Chỉ xuống khu ao, ông Đào Xuân Hiển, thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết, dưới đáy ao toàn đá. "Tuy đất đá, tốn nhiều công sức để đào, lập ao, nhưng bù lại khi chăm sóc cá lại dễ dàng, nuôi mau lớn. Bởi lớp đá có khả năng làm mát và giữ nhiệt độ ao ổn định khi thời tiết oi bức hay lạnh giá. Thêm vào đó, đá thường tạo rêu, cung cấp nguồn thức ăn giúp cá phát triển nhanh..."
Từ vùng đất đá cằn cỗi, không thể sản xuất nông nghiệp được, ông Đào Xuân Hiển đã chịu khó đầu tư, cải tạo và biến "vùng đất chết" này “sống lại” với mô hình ao cá giống và cá thương phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Qua giới thiệu của Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, chúng tôi tìm gặp ông Đào Xuân Hiển và được biết ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Năm 1997, gia đình ông vào vùng đất Ninh Sơn để lập nghiệp. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, để trụ lại vùng đất này, 2 vợ chồng ông kiếm sống bằng nghề làm thuê, tích góp được vốn nên đã mua được 5 sào đất.
Suốt 10 năm qua, gia đình ông Hiển canh tác cây lúa, nhưng đất cằn cỗi nên lúa phát triển rất chậm, cho năng suất thấp, kinh tế gia đình càng ngày khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng ông Hiển đi học hỏi khắp nơi, rồi quyết định về đào ao, nuôi cá trên diện tích 3 sào, thả 4 loại cá: rô phi đơn tính, trắm cỏ, cá chép và cá mè. Sau 3 năm nuôi, ông nhận thấy vùng đất này chỉ thích hợp để nuôi cá, vì vậy đã mở rộng thêm diện tích 2 sào ao nuôi cá giống cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Hiển chia sẻ: Tuy đất đá, tốn nhiều công sức để đào, lập ao, nhưng bù lại khi chăm sóc cá lại dễ dàng nuôi mau lớn. Bởi lớp đá có khả năng làm mát và giữ nhiệt độ ao ổn định khi thời tiết oi bức hay lạnh giá. Thêm vào đó, đá thường tạo rêu, cung cấp nguồn thức ăn thêm giúp cá phát triển nhanh.
Đều đặn mỗi năm 2 lần, các tiểu thương từ Lâm Đồng đến tận ao ông Hiển thu mua với giá bán từ 40-50 ngàn đồng/kg cho cá thương phẩm và 130 ngàn đồng/kg đối với cá giống. Ông Hiển cho biết thêm: Nuôi cá phải nắm bắt thị trường tiêu thụ, khách hàng yêu cầu mua loại cá nào mình nuôi loại cá đó. Bên cạnh đó, giá cá nước ngọt thương phẩm luôn ổn định, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, nông dân có thể yên tâm bám ao để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, mà mỗi năm, trừ mọi chi phí đầu tư, gia đình ông Hiễn có lãi trên 200 triệu đồng. Mô hình nuôi cá hiệu quả, được nhiều người dân trong huyện tìm đến học tập kinh nghiệm, ông Hiển sẵn lòng chia sẻ.
Ông Lê Văn Nhứt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, nhìn nhận: 4 năm về trước, thôn Tân Lập 2 ồ ạt mở rộng mô hình nuôi cá nước ngọt với diện tích hơn 60 ha, nhưng không đạt hiệu quả, bà con dừng sản xuất. Chỉ có mô hình nuôi cá trên nền áo đất đá của ông Hiển vẫn duy trì ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, từ hộ gia đình kinh tế khó khăn, giờ đây đời sống gia đình ông Hiển trở nên khá giả. Hơn thế nữa, gia đình ông còn là hộ nông dân sản xuất giỏi, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.