Theo Chi cục Trồng trọt – BTVT Khánh Hòa, những năm gần đây phong trào chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây ăn quả được nông dân hưởng ứng phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, từ 2017- 2019, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.656 ha sang cây ăn trái như xoài, sầu riêng, bưởi… chủ yếu tập trung tại 3 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Cam Lâm. Nâng số diện tích cây ăn quả toàn tỉnh lên đến hơn 17.682 ha, trong đó xoài 8.169 ha, bưởi 1.379 ha và sầu riêng 1.650 ha…
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó phòng NN-PTNT Khánh Vĩnh cho biết, đến nay, toàn huyện đã phát triển khoảng 1.566 ha cây ăn trái. Trong đó bưởi da xanh hơn 502 ha gồm 170 ha thời kỳ kinh doanh, với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Tuy mới đưa vào trồng những năm gần đây, song bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh đã phát huy hiệu quả kinh tế, có chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ tốt.
“Bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh có chất lượng đặc biệt ngọt, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng. Cây trồng từ 5 năm trở lên cho năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha. Thương lái tự đến vườn thu mua với giá trung bình từ 30 - 35 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi từ 150 - 200 triệu đ/ha”, ông Trường chia sẻ.
Tương tự, tại huyện miền núi Khánh Sơn, với đặc điểm nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, cùng với đó có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao. Tận dụng lợi thế này, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh, huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi 2.787 ha đất cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là cây ăn trái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Khánh Sơn, đến nay toàn huyện có hơn 1.000 ha sầu riêng, trong đó khoảng 400 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm khoảng 3.500 tấn. 319 ha bưởi da xanh với sản lượng 220 tấn và 166 ha chôm chôm với sản lượng 120 tấn... Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác. Tức là, khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín, khi thu hoạch xong thì sầu riêng Tây Nguyên mới bắt đầu chín. Mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8.
Bên cạnh đó, trái sầu riêng Monthong ở Khánh Sơn đều, đẹp, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có những trái đạt từ 7 - 8 kg. Người tiêu dùng đánh giá sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở vùng khác, vì đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Hiện nay, trung bình 1 ha sầu riêng cho năng từ 8-10 tấn, với giá bán từ 40 -50 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí bà con lãi từ 300 - 400 triệu.
Còn tại huyện Cam Lâm - thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa với diện tích lên đến trên 5.000 ha, trong đó khoảng 3.000 ha xoài Úc; với tổng sản lượng 44.000 tấn quả tươi/năm.
Theo người trồng, xoài Úc có điểm hơn các giống địa phương. Cụ thể, hình dáng quả to tròn đều, màu sắc ửng hồng và vỏ dày nên có khả năng vận chuyển đi xa. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng giống xoài này. Trung bình 1 ha xoài Úc cho thu hoạch khoảng 7 - 10 tấn, bán với giá từ 35 - 40 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí nông dân thu hoạch lãi từ 150 - 200 triệu.
Mặc dù cây ăn trái mang lại hiệu quả cho người trồng, tuy nhiên thời gian qua việc sản xuất của người dân vẫn theo kinh nghiệm sẵn có, chưa quan tâm đúng mức về các quy định ATTP. Do đó, để phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng, VSATTP và hướng tới xuất khẩu, tỉnh Khánh Hòa đã định hướng nông dân sản xuất theo hướng VietGAP.
Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, đến nay bước đầu trên địa bàn có 7 cơ sở với diện tích hơn 206 ha gồm bưởi, xoài, sầu riêng, chanh không hạt được chứng nhận VietGAP.
Trong đó, tại huyện Khánh Vĩnh có hơn 82 ha gồm bưởi da xanh, xoài, chanh không hạt đã được chứng nhận tiêu chuẩn này. Ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, cho biết, tổ hợp tác hiện có 51 hộ, chủ yếu trồng bưởi da xanh nằm rải rác 6 xã trên địa bàn. Các vườn bưởi ở đây được người dân chuyển đổi thành công từ đất cây hàng năm, vườn tạp kém hiệu quả. Trước đây khi chưa thành lập tổ, bà con sản xuất theo thói quen, chưa tuân thủ quy định trong việc sử dụng, bảo quản phân bón và thuốc BVTV cho sản xuất trái cây, cũng như đảm bảo thời gian cách ly sau khi thu hoạch.
Từ sự quan tâm của tỉnh đến cơ sở, bà con được tập huấn nhiều lớp sản xuất trái cây VietGAP. Hiện bà con chủ yếu sử dụng thuốc sinh học trong sản xuất là chính, hạn chế phân hóa học và sử dụng phân hữu cơ nhiều hơn.
“Đến nay bà con đã đi vào nề nếp trong việc tuân thủ sản xuất VietGAP. Bởi lợi ích của quy trình sản xuất này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân, mà con nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đó, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng bưởi da xanh Khánh Vĩnh hơn”, ông Long chia sẻ.
Còn huyện Khánh Sơn đến nay có trên 42 ha sầu riêng, với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm của Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình được chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Khánh Sơn, cho biết, hiện nay định hướng của huyện phát triển sầu riêng là không ồ ạt, mà tập trung nâng cao chất lượng bằng cách hướng nông dân sản xuất sạch theo VietGAP để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Do đó, trong năm 2020, 7 tổ trái cây nữa trên địa bàn huyện sẽ được chứng nhận VietGAP. Khi đó nâng diện tích sâu riêng trên địa bàn đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 200 ha. Cùng với đó, trong năm nay tỉnh sẽ đưa sầu riêng Khánh Sơn vào sản phẩm OCOP.
Tại huyện Cam Lâm lâu nay nông dân trồng xoài trên địa bàn ít chú trọng vào sản xuất xoài theo hướng VietGAP có nhãn, tem truy xuất nguồn gốc nên thị trường tiêu thụ hạn chế.
Ông Đặng Chí Liêm, Phó phòng NN-PTNT huyện cho biết, để đa dạng thị trường tiêu thụ xoài, định hướng của huyện là hướng bà con trồng xoài sản xuất theo hướng sạch.
Được biết, đến nay huyện Cam Lâm đã có hơn 82 ha xoài, chủ yếu xoài Úc được chứng nhận VietGAP thuộc các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Kế hoạch trong năm 2020, huyện này sẽ thêm 60 ha xoài VietGAP nữa được chứng nhận.
Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi giống cây trồng theo “Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần tập trung chuyển đổi cây trồng có nhu cầu tiêu thụ lớn, phù hợp thế mạnh tại các địa phương như xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, mít… Đồng thời có hướng hỗ trợ tổ chức sản xuất, hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP); hỗ trợ quảng bá thương hiệu, gắn kết thị trường tiêu thụ.
Theo KIM SƠ- LÊ KHÁNH/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã