Năm 1997, chàng trai Lầu Sy Sương chính thức tốt nghiệp đại học. Chuyện tưởng chẳng có gì to tát nhưng đối với gia đình anh đó là cả một niềm tự hào. Bởi, ở vùng quê nghèo này, việc một thanh niên người dân tộc thiểu số-dân tộc Nùng theo học đại học là chuyện hiếm xưa nay. Anh Lầu Lý Sương bộc bạch “Ở quê mình, chuyện một thanh niên người dân tộc đi học đại học thì thật sự hiếm. Phần lớn họ cao lắm chỉ theo học hết lớp 12 là quay về làm vườn hoặc đi làm công nhân cho các công ty”.
Vườn bưởi da xanh của anh Lầu Sy Sương khiến ai cũng mê, kể cả 1 đầu mối trồng, tiêu thụ bưởi da xanh lớn ở miền Tây lên xem cũng gật đầu cái rụp công nhận bưởi ngon, đẹp.
Với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin, anh Sương rời TP. Hồ Chí Minh về Bà Rịa- Vũng Tàu mở một Công ty kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông. Tuy là ông chủ của một doanh nghiệp, nhưng một “tình yêu” lớn với những vườn cây ăn trái vẫn không ngừng chảy trong anh. “Xuất thân là con nhà nông nên tôi có một niềm đam mê cháy bỏng với những vườn cây”. Chính vì vậy, ngoài những giờ làm việc tại Công ty, hầu hết thời gian rảnh rỗi anh Sương đều dành để đi tham khảo các quy trình trồng, thu hoạch, giá cả và thị trường tiêu thụ các sản phẩm trái cây.
Năm 2010, khi những khó khăn bắt đầu ập đến với Công ty của mình, niềm đam mê ruộng vườn lại thôi thúc anh đến với một sự lựa chọn khó khăn: tiếp tục bám trụ với Công ty hay về quê làm giàu với ruộng vườn.
“Để xây dựng được một Công ty, tồn tại và phát triển trong 13 năm là không dễ dàng. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định rời bỏ Công ty để về làm vườn”, anh Lầu Sy Sương kể. |
Anh Sương nhớ lại, bỏ chức giám đốc Công ty của mình, nhế nhưng, sự “trở về” lại diễn ra không hề êm ả như anh đã nghĩ trước đó. Theo anh Sương, là người dân tộc hiếm hoi học đại học, mở Công ty nên khi anh quay trở về quê để làm rẫy đã khiến anh chịu không ít dị nghị. “Lúc đó nhiều người thấy tôi là cười, gặp là họ lại hỏi sao đi học tốn tiền rồi lại về làm rẫy?”, anh Sương kể.
Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời bàn tán, Lầu Sy Sương bắt tay ngay vào việc cải tạo vườn bưởi của gia đình. Lúc mới trở về, anh chỉ làm vì niềm đam mê, thì giờ đây khát khao chứng tỏ “làm giàu từ nông nghiệp” để “đáp trả” những dị nghị như càng khiến anh trở nên mạnh mẽ hơn.
Không làm giám đốc vẫn thu tiền tỷ
Theo anh Sương, gia đình anh vốn đã có sẵn 6ha rẫy trồng các loại cây ăn quả, trong đó có một nửa diện tích trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, do canh tác theo lối cũ “ăn nhiều thứ” trên cùng một diện tích vườn nên dù có nhiều sản phẩm nhưng năng suất lại không cao, không có cây nào là cây trồng chủ lực. Chính vì vậy, ngay từ đầu anh Sương đã có suy nghĩ phải cải tạo lại vườn.
Nghĩ là làm, anh quyết định chặt bỏ hết các loại cây tạp và trồng tiếp 3 ha bưởi da xanh. Anh Sương chia sẻ “Lúc trước bưởi Năm roi mới được giá. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2010 bưởi da xanh lại được người dùng ưa chuộng vì khi ăn không bị dính tay, có vị ngọt không đắng, không chua và để được lâu. Do đó, tôi quyết định phát triển loại cây này”.
Nhờ sản xuất theo lối chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật nên chỉ sau 1 năm, anh Lầu Sy Sương đã nâng được năng suất của vườn bưởi lên gấp đôi. Và chỉ 2 năm sau vườn bưởi của anh đã cho năng suất cao gấp 3 lần so với hồi trồng tạp nham. Theo đó, nếu như trước đây mỗi năm 1 ha bưởi của gia đình anh chỉ cho năng suất khoảng 10 tấn, hiện tại thì đã đạt được khoảng 30 tấn.
.Anh Lầu Sy Sương bên vườn bưởi da xanh mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Đặc biệt nhờ áp dụng "KỸ THUẬT TẠO MẦM BÔNG" nên từ chỗ mỗi năm chỉ thu hoạch 2 vụ thì giờ đây vườn bưởi da xanh của gia đình anh cho thu hoạch quanh năm. Theo anh Sương, trước đây gia đình anh trồng bưởi theo kiểu “tự nhiên” có quả thì hái bán, không có thì đành chịu vậy, nên mỗi năm chỉ thu 2 vụ (vào tháng 8 âm lịch và Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, khi áp dụng "KỸ THUẬT TẠO MẦM BÔNG" thì cây bưởi có thể cho trái quanh năm. “Sau khi cắt trái xong là mình bỏ phân liền kết hợp tưới nước thì khoảng 1 tháng sau là cây ra bông. Chứ trước đây cắt trái xong là để vậy chờ ra quả theo tự nhiên, nó cũng ra vài bông rồi rụng nên hiệu quả không cao”.
Bên cạnh đó, những kinh nghiệm thị trường mà anh dày công tìm hiểu lúc còn làm doanh nghiệp đã giúp anh nhận ra một điều: Sản phẩm muốn bán được với giá cao thì phải sạch và bắt mắt. Từ suy nghĩ đó, anh Sương đã chuyển hẳn sang sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Phân hóa học chỉ được sử dụng cho quá trình tạo mầm bông, sau đó trong suốt quá trình nuôi trái cũng như chăm sóc cây đều sửu dụng phân hữu cơ.
“Lúc tôi mới bỏ Công ty về làm rẫy nhiều người nói vui làm rẫy sao mua được xe hơi như làm giám đốc. Thế nhưng, chỉ 3 năm sau tôi mua xe hơi thật. Lúc này họ lại chọc, bảo tôi vay tiền mua xe để làm…sang. Vậy nhưng, khi tôi trồng tiếp 10 ha bưởi da xanh thì mọi người mới công nhận có thể làm giàu từ làm rẫy thiệt..”, anh Sương vừa kể vừa cười phấn khởi. |
Nâng được năng suất cũng như chất lượng vườn bưởi, tuy nhiên bán cho ai lại là câu hỏi khiến anh Sương phải vò đầu suy nghĩ. Theo anh Sương, từ hàng chục năm qua gia đình anh chỉ biết bán bưởi cho một thương lái trong vùng. Tuy nhiên, do người này chỉ buôn bán thời vụ nên thường xuyên ép giá mỗi vụ thu hoạch. “Giá thị trường 12.000 đồng/kg nhưng họ cũng chỉ mua cho mình có 5.000 đồng/kg. Biết bán hớ nhưng không bán cho họ thì lại không biết bán cho ai”.
Quyết tâm không “bán rẻ” những sản phẩm mà mình đã vất vả làm ra, anh Sương lại cắp ba lô xuống miệt vườn miền Tây tìm mối bán bưởi. Bị thuyết phục bởi những lời giới thiệu của anh, một nhà vườn lớn tại đây đã quyết định theo anh lên “xem” hàng. Ngay sau khi tham quan vườn bưởi nhà vườn này ngay lập tức đặt vấn đề thu mua lâu dài toàn bộ vườn bởi của gia đình với giá thị trường.
Chia sẻ về thành công này anh Sương cho biết, họ từ miền Tây lên thấy cây bưởi da xanh phải trèo mới hái được thì rất bất ngờ. Bởi ở miền tây cây bưởi nhỏ chỉ đứng dưới đất là có thể dùng kéo cắt. “Vì vậy nhìn những cây bưởi to lớn, trái đầy cành họ bất ngờ lắm, khi được ăn thử thì họ đặt vấn đề mua lâu dài luôn.
Vượt qua những khó khăn, dị nghị ban đầu, giờ đây, quyết định về làm vườn của anh Sương đã được đền đáp bằng nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ vườn bưởi da xanh. Theo anh tính toán, với mức giá trung bình khoảng 25.000 đồng/kg, năng suất mỗi ha bưởi khoảng 30 tấn/năm, mỗi năm, vườn bưởi 6 ha mang về nguồn thu nhập hơn 4 tỷ đồng.
Không những vậy, nhờ nguồn vốn tích cóp từ vườn bưởi sẵn có, hiện anh đã mở rộng thêm 10 ha bưởi da xanh tại Bình Phước và sau khoảng 1 năm nữa sẽ cho thu hoạch vụ đầu. Với anh Sương, 10 ha bưởi sắp thu hoạch chính là câu trả lời cho những dị nghị và đàm tiếu mà anh gặp phải lúc mới bắt tay làm…nông dân.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã