Làng nuôi rắn Vĩnh Sơn có lịch sử hàng trăm năm và nghề nguy hiểm này được coi là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Với việc thường xuyên có hơn 1 triệu con rắn hổ mang được nuôi trong làng thì chuyện tai nạn rắn độc cắn với họ là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà không có những vụ tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong dù người làng nơi đây vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một bài thuốc bí truyền chữa rắn độc cắn.
Bà Phùng Thị Thu – một người nuôi rắn lâu năm tại Thôn 3, xã Vĩnh Sơn và là một trong những người đã từng là nạn nhân của rắn hổ mang cho biết, một số người già trong làng hiện đang giữ bài thuốc bí truyền chữa rắn cắn.
Tuy nhiên, cũng theo lời kể của bà Thu thì bản thân bà và người làng Vĩnh Sơn không ai biết cụ thể loại thuốc bí truyền đó là gì. Chỉ khi ai bị rắn cắn và cần đến thì họ mới mang thuốc ra cho uống.
“Đó là loại lá mà nhiều người cho rằng đó là lá rừng kết hợp với viên thuốc nhỏ rồi cho người bị rắn cắn nhai ở miệng một ít, còn lại thì dùng đắp vào chỗ bị rắn cắn”, bà Thu cho biết.
Nhưng theo bà Thu, đó chỉ là cách sơ cứu tạm thời để nọc độc của rắn không lan truyền khắp cơ thể. Còn việc có cứu được nạn nhân rắn độc cắn hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa đến bệnh viện kịp thời để điều trị sau đó.
Bà Thu cho biết thêm: “Hiện nay ở xã Vĩnh Sơn chỉ có 3 thầy lang chữa rắn cắn và do là bí quyết gia truyền nên họ không tiết lộ ra bên ngoài chỉ đời cha truyền lại cho đời con trong gia đình. Ai bị rắn cắn nếu muốn nhờ thì cứ đến nhà họ để chữa trị”.
Theo chia sẻ của bà Thu, phóng viên tìm đến nhà 1 trong 3 thầy lang nổi tiếng của làng để hỏi về loại thuốc gia truyền chữa rắn độc cắn. Tuy nhiên, vị thầy giang giấu tên này chỉ cho hay, đó là loại thuốc viên to bằng đầu ngón tay cái, màu trắng, dạng viên mềm. Uống kèm với loại thuốc này là vài loại lá có trong vườn và một cốc nước trắng.
Vị thầy lang này cũng tiết lộ thêm, đơn thuốc của các thầy lang chữa rắn cắn không theo một quy tắc y học nào. Mỗi nạn nhân bị rắn cắn có những biểu hiện khác nhau tùy vào loại rắn, thể trạng của người đó và tùy vào vùng bị cắn mà có các đơn thuốc khác nhau. Với người bị cắn là trẻ em, người đang mang thai hoặc có thể trạng yếu thì có thể uống ngay từ 2 - 3 viên thuốc và theo dõi. Sau đó cần điều trị dài ngày khoảng một tháng mới có thể tẩy được chất độc ra ngoài.
Theo những người dân làng Vĩnh Sơn, bài thuốc gia truyền này đã từng góp phần rất lớn vào việc sơ cứu ban đầu giúp rất nhiều người tại làng rắn này thoát chết khi bị rắn hổ mang cắn.
Ngoài bài thuốc gia truyền, theo chia sẻ của những người nuôi rắn tại Vĩnh Sơn lâu nay họ còn dùng một loại thuốc có nguồn gốc Trung Quốc để uống khi bị rắn hổ mang cắn.
"Trước đây khi chưa có thuốc giải độc rắn đã có nhiều trường hợp tử vong. Nhưng hiện tại hầu như hộ chăn nuôi nào cũng thủ sẵn trong nhà loại thuốc do Trung Quốc sản xuất. Khi không may bị rắn cắn có thể uống ngay loại thuốc đó rồi đưa đến nhà các thầy lang để chữa trị. Nhờ có loại thuốc này nên nhiều người ở đây chỉ bị dị tật và đã thoát khỏi án tử rán cắn”, một người nuôi rắn tại Vĩnh Sơn cho hay.
Loại thuốc mà người dân nói có hộp màu trắng, bên ngoài in toàn chữ Trung Quốc và được cho là do những thương lái nước này mang qua khi họ đến mua rắn tại Vĩnh Sơn. Loại thuốc này hiện nay khá phổ biến ở làng nuôi rắn này và theo lời giới thiệu miệng nên hầu như nhà nuôi rắn nào tại Vĩnh Sơn cũng có sẵn trong nhà.
Dù có những bài thuốc khác nhau hỗ trợ giải độc nhưng theo kinh nghiệm của người dân nuôi rắn tại Vĩnh Sơn thì việc cẩn trọng trong quá trình chăm sóc rắn là cực kỳ quan trọng. Khi không may bị rắn cắn thì việc sơ cứu ban đầu và nhanh chóng đưa đến trung tâm y tế vẫn là việc làm quyết định đến tính mạng của nạn nhân.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/vinh-phuc-bi-an-bai-thuoc-bi-truyen-cuu-hang-chuc-nguoi-thoat-tu-than-ran-ho-mang-20210602222425238.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã