Kinh tế nhà nước: chủ đạo hay không?
Liên quan đến Điều 54 trong dự thảo, đại biểu (ĐB) Bùi Đức Thụ (Lai Châu) ủng hộ phương án 2, theo đó tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN” của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, điều này không có gì mâu thuẫn hoặc cản trở sự phát triển kinh tế thị trường. Khái niệm khiến ông Thụ băn khoăn là thành phần kinh tế “có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” (FDI). “Về lý luận, các thành phần kinh tế được phân biệt dựa trên đối tượng chủ sở hữu chứ không phụ thuộc vào địa lý. Nên coi khu vực này cũng là kinh tế tư nhân. Vả lại, chủ trương của chúng ta cũng là đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế; không cần phải phân định riêng khu vực này cũng như dành cho nó những ưu đãi riêng biệt”, ĐB Bùi Đức Thụ (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH) bình luận.
Đóng gói cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Nam Việt (Cà Mau). Trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp một phần rất quan trọng bên cạnh kinh tế nhà nước. Ảnh minh họa: Thái Bằng |
Bên cạnh đó, ông Thụ cho rằng, quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công là chưa đủ, cụ thể là bị sót mảng tài sản của nhà nước nằm trong các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, ông đề nghị cần quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với mọi nguồn lực tài chính và tài sản của Nhà nước.
Có cùng quan điểm ủng hộ việc quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lập luận: “Việc thành phần kinh tế nhà nước hiện nay hoạt động kém hiệu quả là do thể chế có những vấn đề chưa rõ, công tác quản lý điều hành kém chứ không phải là do “vai trò chủ đạo”.
Tuy nhiên, một số ĐB khác, trong đó có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại bày tỏ đồng tình cao với cách thể hiện của phương án 3, theo đó "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế". Theo Chủ tịch VCCI, các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập như vậy là đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp.
Đảm bảo thống nhất các quy định pháp luật về đất đai
Các ý kiến ĐBQH về Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đều nhất trí quy định quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà nhà nước là chủ thể được toàn dân giao quyền sở hữu. ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay thì quy định đa sở hữu về đất đai sẽ làm rối tình hình.
Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn còn băn khoăn về việc Nhà nước tiến hành thu hồi đất trong một số trường hợp. Cách thức được đề nghị là đối với các dự án phát triển kinh tế, Nhà nước cần đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá thu hồi đất và giá đấu thầu được Nhà nước điều tiết, sử dụng vào chính sách tái thiết hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, cần thống nhất những quy định trong Hiến pháp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan...
ANH PHƯƠNG
theo sggp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã