Ngành tôm VN cần những chính sách hỗ trợ như giảm thuế nhập khẩu để giảm giá thành, tăng cạnh tranh với các nước khác - Ảnh: TRẦN MẠNH |
Thay vì được xếp vào nhóm “thức ăn nuôi tôm” với thuế suất nhập khẩu là 0%, các loại artemia vừa được cơ quan hải quan đưa vào nhóm “sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác” và áp mức thuế nhập khẩu là 5%, đồng thời truy thu cho cả các lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.
Bỗng dưng bị truy thu thuế
Những ngày qua ông Trương Hữu Thuận, giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thuận) phải chạy đi chạy lại giữa Bình Thuận và TP.HCM để giải trình và đóng thuế đối với các lô hàng artemia (động vật phù du) nhập về làm thức ăn cho tôm giống. Theo ông Thuận, sản phẩm này vừa bị Hải quan TP.HCM áp mức thuế nhập khẩu lên tới 5%, thay vì được hưởng thuế ưu đãi 0% như trước.
Đặc biệt, cơ quan hải quan còn yêu cầu các DN khai báo những lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước để truy thu thuế nhập khẩu. “Không chỉ phải đóng thuế mới, chúng tôi còn bị phạt và có nguy cơ bị khóa cửa hải quan, không thể nhập khẩu cả thức ăn lẫn tôm giống bố mẹ để sản xuất trong thời gian tới nữa” - ông Thuận cho biết.
Theo ông Thuận, việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm artemia không khác gì việc “bỏ con tôm bắt con tép” vì thuế thu được không đáng bao nhiêu so với nguồn thu ngân sách, trong khi sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất tôm giống và tôm thịt của VN thời gian tới. “Tăng thuế tức là giá bán cao hơn, người sản xuất và người dân sẽ chuyển sang dùng thức ăn thông thường thay vì artemia, chất lượng tôm giống giảm và dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Thuận cảnh báo.
Không chỉ riêng Công ty Anh Việt, hàng trăm công ty khác sản xuất tôm giống, cá giống cũng trong tình trạng tương tự bởi artemia là loại thức ăn chất lượng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng con giống. Trong khi đó, artemia ở VN sản xuất chưa nhiều và chất lượng thấp, các DN buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Asean... với giá từ 2-3 triệu đồng/kg.
Ông Trương Hữu Thông, giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận (Tuy Phong, Bình Thuận), cho rằng việc truy thu thuế nhập khẩu đối với sản phẩm này sẽ làm khó cho các DN. Bởi với mức thuế 0% trước đây, DN đã làm giá bán và tính toán giá thành nuôi tôm giống trong những năm qua. Nếu bị truy thu thuế, DN phải tự móc tiền túi ra nộp vì không thể đòi khách hàng, chưa kể hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thành tăng.
Trước những phản ảnh của các DN sản xuất tôm giống, ngày 2-8 vừa qua, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét lại việc truy thu thuế nhập khẩu 5% với thức ăn tôm giống artemia vì đây là thức ăn dùng cho sản xuất giống thủy sản, đối tượng ưu đãi đầu tư sản xuất. Tổng cục Thủy sản cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, phê duyệt áp mã số thuế đối với sản phẩm trứng artemia thuế suất 0%.
Làm suy yếu khả năng cạnh tranh của tôm VN
Theo Bộ NN&PTNT, các DN sản xuất tôm giống là đối tượng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển thông qua nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với con giống và thức ăn nuôi thủy sản. Vì vậy, việc áp dụng thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng artemia không đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, mà sẽ gây tác động xấu đến chất lượng tôm giống do các DN có thể chuyển sang sử dụng thức ăn nhân tạo để tiết kiệm chi phí, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.
Chưa hết, các quốc gia có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển đều áp thuế suất nhập khẩu sản phẩm này với mức thấp (Malaysia 0%, Hoa Kỳ 0-0,8%, Úc 0-2,5%...) nhằm hỗ trợ việc phát triển tôm giống chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh trên tôm thịt.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh trứng artemia có vai trò rất quan trọng gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở VN, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ như nâng cao sức sinh trưởng, phát triển, tỉ lệ sống và tính ổn định của ấu trùng.
Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết ngoài số lượng trứng artemia sản xuất trong nước, hằng năm VN vẫn phải nhập khẩu khoảng 160 tấn trứng artemia để phục vụ sản xuất 80 tỉ tôm giống nước lợ và một số đối tượng thủy sản khác.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu artemia của VN trong năm 2015 hơn 30 triệu USD chủ yếu từ Asean (17,9 triệu USD), Mỹ (12,3 triệu USD). Nếu áp mức thuế 5% với sản phẩm này, số thuế nhập khẩu thực tế không đáng kể trong khi ngành tôm có giá trị xuất khẩu lên đến trên 3 tỉ USD mỗi năm.
Trong khi đó, artemia lại là nguồn thức ăn cực kỳ quan trọng giúp tôm giống phát triển nhanh, khỏe mạnh, ít dịch bệnh đã được chứng minh trong hai ba năm trở lại đây. VN hiện vẫn chưa sản xuất được artemia chất lượng cao nên các DN vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu.
Theo tính toán của ông Trương Hữu Thuận, việc tăng thuế từ 0% lên 5% sẽ làm giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tăng từ 10-15%, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm VN. “Lẽ ra cần hỗ trợ để thúc đẩy gia tăng chất lượng nguồn giống thủy sản trong nước, giảm dịch bệnh và giá thành, thay vì tận thu một ít thuế mà làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm” - ông Thuận khuyến cáo.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị ban hành dòng thuế riêng với mặt hàng trứng artemia để hỗ trợ người sản xuất giống thủy sản.
Theo VASEP, với tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ phục vụ chế biến, việc sản xuất tôm giống để tự cung đang được khuyến khích nhằm giúp người nuôi và DN tự chủ về nguồn giống khỏe mạnh. Do đó, cần có chính sách phù hợp để tránh tăng thuế đối với mặt hàng artemia dùng làm thức ăn nuôi tôm của các DN trong nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã