìm được đầu giữa thời điểm dịch Covid - 19 thì cua đồng và ốc bươu đen nhà anh luôn trong tình trạng "cháy hàng", nhất là trong mùa nắng nóng.
Mỗi ngày có rất nhiều thương lái đến thu mua cua tại nhà, sau đó xuất đi các tỉnh, thành, chủ yếu ở Hà Nội. Cua đồng được tiêu thụ mạnh và rất hiếm khi xẩy ra tình trạng ế ẩm...
Theo tính toán của anh Bảo, mỗi sào cua sẽ cho sản lượng từ 50 - 100kg, mang lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/sào, gấp đôi so với trồng lúa. Nếu nuôi thêm con khác sẽ có thêm giá trị.
Do nuôi cua đồng tốn rất ít vốn và dễ nuôi nên dễ triển khai, nhân rộng. Về đầu ra hiện nay đang khan hàng. Khi có nguồn hàng đủ lớn anh Bảo nghiên cứu ứng dụng KHKT để sản xuất nước cua xay cung cấp cho thị trường thành phố.
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, hiện 15 ao nuôi của anh Bảo luôn có thu hoạch. Bên cạnh đó anh còn trồng rau, đu đủ, ổi... để làm thức ăn cho ốc, cua và bán ra thị trường.
Bên cạnh công tác nuôi trồng anh Bảo còn trực tiếp hướng dẫn công tác tư vấn thiết kế ao hồ, hỗ trợ kỹ thuật nuôi cũng như bán con giống cho bà con có nhu cầu.
Quý độc giả có nhu cầu về cua đồng thương phẩm, cua đồng giống và các loại ốc bươu đen xin liên hệ với anh Trần Quý Bảo, xóm 2, xã Đức Thành, huyện Yên Thành theo số điện thoại 0378.722.059.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/nghe-an-nang-nong-chang-chang-chang-nong-dan-nuoi-cua-dong-ngoai-ruong-lua-bat-mot-luc-duoc-ca-chau-to-20210601223929797.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã