Bắt đầu với bưởi da xanh Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP là xu hướng ngày càng được nhà vườn ở Châu Thành ưa chuộng. Bởi hướng đi mới này trái cây được bảo đảm chất lượng, có giá bán cao hơn. Ông Bùi Văn Chỉnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất (HTSX) bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn) cho biết: “Do thị trường trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi trái cây phải ngon, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên từ năm 2009 đến nay, Tổ HTSX bưởi da xanh Phú Thành đã quyết định sản xuất bưởi da xanh theo quy trình VietGAP với sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Theo đó, người trồng bưởi phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn như giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, không có dư lượng hóa chất độc hại trên trái bưởi; tuân thủ cách thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để bảo quản được lâu hơn; phải biết rõ quy trình quản lý vệ sinh môi trường nơi mình sản xuất; nắm rõ phương pháp quản lý cơ sở sản xuất, có sơ đồ vườn, từng lô, từng loại cây. Ngoài ra, còn phải nắm rõ phương pháp quản lý sổ sách, biết ghi nhật ký sản xuất (chăm sóc vườn, thu hoạch trái, bón phân, xịt thuốc trừ sâu), đồng thời phải biết thanh tra nội bộ. Từ các nguyên tắc cơ bản trên, nông dân phải làm nhà vệ sinh tự hoại để hạn chế ô nhiễm môi trường, phải làm nhà kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu. Mỗi hộ phải có tủ, kệ đựng thuốc bảo vệ thực vật, chỗ cất giữ dụng cụ làm vườn, tủ thuốc y tế gia đình, nhà tắm sau khi xịt thuốc, chỗ rửa bình xịt thuốc, hố đốt rác thải, sổ ghi chép ngày bón phân, xịt thuốc, ngày thu hoạch… “Để các thành viên trong tổ HTSX thực hiện đúng quy trình VietGAP, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tổ chức tập huấn cho chúng tôi, đồng thời cấp giấy chứng nhận khi khóa tập huấn kết thúc”, ông Đào Văn Minh, Phó tổ trưởng Tổ HTSX bưởi da xanh Phú Thành phấn khởi nói. Đến nay, 12/51 thành viên của Tổ HTSX bưởi da xanh Phú Thành được cấp chứng nhận VietGAP. Và sau 2 năm miệt mài “theo” VietGAP, nhiều thành viên trong tổ đã thắng lớn nhờ giá cả ổn định, sản phẩm được bao tiêu nhanh chóng. “Riêng dịp Tết Nguyên đán 2011, tôi thu hoạch 2,7 tấn bưởi da xanh, trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 45 triệu đồng. Đó cũng là nhờ áp dụng VietGAP”, ông Minh phấn khởi khoe. Và VietGAP cho chôm chôm Với thắng lợi từ việc áp dụng VietGAP đem lại cho bưởi da xanh Phú Thành, năm 2009, 22 hộ trồng chôm chôm ở xã Tiên Long cũng bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP dưới sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Sau đó, 2 hộ ở Tiên Thủy và Tân Phú cùng tham gia. Đến tháng 10/2011, 24/24 hộ tham gia được Công ty Giám định và Khử trùng FFC (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong 24 hộ này thì hộ ông Phùng Văn Thắm ở ấp Tiên Phú 1 có diện tích chôm chôm nhiều nhất, với 25 công (1 công = 1.000m2). “Từ năm 1993 trở về trước, nông dân Tiên Long chủ yếu làm ruộng, đến năm 1994 bà con mới bắt đầu chuyển sang trồng cam, quýt. Năm 1996, cam, quýt thất bại, nhà vườn chuyển sang trồng chôm chôm và gắn bó với loại cây này từ đó đến nay. Trước khi áp dụng VietGAP, chôm chôm có lúc bán rẻ như cho. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn này mà mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 75 tấn chôm chôm, giá bán cũng tăng lên, đạt 20.000 - 28.000 đồng/kg”, ông Thắm kể. Theo ông Trần Văn Beo ở ấp Tiên Phú 1, Tổ trưởng Tổ HTSX trái cây Tiên Phú, 24 hộ tham gia đều thực hiện đúng quy trình VietGAP, tuân thủ đầy đủ hồ sơ nông dân. “Hồ sơ này gồm 15 yêu cầu: sơ đồ vườn trồng, sử dụng phân bón, dự trữ hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật, kế hoạch phun thuốc, phân tích độ ẩm của đất, kiểm tra nội bộ vườn, kế hoạch khắc phục…”, ông Beo nói. Chôm chôm của Tổ HTSX trái cây Tiên Phú không những bán chạy trong nước mà còn được xuất sang Hoa Kỳ qua Công ty Thiên Ân đóng tại Tiền Giang, tổng lượng hàng xuất đã đạt 63 tấn. “Chôm chôm bán tận gốc, giá mua tận ngọn, chỉ qua một thương lái, do đó nhà vườn hưởng lợi nhuận cao. Cũng nhờ áp dụng quy trình VietGAP mà giá bán chôm chôm của tổ cao hơn 20% so với chôm chôm sản xuất thông thường”, ông Beo khẳng định. Thanh Hiền Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã