Báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT và tỉnh Bắc Giang về các giải pháp tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang lo nhất vấn đề tiêu thụ vải thiều, rất mong Bộ NNPTNT và các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ tỉnh.
"Bắc Giang đang vào đầu vụ thu hoạch vải thiều, hiện chúng tôi đã tiêu thụ được 20.000 tấn trong tổng số 40.000 tấn vải sớm. Hiện, việc tiêu thụ vải tương đối thuận lợi vì sản lượng còn ít, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cơ bản thuận lợi, lên các cửa khẩu đều có khu kiểm soát dịch bệnh, vải thiều được ưu tiên luồng xanh làm thủ tục thông quan. Tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động thành lập 2 tổ công tác lên Lào Cai, Lạng Sơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vải thiều" - ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, điều tỉnh Bắc Giang lo nhất là từ ngày 10/6, vào chính vụ thu hoạch vải thiều với sản lượng lên đến 140.000 tấn.
Ông Thái ước tính, mỗi ngày có đến 10.000 - 20.000 tấn vải thiều cần được tiêu thụ ra khỏi tỉnh vào thời điểm thu hoạch rộ.
"Vải chất lượng rất tốt, xuất khẩu sang Nhật Bản tiêu thụ nhanh, giá tốt, lên đến 350.000 - 400.000 đồng/kg. Đầu vụ, việc xuất khẩu vẫn thuận lợi nhưng khi thu hoạch rộ, chúng tôi tính đến phương án tiêu thụ nội địa 70%, xuất khẩu 30%. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ, các cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để mở rộng thị trường nội địa cho trái vải thiều, đặc biệt là thị trường phía Nam tạo nền tảng bền vững cho những năm tiếp theo" - ông Thái nói.
Theo ông Thái, hiện tỉnh Bắc Giang đang gặp hai cái khó, một là phương tiện vận chuyển vì nếu vận chuyển vào thị trường phía Nam phải có container, bảo quản lạnh nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vận tải e ngại.
UBND tỉnh đã mời hiệp hội vận tải vào cuộc, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ Bắc Giang vận chuyển tiêu thụ vải thiều.
Cái khó thứ hai theo ông Thái tỉnh không thể nào giải quyết được là các chốt trạm của các tỉnh. Mỗi lần xe của tỉnh Bắc Giang qua các chốt, trạm lại yêu cầu kiểm tra, xuất trình giấy tờ, xét nghiệm nhanh Covid-19 nên kéo dài thời gian chờ đợi, nếu qua mấy chục trạm từ Bắc vào Nam thì thời gian bảo quản, tiêu thụ vải thiều không đảm bảo.
Ông Thái kiến nghị, việc bố trí phương tiện tỉnh có thể lo được nhưng để các phương tiện vận chuyển vải thiều đi qua chốt trạm thuận lợi, tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển nông sản của Bắc Giang qua trạm nếu đáp ứng đủ các yêu cầu.
"Chúng ta có thể học cách Trung Quốc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh, có thể giao cho Bắc Giang cấp giấy phép thông hành cho các xe chở vải thiều như chứng nhận sản xuất an toàn, lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nếu có giấy thông hành qua các trạm có thể cho luồng xanh đi riêng không phải qua kiểm dịch" - ông Thái nói.
Ông Thái cũng đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp đưa vải thiều của tỉnh vào các kênh phân phối lớn, các cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ tuyên truyền, khẳng định chất lượng vải Bắc Giang an toàn, không dịch bệnh.
"Hiện, vùng Lục Ngạn vẫn rất an toàn, Bắc Giang cũng không phát hiện các ca mắc trong cộng đồng, các ca nhiễm Covid-19 chỉ nằm trong khu công nghiệp và đã được phong tỏa" - ông Thái khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, trước những lo lắng của địa phương, của người dân trong vấn đề tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngay ngày mai, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn, đảm bảo vừa tiêu thụ được nông sản vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng an toàn trong dịch bệnh.
Bộ NNPTNT cũng hy vọng từ mô hình phối hợp giữa ba đơn vị sẽ nhanh chóng phát triển thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng sẽ bàn bạc với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam để kết nối cung cầu, làm sao thông tin về sản lượng tiêu thụ nông sản phải thông suốt.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, kết nối tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang.
"Thị trường là ở doanh nghiệp, làm sao kết nối thông tin đến những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho Bắc Giang, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, nhất là trong giai đoạn thu hoach rộ sắp tới" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Dẫn chứng câu chuyện thông tin hành tím Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng rớt giá, địa phương phải vận động hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân nhưng cũng có nơi như Đăk Lăk, người tiêu dùng cho biết vẫn phải mua hành tím Vĩnh Châu với giá 45.000 đồng/kg, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện kết nối tiêu thụ nội địa đang có vấn đề, những thông tin bất cân xứng tạo ra dư thừa một cách cục bộ, nơi cần không có hoặc không vận chuyển được.
"Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, tôi được biết Cục Chế và Phát triển thị trường nông sản cũng đang làm việc với Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải trong nước để không làm khó thêm quá trình vận chuyển.
Trong dài hạn, Bộ NNPTNT sẽ thiết lập thông tin hai chiều để cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, thời điểm thu hoạch cho các đơn vị phân phối, không đợi đến khi thu hoạch rồi mới thấy thừa hay thiếu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong điều kiện dịch Covid-19, chúng ta phải đối mặt với một tình trạng phức tạp, bất định và mơ hồ, thay đổi liên tục, tuần trước không ai nghĩ TP.Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện giãn cách xã hội.
Do vậy, đòi hỏi địa phương, doanh nghiệp, người dân phải chủ động cung cấp thông tin thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ nông sản.
Trong dài hạn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, trong đó thí điểm ưu tiên cho các hợp tác xã ở Bắc Giang nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã nâng cao công nghệ sơ chế, chế biến, năng lực logistics của hợp tác xã, từ đó giúp người dân chủ động tiêu thụ nông sản trong bất kỳ tình huống nào.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
https://danviet.vn/bo-truong-le-minh-hoan-hua-se-kien-nghi-thu-tuong-viec-kho-bac-giang-khong-giai-quyet-duoc-trong-tieu-thu-vai-thieu-20210531182408957.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã