Đến trụ sở tìm Đinh A Rớ - Bí thư Đảng ủy xã, người ta bảo ông vừa về nhà uống thuốc. Xin số gọi ông, nhưng nghĩ có nhanh thì cũng phải chờ cả tiếng. Cán bộ xã vùng sâu vùng xa mà! Không ngờ chỉ 10 phút chiếc xe máy của ông đã xẹt tới. Nhìn một bên áo buông xỏa, tôi nhận ra ông bị cụt một tay. Đinh ninh là thương binh, hỏi, ông cười ngượng “Tôi bị tai nạn lao động. Cũng là tại về làng. Nhưng đời người ta cũng như con suối, phải có khúc quanh thôi…”. Lại cười. Vẫn một nụ cười khoáng đạt. Gương mặt cháy nắng, bộ râu tua tủa như rễ tre trông ông toát lên vẻ cứng cỏi, kiên nghị. Chuyện vào lúc thân tình, tôi mới hiểu câu nói đầy ngụ ý của ông...
Đinh A Rớ bên “con ngựa chiến” của mình. Ảnh: N.T
"Nói thật thế này: Hiện nhà tôi có 19ha đất đang canh tác gồm 15ha mía, 3ha mì, 1ha bí, không kể 10ha đang trồng keo lai, hơn 100 con bò… Bà con cứ trầm trồ tôi là tỉ phú, là “đại gia” này nọ, tôi chỉ cười thầm. Họ nói thế là biết ghen tị, biết ganh đua làm ăn - cái mà tôi mong mỏi gần hai chục năm trời mới trở thành hiện thực”. Ông Đinh A Rớ |
Đinh A Rớ sinh năm 1957. Cái tuổi ấy đã thuộc một phần về chiến tranh. Cha làm du kích, cậu bé A Rớ suốt ngày theo mẹ lên rẫy làm lúa nuôi Cách mạng. Năm 1976 A Rớ mới được xã cử đi học. 19 tuổi mới bắt đầu lớp 1, xấu hổ lắm mà cũng phải cố. Năng nổ học tập, Rớ được kết nạp Đảng tại trường. Tốt nghiệp bổ túc lớp 12, Rớ xin vào ngân hàng. Thời bao cấp, ngân hàng cũng khổ. Đã vậy làm ở Kon Tum nhưng phải về Gia Lai sinh hoạt Đảng. Xe cộ khó khăn, nhiều lần bị nhỡ sinh hoạt, thế là bị kỷ luật. Tự ái, Rớ xin thôi việc. Cũng may các chú thông cảm cho vào làm văn phòng ủy ban xã. Nghĩ lại thấy mình nông nổi, Rớ quyết tâm phấn đấu để trở về hàng ngũ Đảng… Năm 1995 Rớ được kết nạp lại, trở thành Phó Chủ tịch rồi năm 2006 trở thành Chủ tịch Đăk Kơ Ninh khi tách ra từ xã Ya Ma.
“Hôm được bầu làm chủ tịch xã, trở về nhà tôi suy nghĩ nhiều lắm. Làm phó chủ tịch hai nhiệm kỳ, giờ trở thành chủ tịch mà bà con vẫn cứ mãi nghèo” – giọng A Rớ xa xăm... Nói tại đất cằn nắng lửa nên nghèo, thế nhưng cùng sống trên đất này mà người Kinh đâu có chịu nghèo? Cứ mỗi cây lúa rẫy phó mặc cho trời, rồi người lê la với rượu mà không nghèo sao? Bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần vận động mà sao cứ như nước đổ lá môn. Cái tâm lý sợ khó, sợ đổi thay đặc mất cái đầu rồi… “Trách bà con vậy nhưng rồi nghĩ lại cũng tự mắc cỡ. Mình đã “đổi mới tư duy” đâu? Ông bà nói “có người đi trước mới nên đoàn người”. Mình không làm giàu được trên đồng đất này, nói bà con chịu tin sao?” - A Rớ nghĩ vậy.
“Cuộc cách mạng” tự thân
Kìa, uống nước đi rồi nói chuyện tiếp chớ - A Rớ bật cười vì thấy tôi cứ cắm cúi chép lia lịa đoạn “độc thoại” của ông...
Vậy là ông bắt tay vào hành động. Quyết tâm có thừa nhưng mới bước đi đã thấy lúng túng. Đất Đăk Kơ Ninh chỉ trồng được cây ngắn ngày nhưng là cây gì cho hiệu quả trong khi vốn liếng lại không có? Tình cờ A Rớ làm quen với ông Lê Sự ở thị xã An Khê đang tìm thuê đất. Nghe tôi tâm tình, ông Sự bảo: Anh có đất, tôi có nghề, có vốn, ta chung nhau trồng ớt.
Hồi đó cả vùng này chưa có bóng dáng cây ớt. Dù mù tịt cả cách làm lẫn việc tiêu thụ nhưng A Rớ cứ liều theo… Thật không ngờ 1,5ha ớt của 2 người trúng lớn, thu được tới 150 triệu đồng. Những đồng vốn ban đầu này với A Rớ quý giá vô chừng. Nghe lời khuyên của ông Sự, ông vay thêm ngân hàng mua 10 con bò về nuôi để có nguồn phân bón. Rồi vừa trồng chung ớt, A Rớ vừa nhờ ông Sự chỉ cho cách trồng bắp lai, rau màu…
“Thấy tôi ham việc, ông Sự nhiệt tình chỉ vẻ từng li từng tí. Vừa học ông, tôi vừa tìm học thêm sách báo. Sáu năm ròng rã, cứ ngơi việc xã là trần lưng lăn vào ruộng rẫy, cuối cùng tôi cũng đã có một số vốn kha khá. Bấy giờ tôi mới nghĩ tới chuyện làm ăn lớn hơn” - A Rớ kể.
Cây ngắn ngày tuy dễ làm, nhanh thu hồi vốn nhưng giá cả đều do thương lái định, công lao động nhiều, khó làm được diện tích lớn. Rút lại xem ra chỉ có cây mía nhưng kỹ thuật thì ông chưa biết, lại không rõ có hợp đất không. Đắn đo mãi cuối cùng ông quyết định: Không biết thì học, cứ ngồi trên bờ nhìn nước chảy làm sao qua được suối… Đến Nhà máy đường An Khê tìm hiểu, nghe A Rớ băn khoăn, ông giám đốc cười bảo: Vốn, giống chúng tôi lo; kỹ thuật sẽ có người đến tận ruộng chỉ bảo. Vấn đề là anh có chịu làm không thôi… Mừng quá rồi, ông đăng ký làm luôn 5ha. Đất mới, năng suất mía đạt tới 120 tấn/ha. Trừ chi phí ông lãi được 100 triệu đồng. “Mừng hết nói, tôi làm dấn luôn 15ha, Cuộc sống gia đình tôi “sang trang” bắt đầu từ đó” - A Rớ nhớ lại.
Và cuộc “truyền lửa” từ làng Nhang lớn…
Chẳng phải đợi đến lúc có của ăn của để thì A Rớ mới vận động bà con. Sau khi bắt tay trồng chung ớt với ông Lê Sự thành công, nghĩ việc sờ sờ đó rồi chắc bà con sẽ nghe, nào ngờ đến làng nào cũng nói, rát cổ mà chẳng ai theo. Đã vậy có người còn nói kháy “ông cứ làm siêng đi mà ăn gạo đỏ; tôi biếng thì ăn gạo trắng thôi” (gạo trắng là gạo cứu đói của Nhà nước; gạo đỏ là lúa rẫy của đồng bào, cơm cứng không ngon). Thất bại, A Rớ ngẫm thấy nếu chỉ mỗi mình nêu gương thì còn lâu bà con mới chịu nghe. Để đả phá cái thành trì bảo thủ, ngại khó này thì phải cuốn họ vào guồng quay nhỏ, từ từ rồi chuyển sang guồng quay lớn một cách kiên nhẫn, không nóng vội mới nên… Vậy là đầu tiên ông nhờ những ông A Mênh, Đinh Nhân, Klei… đi làm thuê cho ông. Họ là những người siêng năng, có đất đai nhưng nghèo vì không biết cách làm ăn.
A Rớ bảo: Nói “làm thuê”, thực ra là tôi tự trả tiền để “tập huấn” cho họ. Vào cuộc, tôi hướng dẫn tỉ mỉ trồng bắp, trồng bí thì ra giống, tưới nước, phun thuốc lúc nào; trồng mía thì làm đất, bón phân ra sao và bắt họ làm đúng như thế. Khi thạo việc rồi, tôi khích họ hãy làm theo tôi để thoát cái nhục đói nghèo. Hiệu quả không ngờ là các ông không những chịu nghe, làm theo mà còn làm lớn. Như ông A Mênh một lúc bung ra làm 5ha mía, mì…
Thành công với người siêng, A Rớ quay sang “thanh toán” các anh lười. Cũng với cách làm trên nhưng ông trả công cao hơn để khuyến khích, đồng thời nhờ các ông đã được “giác ngộ” giúp nói vào… Như vệt dầu trên nước, phong trào kèm cặp nhau trong làng cứ thế lan dần. Khi thấy nhiều người đã chịu làm, A Rớ tiến thêm một bước bằng việc thành lập các tổ đổi công. Các tổ này cứ mỗi người siêng được giao nhiệm vụ kèm cặp vài ba anh lười… Cái thói cứ khi nào thích thì bỏ việc rồi túm tụm uống rượu vậy là chẳng còn lúc nào mà thực hiện nữa ! Để khuyến khích những hộ chịu làm ăn, ông cho họ nhận bò nuôi rẽ… Cũng nói thêm là bao năm làm lụng có tiền dư, A Rớ không gửi ngân hàng mà dồn lại mua 75 con bò để giúp các hộ nghèo tạo vốn…
Với những biện pháp ấy, từ năm 2010 làng Nhang Lớn bắt đầu chuyển động để rồi quãng 3 năm trở lại đây, từ một ngôi làng nghèo đói nhất xã, cả 136 hộ đều đạt mức sống từ trung bình trở lên. Hộ nghèo chỉ còn chưa đầy chục do hoàn cảnh già yếu, neo đơn…
Một lối đi đầy gian khó và nhọc nhằn nhưng đã chứng minh cách làm của A Rớ là rất đúng… Năm 2016 Đinh A Rớ được bầu làm Bí thư Đảng ủy Đăk Kơ Ninh. Cương vị mới đảm bảo cho ông tiếp tục triển khai ra toàn xã cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc theo mô hình làng Nhang Lớn” của mình… “Không phải mọi chuyện sẽ suôn sẻ nhưng tôi cũng đã có được nhiều bài học. Những làng ì như T’Kắt, chi bộ, thôn trưởng được giao phụ trách trực tiếp các tổ vận động, tổ đổi công. Mọi việc đã sẵn sàng, chỉ chờ thời vụ đến là ra quân - A Rớ cười tự tin…
Chuyện vãn, A Rớ bảo tôi đến thăm nhà cho biết. Quả như lời ông, làng Nhang lớn đã đổi thay đến mức ngỡ ngàng. Dọc mỗi con đường bê tông, đâu cũng san sát những căn nhà sàn to rộng, kiểu cách. Nhà A Rớ nằm ngay bên lối rẽ ra đồng. Khoảng sân rộng chật ních những cày bừa, máy móc… Thấy tôi ngạc nhiên, ông bảo: Tôi tuy một tay nhưng từ sửa chữa, điều khiển máy móc cho đến bón phân cuốc cỏ, gì cũng làm được tất… Phải chăng đó cũng là điều ông khiến người ta phải suy nghĩ khi nhìn lại mình?
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã