Rớt nước mắt vì mỗi ha tiêu mất 1 tỷ đồng
Trao đổi với phóng viên NTNN, anh Nguyễn Đức Hùng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa) thảng thốt nói: “Hết sạch rồi anh ơi!”. Chỉ trong vài giờ cơn bão số 12 càn quét, vườn tiêu 1.200 trụ (tương đương 1,2ha) của gia đình anh đã bị xô ngã gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 100 trụ.
Người dân tìm cách dựng lại các trụ tiêu đổ ngã nhằm vớt vát lại phần nào. Ảnh: L.K
Chỉ tay vào những trụ tiêu xanh tốt, trĩu quả nằm rạp dưới đất, anh Hùng nói như khóc: “Vợ chồng tôi thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng đầu tư hết vào đây, chăm bẵm suốt 3 năm, ai nhìn thấy cũng khen tiêu tốt và sai quả. Vậy mà bây giờ còn lại không được một phần mười".
Theo tính toán của anh Hùng, từ khi trồng đến năm thứ ba, 1.200 trụ tiêu đã "ngốn" hết khoảng 500 triệu đồng, năm nay vườn tiêu cho thu bói với ước tính doanh thu gần 500 triệu đồng (6 - 7 tấn). Như vậy bão số 12 đã "thổi" bay gần 1 tỷ đồng của gia đình anh, chưa kể tiền lãi vay ngân hàng giờ gia đình anh chưa biết lấy nguồn thu ở đâu để trả.
Quan sát vườn tiêu của anh Hùng, chúng tôi thấy tất cả các trụ tiêu đều được giằng dây thép chống ngã, nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến cả vườn đổ rạp, bởi trụ này ngã sẽ lôi thêm trụ khác. Sau khi ngã, phần lớn cây tiêu đều bị đứt gốc, phơi rễ lên mặt đất.
Cách vườn tiêu anh của Hùng không xa, anh Vũ Văn Sáng đang ngẩn ngơ với 1.500 trụ tiêu xơ xác. “Tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông kiên cố, nên chỉ có 200 trụ bị ngã. Nhưng khổ nỗi tiêu trồng bằng trụ bê tông, nếu đổ ngã thì coi như mất trắng, không thể phục hồi lại được” - anh Sáng cho biết.
Nói về cơn bão số 12, anh Phạm Hồng Vỹ (trú thôn 1, xã Hải Yang) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như vậy, dường như tất cả các loại cây trồng ở Tây Nguyên đều không chịu đựng nổi với sức gió của nó. Chả trách người ta đặt tên là bão Con Voi”.
Bão đi đến đâu, hồ tiêu, cà phê tan hoang đến đó
Đến nay, các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng báo cáo sơ bộ đã có gần 30.000 trụ tiêu bị ngã đổ hoàn toàn, trong đó huyện Chư Pưh gần 18.000 trụ, huyện Đăk Đoa 5.475 trụ, huyện Mang Yang 6.000 trụ.
Không chỉ hồ tiêu, người trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang khóc ròng vì quả rụng xanh mặt đất, cây bị lay gốc đứt rễ, trong khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Đặc biệt, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang có đến 40% diện tích cà phê bị rụng quả và lay gốc. Vụ cà phê năm nay coi như trắng tay, hàng trăm nông dân ở xã này đang "vắt óc" nhưng chưa nghĩ được cách trả nợ cho các đại lý phân bón, xăng dầu... mà họ mua chịu từ đầu năm.
Do ảnh hưởng của bão , có hơn 5 ngàn trụ tiêu của người dân tại huyện Đăk Đoa bị thiệt hại. Ảnh: Dân Trí
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện Phú Thiện có 286 ngôi nhà bị ngập, 162 con trâu bò bị và gần 1.000 gia cầm bị chết, nhiều km Quốc lộ 25 (nối Gia Lai với Phú Yên) và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Huyện Krông Pa có 38 ngôi nhà sập và tốc mái, hơn 600ha cây trồng bị ngập và nhiều bò, dê, lợn bị nước cuốn trôi…
Tương tự, nhiều hộ trồng tiêu, cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk cũng đang phải gồng mình để khắc phục thiệt hại do bão số 12 gây ra. Đứng trong mưa, chị Nguyễn Thị Hằng (34 tuổi, trú tại xã Ea Lai, huyện M’Đrăk) nói như khóc vì hơn 1.300 trụ tiêu bỗng chốc đổ rạp, bật gốc. Chị Hằng cho biết, toàn bộ số cây tiêu này gia đình đã vay vốn ngân hàng để đầu tư. Tưởng đến ngày cho thu hoạch để trả nợ, vậy mà chỉ sau khi bão quét qua, toàn bộ hy vọng của gia đình tan biến…
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện M’Đrăk có hàng trăm ha cây hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh bị ngã trụ, không còn khả năng phục hồi, thiệt hại rất lớn cho người sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, sức tàn phá của cơn bão số 12 đã khiến cho hơn 2.300 hộ dân bị cô lập và 300 hộ dân phải di dời; gần 1.300 căn nhà à 10 trường học bị tốc mái, 113 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, làm 1 người chết và 5 người bị thương. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Lăk cho biết, đã có tới gần 4.000ha hoa màu của người dân bị thiệt hại hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con.
Còn tại Lâm Đồng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết, thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 70 ngôi nhà tại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông bị hư hỏng; trên 150ha rau màu trồng trong nhà kính và lúa, bắp, cà phê… tại huyện Lạc Dương, Đam Rông bị lũ cuốn trôi hoặc ngập úng.
Người dân ra suối, ra đồng bắt được cả bao tải cá tầm. Ảnh: Duy Học Trại nuôi cá tầm 20 tỷ bị vỡ do mưa bão Hai ngày nay, người dân dọc sông Krông Bông và suối Ea Tông, thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk bắt được rất nhiều cá tầm có trọng lượng từ 1-2 kg/con, do 1 ao nuôi cá tầm ở phía thượng nguồn bị vỡ, tràn ra ngoài. Được biết, những con cá tầm này thuộc cơ sở nuôi trái phép của ông Nguyễn Văn Toản (trú tại TP.HCM) xây dựng trên 1,3ha đất nông nghiệp, tại buôn Hàng Năm, xã Yang Mao, với quy mô 50 ô, trong đó 9 ô đã nuôi 16.000 con cá tầm, trọng lượng từ 1 - 2kg/con. Trong khi ngành chức năng của huyện Krông Bông đang hoàn tất hồ sơ để giải tỏa thì cơn bão số 12 đổ bộ, kèm theo mưa lớn đã xóa sổ toàn bộ cơ sở nuôi cá này, thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ đồng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã