Học tập đạo đức HCM

Chuyên gia Lân Hùng: Vào TPP, nông dân Việt chọn gì để 'tha hồ mà bán'?

Thứ hai - 15/09/2014 22:48
TPP là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Một khi Việt Nam đã vào TPP là chúng ta đã ra biển lớn. Không nên chỉ ngồi chờ Nhà nước, các chủ trang trại và nông dân chúng ta phải sẵn sàng và chủ động để vượt qua bão tố thì mới vươn tới thành công.
TPP là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Trong hiệp định đó thì có nhiều điều khoản nhưng điều khoản quan trọng nhất mà bà con ta cần biết là hàng hóa giữa các nước trong hiệp định được tự do qua lại, thuế xuất nhập khẩu sẽ về “không”. Vậy, ta mừng hay lo?!

Nhông cát - một loài vật nuôi làm giàu mới của nông dân vùng ven biển. 
 
Khi vào TPP rồi, nếu có món hàng gì thì ta đều có thể được sung bán cho các nước bạn mà không bị thuế quan cản trở. Bạn cũng vậy, họ có thứ gì đều có quyền đưa sang ta bán thoải mái. Hàng hóa sẽ giao lưu tấp nập, tha hồ mua bán. Giá cả do thị trường quyết định.
 
Hàng càng quý hiếm, càng tốt thì giá càng cao, tha hồ mà bán. Nhưng nếu hàng xấu, hàng kém chất lượng, nông sản mà còn tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật… thì có khi, mình lại tự giết mình. Chính đây là điều mà chúng ta phải quan tâm và bàn bạc.
 
Không độc đáo, bạn sẽ thắng ta
 
Trên truyền hình người ta đưa tin, bà con ở Yên Bái, nhiều nhà chặt cây chè đi để trồng cam. Họ cho biết, thu nhập từ chè kém quá, trong lúc, trồng cam lại có lãi nhiều hơn nên họ đã quyết định chuyển đổi.
 
Có thể họ đã thấy ở Cao Phong (Hòa Bình) có những gia đình thu bạc tỷ chỉ nhờ trồng cam trên đồi. Đấy là một sự thật. Không phải chỉ có một người mà nhiều nông dân đã thu lớn từ cam. Thế nhưng, nếu ta đã vào TPP thì cam của ta sẽ phải cạnh tranh với cam của nhiều nước khác trong hiệp định, trong đó có Mỹ. 
 
Tôi đã sang thăm Mỹ và tới thăm những vườn cam rộng lớn ở California. Họ chủ yếu canh tác bằng cơ giới. Cam của họ năng suất rất cao và chất lượng thì tuyệt hảo. Tuy là cam nhưng có thể bóc vỏ như quýt. Quả mọng nước, không có xơ, không có hạt và ngọt lừ. Ăn nó thật mê hồn! Vì họ cơ giới hóa hầu hết công việc cho nên giá cả có khi rất rẻ.
 
Vì vậy, cam của ta sẽ phải cạnh tranh với cam Mỹ. Họ sẽ mua cam ta hay cam Mỹ? Đây là bài toán mà ta phải tính tới (nếu có nhà chiến lược nào tính trước được cho bà con thì càng tốt!). Không lý tới lúc đó, ta lại chặt các cây cam có hạt đi để trồng lại giống cam không hạt!
 
Cam Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh  Tư liệu.
 
Nêu ra các ví dụ này để bà con ta thấy rằng, vào TPP đâu chỉ có ngọt ngào, phẳng phiu mà cũng sẽ gặp rất nhiều cay đắng và chông gai. Ta không hoang mang nhưng cũng không được mơ hồ. Điều quan trọng là ở mỗi người, mỗi gia đình đều phải có quyết tâm rất cao, suy nghĩ rất thận trọng để cùng đất nước tiến vào thời kỳ hội nhập. Thương trường là chiến trường! Thắng, thua đều do ta chuẩn bị tốt hay chưa tốt.
 
So với nhiều nước, ta ưu việt hơn họ về khí hậu, đất đai và tài nguyên. Nhật Bản và Hàn Quốc là những vùng đất khô cằn, băng giá và rất sẵn núi lửa và sóng thần. Hệ động, thực vật của họ rất nghèo nàn. Vì vậy, họ phải đi vào khoa học và cố gắng cật lực để áp dụng công nghệ cao. Nhiều nơi, rau, hoa, quả họ đem vào trồng trong nhà.
 
Ấy thế nhưng, chúng lại rất tốt, tốt hơn nhiều trồng ở ngoài ruộng. Có loài rau, từ lúc trồng tới lúc được ăn chỉ mất 15 ngày. Rau xanh mơn mởn, mỡ màng và hoàn toàn sạch. Nếu loại rau ấy mà được xuất sang mình để bán thì chưa biết chừng… họ lại thắng ta!
 
Hoa quả thì khỏi phải nói. Không hiểu sao, mít, ổi, xoài, na, đu đủ, sầu riêng… của Thái Lan luôn luôn ngon hơn của ta. Ta toàn lấy giống của họ về trồng. Vậy, chỉ riêng khu vực Đông Nam Á thôi, ta lấy loại quả nào để thi thố với bè bạn?!
 
Ngay nước Lào anh em, lâu nay làm ăn cũng còn rất vất vả. Thế nhưng, bầu Đức dúng tay vào là đã cứu được họ dậy. Năng suất mía của Lào tăng gần gấp đôi của ta. Bầu Đức còn trồng ngô, trồng cọ dầu và nhiều loại cây khác bằng công nghệ tiên tiến. Ông còn định lập trại bò sữa lớn nhất vùng với 200.000 con. Cứ đà này thì Lào có khi sẽ vượt ta! Giá nông sản của họ sẽ rẻ hơn và sẽ bán chạy hơn…
 
Nói ra, dễ gây bi quan nhưng vào giai đoạn này, dứt khoát chúng ta phải lường trước và cần phải có quyết tâm rất cao.
 
Vậy, làm gì để chung sống với TPP?
 
Tôi không phải là nhà chiến lược! Tuy nhiên, do thường xuyên được tiếp xúc với bà con trong cả nước nên chúng tôi phát hiện được rất nhiều đối tượng hấp dẫn mà chúng ta có thể đưa ra để thi thố với thiên hạ.
 
Gạo Xén-cù (Mường Thanh, Điện Biên) ai đã ăn một lần đều nhớ mãi.
 
Đối với cây lương thực, ở vùng nào cũng có những giống lúa thơm đặc sản. Gạo Mường Thanh, gạo Xéng-cù ai đã ăn một lần đều nhớ mãi. Nếu ta tập trung nâng chất lượng lên thêm cho những giống gạo thơm của ta thì có thể đưa nó ra thế giới được không? Đã có ai so sánh khoai lang Nhật Bản với khoai lang Nghệ của ta chưa? Ta có giống khoai nào ngon hơn khoai của họ không?
 
Khi lên Lạng Sơn, ai cũng cố mua một vài cân khoai sọ ở vùng này về để làm quà. Khoai sọ Lạng Sơn vừa thơm, vừa ngon lại rất bở. Ở Mỹ, khoai sọ rất phổ biến. Họ còn chế biến nó thành bánh, thành kẹo để bán. Giống lúa miến tím (Shorgum) của ta tuy năng suất thấp nhưng lại dẻo như xôi và có hương vị rất đặc sắc. Có ai nghĩ tới việc trồng và chế biến lúa miến tím chưa?...
 
Quả sấu - nguyên liệu tạo nên thức uống tuyệt vời cho mùa hè
 
Chúng tôi đã làm cuộc “di thực” cây sấu vào miền Trung. Trước đây, nó chỉ mọc ở phía Bắc. Nhưng nay đưa vào tận Khánh Hòa mà nó vẫn mọc tốt. Sấu là cây lâm nghiệp đa tác dụng. Ngoài nhiệm vụ là cây lâm nghiệp, nó còn làm cây bóng mát và cho ta thu hoạch quả. Ta cứ coi thường chứ quả sấu có vị thơm chua rất độc đáo.
 
Nhiều bạn nước ngoài ăn canh sườn nấu với sấu đều khen hết lời. Nếu ta dùng quả sấu để chế biến ra các loại mứt, các loại gia vị và nước giải khát thì vị thế của nó sẽ nổi như cồn. Đừng coi thường giá trị của quả sấu.
 
Ở phía Bắc, ta còn có cả cây trám. Người Trung Quốc sang vét sạch quả trám của ta để đưa về chế biến ra rất nhiều loại mứt. Họ đã từng giành giải vàng từ một loại kẹo làm bằng trám trong một Hội chợ quốc tế ở Thượng Hải.
 
Quả trám - món ăn ngon dân dã có nhiều ở miền núi.
 
Ngoài ra, quả nhót, quả dứa và nhiều loại quả có vị chua của chúng ta còn có thể chế ra những sản phẩm nào? Nếu bà con ta để tâm vào, chắc sẽ có được những sản phẩm hấp dẫn. Tôi nói vậy để chúng ta cùng suy nghĩ. Hãy táo bạo và đột phá ngay với những đối tượng hoa quả quanh ta. 
 
Ai sáng tạo, người đó sẽ thắng!
 
Hãy sẵn sàng và chủ động
 
Nông dân chúng ta thường chỉ nuôi quanh quẩn có mấy loại như trâu, bò, lợn, gà. Thế nhưng bây giờ đã xuất hiện rất nhiều giống mới. Riêng chỗ chúng tôi cũng đã giới thiệu tới hàng chục loài cho bà con. Rất nhiều gia đình đã nuôi thành công. Gần đây, anh nông dân Tô Quang Dần ở tít tận Lục Nam, Bắc Giang đã nuôi vịt trời.
 
Nhiều nơi đã tới tham quan, học hỏi và đưa giống về nuôi. Họ đều nuôi thành công. Sao không ai nghĩ tới việc lớn hơn là sẽ xuất khẩu vịt trời!? Thế giới mê loại thịt này lắm! Ngoài ra, ta còn có ngỗng trời, le le, vịt uyên ương và hàng loạt chim nuôi khác. Những người nuôi trĩ đỏ, nuôi công đều thắng lớn. 
 
Vịt trời đã được một nông dân Bắc Giang thuần hóa thành vật nuôi
 
Ở Hà Nam, người ta nuôi ngan lai để lấy gan làm pa-tê. Một buồng gan mà nặng tới 1,2kg và bán được cả triệu đồng. Vậy, ta có phát triển được nghề này hay không?
 
Tại Trung tâm Vịt Đại Xuyên còn có giống vịt biển nuôi được cả ở vùng nước mặn. Thế còn ở Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương họ đang phổ biến cách nuôi bồ câu Pháp, nuôi đà điểu và nuôi hàng loạt giống gà mới có năng suất và chất lượng cao. Nếu ta để ý nghe ngóng, ta sẽ thấy có rất nhiều việc cần làm…
 
Ta còn có thể kể ra vô vàn công việc mà bà con ta có thể làm được (kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến). Tuy nhiên, tùy từng vùng, từng địa phương và tùy từng gia đình mà chúng ta cần định hướng để chọn ra những phương cách sản xuất thích ứng nhất với thời kỳ hội nhập. Khi đã vào TPP là chúng ta đã ra biển lớn. Phải sẵn sàng và chủ động để vượt qua bão tố thì bà con chúng ta mới vươn tới thành công.
 
Nguyễn Lân Hùng (Trang Trại Việt)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập417
  • Hôm nay65,371
  • Tháng hiện tại770,484
  • Tổng lượt truy cập90,833,877
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây