Đề cập đến nguồn cung và giá cả các sản phẩm chăn nuôi dịp tết Nguyên Đán, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: Ngoài khó khăn riêng của những người chăn nuôi lợn, năm nay các sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước trong năm qua. Ngành chăn nuôi gia cầm, ngành trứng, bò sữa, bò thịt vẫn tăng trưởng tốt.
“Người tiêu dùng đều được sử dụng sản phẩm thịt giá rẻ, chất lượng tốt. Đặc biệt dịp tết Nguyên Đán này sản phẩm chăn nuôi rất dồi dào, chúng ta không sợ khủng hoảng thiếu như các năm trước. Tôi cho rằng đây là mặt tích cực của ngành chăn nuôi trong năm 2017”, ông Dương cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, thời điểm này mặt hàng thịt lợn chưa có sự khởi sắc, giá cả vẫn xuống sâu và giữ tương đối lâu. Giá thịt lợn giảm sâu có thể kéo dài đến nửa đầu của năm 2018.
"Nhìn chung chăn nuôi trong 2017 vẫn phát triển theo đúng nhịp độ. Tuy nhiên ngành hàng thịt lợn không đạt được như chúng ta mong muốn, ngành thịt lợn có sức sản xuất rất cao, tuy nhiên khả năng hấp thụ của thị trường có hạn nên không đẩy giá tiêu thụ thịt lợn lên, khiến cho ngành thịt lợn khó khăn", ông Dương nhìn nhận.
Để thoát khỏi cảnh thua lỗ kéo dài, theo ông Dương, tham gia chuỗi liên kết là một trong những vấn đề cấp bách người chăn nuôi cần làm ngay.
Nếu chúng ta không tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khủng hoảng đối với ngành lợn sẽ tiếp tục kéo dài. Hiện nay chúng ta rất khó kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung cầu.
“Tham gia chuỗi liên kết, người chăn nuôi sẽ không đơn độc. Họ cùng có trách nhiệm chia sẻ và giải quyết vấn đề môi trường, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và vấn đề thị trường. Chuỗi liên kết là giải pháp có tính chất then chốt để cho chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới, đấy cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu trong phát triển chăn nuôi của năm 2018 và những năm sau”, ông Dương khẳng định.
Các dự án đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi được khuyến khích tạo điều kiện hết sức khi có tổ chức chuỗi liên kết, có nông dân tham gia và ký kết lâu dài với nông dân trong 3 năm.
Đặc biệt, sự hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, khuyến nông, đào tạo cũng sẽ thay đổi, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp sẽ làm việc trực tiếp với các hộ lớn, hợp tác xã làm trực tiếp với các hộ nhỏ.
Sản phẩm sẽ được hợp tác xã đưa ra thị trường, hoặc doanh nghiệp sẽ tổ chức giết mổ chế biến và đưa sản phẩm ra nhiều phân khúc thị trường, thị trường trong nước, xuất khẩu.
"Làm như thế, ngành chăn nuôi mới giải quyết được những tồn tại, tránh được những vấn đề tương tự như ngành chăn nuôi lợn trong năm qua”, ông Dương nói.
Theo Diệu Thúy/infonet.vn