Liên tục giảm sâu, tăng ì ạch
Sáng 7.11, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Công Bắc (TP.Sơn La)- người vừa được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới, cho biết ông vừa bán 50 con lợn, loại 120 kg/con với giá 28.000 đồng/kg hơi. Theo ông Bắc, giá lợn hơi đã giảm khoảng 2.000 – 3.000 đồng so với mấy hôm trước.
Trang trại lợn của HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: K.T
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, có lợi ích nhóm ở trong việc cho tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, đó có thể là những người liên quan đến chính sách cho phép tạm nhập tái xuất, đến hải quan, trong khi mất mát của quốc gia, của những người chăn nuôi Việt Nam thì quá lớn. |
Hiện trang trại lợn của ông Bắc nuôi 4.000 con lợn thương phẩm. Theo nhận định của ông Bắc, chỉ còn gần 3 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng giá lợn tăng khá chậm, rồi lại lên xuống hàng ngày: “Nói chung giá lợn hiện nay vẫn ảm đạm. Theo tính toán của tôi thì hết năm nay người chăn nuôi lợn vẫn chưa thấy tình hình tiêu thụ khả quan, sáng sủa. Càng mong lại càng mất”.
Cùng là người vừa được trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới, chị Lành Thị Triều (Đồng Nai) cho biết: Giá lợn ở thị xã Long Khánh, Đồng Nai đang dao động từ 26.000 – 28.000 đồng/kg hơi. Giá lợn hơi phụ thuộc vào lợn đẹp, tỷ lệ nạc, biểu cân... Hiện trang trại của chị Triều đang nuôi 400 nái, 3.000 lợn thương phẩm.
“Hơn 20 năm trong nghề chăn nuôi lợn, giờ tôi thấy mới có cơn “đại khủng hoảng” như năm nay. Bình thường, mọi năm giá lợn có giảm, nhưng lại nhanh chóng tăng như biểu đồ hình sin. Tuy nhiên ròng rã suốt 1 hơn năm nay, giá lợn liên tục giảm sâu, có tăng cũng không đáng kể” - chị Triều bộc bạch.
Theo chị Triều, mặc dù trang trại của gia đình chị chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, nhưng trước cơn đại khủng hoảng giá hiện nay, giá lợn của trang trại nhà chị xuất bán cũng chỉ dao động quanh mức 28.000 đồng/kg hơi, không cao hơn so với lợn nuôi thông thường.
Một trại nuôi heo tại thủ phủ heo huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.V
Hạn chế tối đa tạm nhập tái xuất thịt đông lạnh sang Trung Quốc
Liên quan đến vấn đề giá lợn và khó khăn của người nuôi lợn, Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về khai thông, khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm thịt lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.
Chăn nuôi lợn khép kín với thương hiệu thịt lợn sinh học A – Z, thân thiện với môi trường, nhưng tình hình tiêu thụ thịt lợn của HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) do anh Nguyễn Trọng Long làm Giám đốc vẫn rất chậm. “Hiện trang trại tôi nuôi 430 nái, gần 4.000 lợn thương phẩm, nhưng chỉ tiêu thụ được 25 – 30% thịt lợn sinh học với giá 110.000 đồng/kg thịt thành phẩm, 150.000 đồng/kg giò, chả. Tuy vậy, trong cơn bĩ cực như hiện này, đây là giải pháp duy nhất giúp HTX Hoàng Long tiếp tục cầm cự, duy trì được thời gian dài hơn rất nhiều so với các trang trại chỉ chăn nuôi đơn thuần” - anh Long nhận định. |
Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thời gian qua, sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ NNPTNT đã làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước lên tới trên 3.000 tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng điều đáng nói là khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng.
Về khai thông và khai thác hiệu quả thị trường các nước trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, PGS - TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, chính thị trường này mới là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản nước ta.
Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất của nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường này, vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay khối lượng mặt hàng thực phẩm đông lạnh (tạm nhập vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc) là rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra).
Chân gà nhập khẩu kém chất lượng đưa vào TPHCM tiêu thụ bị thu giữ. Ảnh: Người lao động
Mặt khác, sản phẩm các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ, như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm... nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.
Phản ánh của các doanh nghiệp và những người chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên Việt - Trung là mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, đặc biệt là mặt hàng lợn thịt. Vì ngoài giá rẻ, thực phẩm đông lạnh được nhập lậu vào Trung Quốc nên khả năng cạnh tranh về giá cũng như “thủ tục” với những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam là rất lớn.
Do đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho điều tra, giám sát, đánh giá đầy đủ về bản chất của hoạt động tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh và cân nhắc tới lợi ích quốc gia, lợi ích lâu dài cả về kinh tế và ngoại giao của đất nước so với lợi ích trước mắt khi chỉ có một nhóm người được hưởng lợi, mà hưởng nhiều vẫn là các “thương lái” Trung Quốc.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã