Người dân ấp Tân Quới 1 đắp đất gia cố lề lộ bê-tông. |
Tổ nòng cốt do dân tín nhiệm bầu lên, gồm có tổ trưởng, hai tổ phó (một kinh tế và một hậu cần), hai thành viên kiểm tra tài chính và kiểm tra kỹ thuật), kế toán và thủ quỹ. Hằng tháng, tổ họp định kỳ, các thành viên của tổ báo cáo tình trạng cầu, đường xuống cấp; tổ chức khảo sát, lập bản vẽ và phương án sửa chữa. Việc bảo trì cầu, đường không đợi đến kỳ họp hằng tháng mà khi được người dân báo có đường rạn nứt, sạt lở, cầu sụp móng đột ngột, các thành viên của tổ đến khảo sát và lập kế hoạch sửa ngay. Chi phí sửa chữa cầu, đường phần lớn đều do dân đóng góp. Năm 2012, xã được Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường hỗ trợ 47 triệu đồng, nguồn vốn này được dùng làm "vốn mồi" do xã phân bổ cho các ấp theo mức độ xuống cấp của công trình. Phần vốn còn lại, ấp vận động dân cư, người quê Phước Hiệp công tác, làm ăn nơi khác và doanh nghiệp có tham gia giao thông ở các tuyến lộ giao thông nông thôn tự nguyện đóng góp theo khả năng. Với phương thức này, chín tháng đầu năm 2012, xã và các ấp vận động được 535 triệu đồng, xây dựng xong năm cầu bê-tông và sửa chữa bảo trì 3.250 m đường nông thôn, hiện còn sáu cầu bê-tông đang thi công. Trong đó ấp Tân Quới 1 và ấp An Khánh 2 vận động người dân đóng góp thực hiện được nhiều công trình nhất.
Ở xã Phước Hiệp, kinh phí vận động của ấp do tổ nòng cốt quản lý và chi cho bảo trì cầu, đường. Khi hoàn thành công trình, tổng kết công khai với dân. Người dân được tai nghe, mắt thấy khoản chi phí đã đầu tư cho công trình, nên khi được vận động vốn, họ không chỉ đóng góp theo khả năng mà còn vận động con em, họ hàng làm ăn nơi khác cùng tham gia góp tiền sửa chữa bảo trì cầu, đường phục vụ cho việc đi lại trong ấp, xóm được an toàn dài lâu. Người dân ở Phước Hiệp không chỉ đóng góp tiền mà còn góp ngày công lao động. Thợ hồ là người địa phương có tay nghề cũng tham gia tích cực làm đường không tính tiền công thợ. Anh Phạm Văn Nhân ở tổ 3, ấp Tân Quới 1 là người đã tự nguyện góp năm triệu đồng và gần 50 ngày công bơm cát nền cho tuyến lộ tâm sự: "Mình đóng góp công, của để có đường sạch, đẹp đi chung, con em mình đi học dễ dàng thuận lợi hơn".
Qua thực tế bảo trì cầu, đường nông thôn, Trưởng ấp Tân Quới 1 Trần Ðại Phước cho biết: Trước đây, khi cần sửa cầu, đường, ấp rất lúng túng không biết tìm nguồn vốn ở đâu, nay được vốn mồi của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, những công trình xuống cấp được sửa chữa đúng kỹ thuật, hiệu quả sử dụng dài lâu, người dân phấn khởi, nhiệt tình đóng góp. Ở ấp Tân Quới 1, nguồn vốn vận động được không chỉ đủ bảo trì cầu, đường đang xuống cấp mà còn dôi ra, dùng thi công nhiều công trình giao thông mới.
Ở xã Phước Hiệp, từ khi có tổ nòng cốt bảo trì giao thông nông thôn, khí thế người dân tham gia xây dựng cầu, đường rất sôi nổi. Hằng tháng vào ngày mồng 2 - ngày môi trường của xã, trên các tuyến đường liên xã, liên ấp, xóm đều có đông người tham gia làm cỏ, phát quang cây lá che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông; đắp đất gia cố lề đường. Ở những nơi đường đi cạnh mương rạch có nguy cơ sạt lở, nhân dân tổ chức đóng cừ kè, trồng dừa nước chống xói mòn hư hỏng. Hoạt động của tổ nòng cốt là cơ sở thuyết phục để vận động người dân tham gia bảo trì giao thông nông thôn nâng cấp cầu, đường đạt chuẩn nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã