Ngay sau khi xảy ra sự việc nhiều bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay, vấn đề trách nhiệm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm lại được đặt ra. Trong vụ việc này, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính, thưa ông?
- Về nguyên tắc, khi có người sử dụng sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm bị ngộ độc, ngành y tế có trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra dịch tễ. Qua điều tra các ca bệnh thì thấy có một điểm chung là có sử dụng sản phẩm pate Minh Chay. Ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm mới phát hiện trong pate Minh Chay có vi khuẩn Clostridium botulinum.
Khâu kinh doanh, phân phối sản phẩm sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là trách nhiệm của ngành y tế.
Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về mặt sản xuất, ở đây, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (có trụ sở ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hà Nội, cụ thể việc chịu trách nhiệm giám sát, điều tra điều kiện an toàn thực phẩm là của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội.
Trong vụ việc này, ngành y tế và nông nghiệp đang phối hợp để xử lý, khắc phục hậu quả.
Với tư cách là đơn vị quản lý về mặt sản xuất đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, hiện nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì để khắc phục sự cố từ vụ pate Minh Chay, thừa ông?
- Ngay sau khi xảy ra sự việc ngộ độc botulinum có trong sản phẩm pate Minh Chay, Bộ NNPTNT đã lập tức có văn bản đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố, Ban an toàn thực phẩm các địa phương TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh kiếm tra, rà soát việc phân phối sản phẩm pate Minh Chay trên thị trường, triệu hồi, tiêu hủy theo đúng quy định.
Đối với Sở NNPTNT TP.Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng yêu cầu ngành chức năng trong phạm vi quản lý phải kiểm tra, rà soát lại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở này, báo cáo Cục trước ngày 3/9.
Theo như thông tin từ Sở NNPTNT TP.Hà Nội thì ngay sau khi xảy ra vụ việc, Hà Nội đã đình chỉ sản xuất đối với Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, xử phạt vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng.
Ngành chức năng cũng yêu cầu công ty phải báo cáo đầy đủ số lượng sản xuất, thống kê lượng sản phẩm dã cung cấp cho các tỉnh, thành phố, danh sách các đơn vị phân phối, mua sản phẩm để thu hồi triệt để số lượng; yêu cầu công ty rà soát hồ sơ, quá trình sản xuất xem lây nhiễm vi khuẩn từ đâu.
Khi biết nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn cùng với việc báo cáo khắc phục thì khi đó chúng tôi mới cùng Sở NNPTNT Hà Nội xem xét có cho doanh nghiệp sản xuất trở lại hay không, nếu thấy chưa đạt yêu cầu kiên quyết không cho sản xuất trở lại.
Hiện, đã tìm được nguyên nhân nhiễm vi khuẩn của sản phẩm pate Minh Chay chưa, thưa ông?
- Theo tôi được biết thì doanh nghiệp đang điều tra, xác định nguyên nhân xem nhiễm khuẩn từ đâu, do nguyên liệu, quá trình chế biến, do con người hay thiết bị? Nếu không xác định đúng nguyên nhân thì khó có thể khắc phục triệt để được.
Theo ông, để không còn những vụ việc như pate Minh Chay, chế tài xử phạt có cần mạnh hơn để tăng tính răn đe?
- Hiện nay, cơ chế, chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ và rõ ràng theo Nghị định 115 của Chính phủ, mức phạt cũng nâng lên rất nhiều. Theo tôi được biết, Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ vụ việc cho ngành công an để điều tra, thậm chí có thể xử lý hình sự.
Việc cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm có phải là kẽ hở để doanh nghiệp vi phạm không, thưa ông?
- Việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm là đúng với quy định của Chính phủ, trên tinh thần cải cách hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp.
Phải khẳng định, luật pháp đã quy định rõ, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trước hết là của người sản xuất, họ là người công bố thì phải chịu trách nhiệm với công bố ấy, cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị giám sát, xử lý khi có sai phạm. Nếu đơn vị cố tình vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Cũng như vậy với sản phẩm pate Minh Chay, ở thời điểm công bố, họ đạt đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng trong quá trình sản xuất lại phát sinh sự cố, vì vậy, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Xin cảm ơn ông!
Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bệnh do ngộ độc botulinum bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày, viêm ruột khác. Tuy nhiên, nếu lượng độc tố ít, triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.
Sau giai đoạn khởi bệnh, độc tố của vi khuẩn tiếp tục xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Ngoài ra còn có biểu hiện trên các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).
Nặng hơn nữa, bệnh nhân có các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới.
Giai đoạn cuối, bệnh nhân thường khó thở, rối loạn nhịp thở, tỷ lệ tử vong 30-60% do suy hô hấp.
Theo Anh Thơ/danviet.vn
https://danviet.vn/pate-minh-chay-co-doc-to-botulinum-nganh-nong-nghiep-vao-cuoc-dieu-tra-ket-qua-xu-ly-the-nao-20200903141829725.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã