Những năm qua, nghề nuôi cá lồng dọc sông Lô đã trở thành kế sinh nhai của gần 20 hộ dân phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).
So với làm ruộng, trồng ngô, đậu…nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số dịch bệnh xuất hiện trên đàn cá khiến việc nuôi cá lồng, cá đặc sản của người dân đối diện với nhiều rủi ro.
Anh Lê Anh Minh, tổ 4 cho biết, anh có 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản. Với 7 lồng nuôi cá đặc sản thương phẩm và nuôi ương cá giống, những năm trước doanh thu được 400 - 500 triệu đồng/năm.
Năm nay, dịch Covid -19 làm hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thủy sản.
Cá đặc sản đến kỳ xuất bán mà không có thương lái, nhà hàng thu mua. Tháng 5-2020, để có vốn duy trì phát triển chăn nuôi, anh phải bán bớt cá chiên đặc sản với giá 150 nghìn đồng/kg, trong khi các năm trước loại cá này có giá 300 nghìn đồng/kg. Năm nay gia đình thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh khoảng 100 triệu đồng.
Ông Đoàn Trung Đảo ở tổ 4 nuôi cá lồng gần 40 năm nhưng chưa khi nào gặp khó về thị trường tiêu thụ cá đặc sản như năm nay.
Ông Đảo cho biết, năm nay cá đặc sản cũng bị dịch bệnh nhiều hơn mọi năm, tuy không làm cá chết hàng loạt nhưng lại chết rải rác, gây thiệt hại khá nặng nề.
Hơn nữa dù giá cá đặc sản thương phẩm giảm sâu nhưng người nuôi vẫn khó bán vì thương lái không thu mua.
Dự kiến dịp Tết này gia đình ông có thể đáp ứng 2 - 3 tấn cá đặc sản các loại cho thị trường nhưng ông Đảo rất lo lắng vì sức tiêu thụ vẫn chậm, giá bán cá rẻ hơn mọi năm.
Đồng chí Bùi Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, toàn phường có 70 lồng cá với các loại cá như cá trắm, cá trôi, cá chép,cá rô phi…và một số loài cá đặc sản như cá chiên, cá lăng, cá quất...
Năm 2018, phường Nông Tiến triển khai dự án nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong đó, 10 hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay 50 triệu đồng/hộ, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng đặc sản…
Sau 2 năm, đến nay các hộ đến kỳ trả nợ cả gốc và lãi. Tuy nhiên, trước những khó khăn mà người dân gặp phải, phường phối hợp với Hội Nông dân thành phố tiến hành kiểm tra, khảo sát và lấy ý kiến, nguyện vọng từ các hộ nuôi cá và đề xuất gia hạn thời gian vay vốn cho người dân thêm 1 năm.
Đây cũng là giải pháp giúp người dân nuôi cá đặc sản vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Đồng thời, phường tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi cá đặc sản trên sông.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/tuyen-quang-kho-con-covid-19-keo-tut-gia-ca-dac-san-xuong-con-co-phan-nua-40-nam-moi-thay-1-lan-20210129171123705.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã