Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm hỏi bà con nhân dân tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
1. Dư luận xã hội chính là tập hợp các luồng ý kiến trước các sự kiện, hiện tượng, là phản ánh thực tiễn tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, thái độ của một bộ phận đông đảo nhân dân về một vấn đề, sự kiện, sự việc. Do vậy, việc tổng hợp, nắm bắt dư luận nhân dân để hiểu dân, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội có ý nghĩa rất lớn.
Thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một vùng quê yên bình với gần 1500 hộ và 5000 nhân khẩu. Vì số lượng dân cư lớn nên Ban Công tác Mặt trận thôn có tới13 thành viên gồm đầy đủ đại diện ban ngành, đoàn thể.
Việc của Mặt trận ở khu dân cư có tới hàng chục đầu việc, từ việc chia buồn, hòa giải cho đến giám sát. Chính vì vậy, để nắm bắt tình hình nhân dân, ông Hoàng Ngọc Châu- Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hương Mạc cho rằng, phải phát huy vai trò khả năng của các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận, vì các thành viên này đều là đại diện cho một ban ngành của địa phương, có như vậy hoạt động mới đồng bộ và hiệu quả.
Đặc biệt có những việc tuy nhỏ nhưng phải giải quyết một cách thấu tình đạt lý để nó không “âm ỉ” sau lũy tre làng. Đơn cử trong thôn có một vài hộ dân ở chung một ngõ muốn khơi lại giếng múc nước cổ có từ thời rất xa xưa. Theo thời gian, giếng này đã bị bùn đất, cỏ dại lấp đầy. Nắm bắt được nhu cầu này của người dân, Ban Công tác Mặt trận thôn đồng thời cũng nhận thức rất rõ, giếng này gắn với đời sống tâm linh bao đời nay nhưng vị trí của giếng lại ở gần đường giao thông, và gần trước đình làng nên việc khơi lại giếng không phải nói là làm ngay được vì nó sẽ ảnh hưởng tâm lý đến nhiều người khác và không phải ai cũng đồng thuận.
“Chúng tôi báo cáo cấp ủy chưa giải quyết việc khơi lại giếng bởi còn muốn lắng nghe, tìm hiểu xem lòng dân ở ngõ xóm đó đã thuận hết hay chưa”, ông Châu chia sẻ và 1 năm sau đó, khi người dân ở ngõ đồng lòng đề nghị khơi thông giếng cổ, Ban Công tác Mặt trận báo cáo cấp ủy, chính quyền thôn đồng ý khơi thông giếng theo nguyện vọng của dân. Hiện chiếc giếng đã được tu bổ tôn tạo, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Câu chuyện cái giếng của ông Châu ở thôn Hương Mạc chỉ là một ví dụ rất nhỏ của việc nắm bắt dư luận nhân dân, cùng nhân dân giải quyết những vấn đề ở cơ sở, ngay tại cơ sở để thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Đó là những người ở trong dân, đến với dân, biết thuyết phục và tập hợp dân, nắm chắc lòng người để biết họ nghĩ gì, mừng gì, lo gì, muốn gì, rồi biết gỡ từng việc cụ thể, hợp với từng đối tượng, việc tốt thì nhân lên, việc khó cùng bàn, việc xấu phải phân tích và đấu tranh, phải gương mẫu và làm được các việc ích lợi cho làng nước để dân tin theo...Có như vậy, người dân mới vào tổ chức, mới có đại đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh chung.
2. Bắc Ninh đang được xem là một trong những địa phương có sự phát triển nóng về công nghiệp. Theo ông Phùng Đức Chiến, Trưởng ban Dân vận, phụ trách UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, năm 2017, Bắc Ninh thu ngân sách 22 ngàn tỉ đồng. Các chỉ tiêu phát triển của Bắc Ninh đều đứng trong top đầu của cả nước, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh chi ngân sách gần như toàn bộ khi tiến hành xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung, với 30 vạn công nhân, do vậy, không thể tránh những vấn đề nổi cộm.
Ông Chiến cho rằng, Bắc Ninh đã giải quyết rất tốt những vấn đề này thông qua phương pháp đối thoại trực tiếp giữa người lãnh đạo với dân, từ đó nắm bắt, hiểu được lòng dân, hiểu được dư luận xã hội.
Trong 5 năm qua Bắc Ninh đã có hàng chục cuộc đối thọại trực tiếp giữa lãnh đạo với dân, những bức xúc dần được gỡ bỏ. Nhờ đó, địa phương giữ được thế ổn định trong khi tại một số thời điểm, ở một vài khu công nghiệp ở một số tỉnh khác đã xảy ra điểm nóng, mất an ninh trật tự.
Bức tranh mà Bắc Ninh có được như ngày hôm nay, theo ông Chiến là nhờ sự đoàn kết thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Mặt trận tổ quốc.
Dư luận xã hội được xem là yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận các cấp. Thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội sẽ giúp cho MTTQ có thêm cơ sở để hoạt động giám sát và phản biện dân chủ hơn, phản ánh đầy đủ hơn ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hà Nội vừa kỷ niệm 10 năm mở rộng. Dù còn rất nhiều thời cơ và thách thức để Hà Nội có thể trở thành một đại đô thị chạy dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc thì ông Phạm Lợi- nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội luôn cho rằng, với người làm Mặt trận, điều quan trọng không phải là 3 triệu dân hay 9 triệu dân, mở rộng hay không mở rộng mà quan trọng là phải thấy được Hà Nội có một kết cấu dân cư vô cùng đặc biệt.
Vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước là nơi tập trung lực lượng trí thức, doanh nhân đông đảo, lực lượng công nhân dồi dào, lực lượng tôn giáo đa dạng...
Với cấu trúc đặc biệt đó, những thành phần đó, đủ nói lên trình độ dân trí của Hà Nội khác với những nơi khác. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận phải làm thế nào để công tác vận động quần chúng phải nâng cao hơn một bậc.
Chỉ đơn cử chuyện ứng xử. Khi xuống với dân, tiếp xúc với dân mà “ông Mặt trận” lại ăn nói trịch thượng là không ổn. Có thể vẻ ngoài người dân vẫn làm theo nhưng họ không thuận trong lòng. Điều đó không bền vững.
Và chúng ta cũng hiểu, không thể xây dựng một khối đại đoàn kết toàn dân bằng những lời kêu gọi, bằng những khẩu hiệu qua văn bản...nếu như không thông qua nhân dân, nếu như cán bộ Mặt trận không gần dân, hiểu dân.
Do đó cán bộ Mặt trận là người luôn luôn phải lắng nghe. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, không ít nơi việc nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận vẫn nặng về “nghe” mà coi nhẹ việc tiếp thu, điều chỉnh.
Theo ông Vũ Hồng Khanh- Phó chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, nguyên nhân của những hạn chế trên bắt nguồn từ việc nhận thức của một số cán bộ Mặt trận về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội chưa tốt; đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên ở một số đơn vị hầu như không có chuyên môn sâu, theo chế độ kiêm nhiệm; cộng tác viên ở một số nơi chưa bám sát địa bàn, còn nặng về cơ cấu hành chính theo địa giới...
Xác định tầm quan trọng của công tác định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, theo ông Vũ Hồng Khanh, việc nắm bắt dư luận xã hội của MTTQ phải tập trung nắm cho được tâm trạng của người dân về thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Qua đó, kiểm chứng xem các chính sách đi vào cuộc sống như thế nào để đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn.
Ông Vũ Hồng Khanh gợi ý, phương thức nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cần được thực hiện qua các hoạt động cụ thể. Ở Việt Nam, Mặt trận có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn và có các Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư, đây là lực lượng trực tiếp tiếp xúc, làm việc với nhân dân.
“Cán bộ Mặt trận đã hòa mình với quần chúng thì chỉ cần 10% cán bộ Mặt trận ở cơ sở cung cấp mỗi ngày một thông tin, chúng ta sẽ có một lực lượng lớn tin tức”- ông Khanh nhấn mạnh.
Thế nhưng, cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, hiện nay chúng ta chưa chủ động, thông tin chưa kịp thời, có những thông tin nghe sau, nghe lại. Điều đó đặt ra vấn đề, cán bộ Mặt trận phải sâu sát hơn nữa với cơ sở, tăng cường việc trò chuyện, trao đổi với nhân dân, qua đó lắng nghe, nắm bắt kịp thời những tâm tư, tình cảm, những ý kiến, kiến nghị của cơ sở để tư vấn, giải quyết hoặc chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết.
“Điều quan trọng là cán bộ Mặt trận phải tạo được uy tín trong nhân dân, để nhân dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mạnh dạn đề xuất kiến nghị”- ông Vũ Hồng Khanh nói.
3. “Cán bộ cơ sở thở không ra hơi, bơi không hết việc” là một câu nói vui mà ông Nguyễn Túc- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa và xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam thường chia sẻ trong mỗi kỳ cuộc của Mặt trận để nói về những vất vả, khó khăn của cán bộ cơ sở ở khu dân cư, trong đó có người Mặt trận khi việc gì cũng đến tay, việc gì cũng có mặt.
Hiện nay trong các hoạt động của Mặt trận cơ sở, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra nhân dân là hai hoạt động rất thiết thực. Hai hoạt động này liên quan chặt chẽ đến nhau. Thanh tra nhân dân là tìm ra những vấn đề bất hợp lý trong công việc, chính sách ở cơ sở. Từ mâu thuẫn phát hiện trong quá trình thanh tra, có thể giải quyết trong công tác hòa giải. Và công tác hòa giải là một bước đỡ gánh nặng, giảm nhẹ áp lực cho chính quyền ở cơ sở góp phần không để xảy ra những điểm nóng.
Trong nhiều năm qua, công tác hòa giải và hoạt động thanh tra, giám sát của Mặt trận ở trên 100 ngàn khu dân cư cả nước đã phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng, đặc biệt góp phần phát huy dân chủ cơ sở, từ đó xây dựng thành công nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều bất cập đến từ đội ngũ cơ sở. Bên cạnh những khó khăn trong đồng lương trợ cấp thì đi liền với đó là trách nhiệm, vai trò của cán bộ cơ sở khá “mờ nhạt” trong những “điểm nóng” bởi trên thực tế họ chính là người gần dân, là cầu nối giữa dân với chính quyền và ngược lại. Do đó, để xảy ra “điểm nóng” trong dân, trước tiên, có trách nhiệm rất lớn từ cán bộ cơ sở.
Ông Nguyễn Đăng Quang- Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Trị từng cho rằng, việc để phát sinh một số điểm nóng trong thời gian qua ở một số địa phương đã cho thấy Mặt trận các cấp vẫn còn lúng túng trong đối phó với tình huống dẫn đến việc xử lý điểm nóng không hiệu quả.
Kinh nghiệm từ MTTQ tỉnh Quảng Trị cho thấy, khi nhân dân không đồng tình với việc khai thác titan, chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng kinh tế, Mặt trận tỉnh phối hợp với cơ sở đã gặp dân, nghe tiếng nói của nhân dân và kiến nghị với Sở Tài nguyên Môi trường để kiến nghị xem xét, ngay sau đó dự án đã được dừng lại.
Vì vậy tại Hội nghị Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố năm 2018, khi góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, bà Phan Hồng Nhung, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ đã nhấn mạnh hai từ “Đồng thuận ” trong chủ đề đại hội là phù hợp với thực tiễn, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Sự đồng thuận, ở phương diện nào, thời điểm nào cũng là quan trọng đối với công tác Mặt trận. Bởi hiện nay không phải lúc nào, không phải nơi nào cũng có thể tìm thấy sự đồng thuận. Câu chuyện điểm nóng xảy ra ở 11 thành, thành phố vừa qua cho thấy điều đó.
Cũng từ câu chuyện này, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tòng bày tỏ băn khoăn trước việc tổng hợp tình hình dư luận xã hội, vì qua theo dõi tình hình cơ sở hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định.
Ông Tòng chia sẻ, người dân vẫn còn rất nhiều tâm tư, suy nghĩ nếu Mặt trận không nắm bắt kịp thời và tham mưu, đề xuất cơ quan chức năng hướng giải quyết thì nhiều thế lực thù địch sẽ dựa vào đó để kích động, gây mất an ninh trật tự.
Một trong những nguyên nhân dễ gây bức xúc cho người dân là quá trình giải quyết chính sách thiết thực cho dân còn chậm. Từ nguyên nhân này, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tòng thẳng thắn cho rằng: “Mặt trận cần nghe được thật từ đó làm được thật”.
4. Trong bối cảnh Đại hội UBMTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX giai đoạn 2019-2024 đã cận kề, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần tính đến vai trò của Mặt trận trước dân, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ ở địa bàn dân cư.
Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Muốn làm được điều này, đội ngũ cán bộ các cấp phải đi xuống địa bàn, tìm hiểu những băn khoăn, lo lắng, trực tiếp đối thoại với nhân dân để từ đó giải quyết dứt điểm các khiếu kiện kéo dài, góp phần tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, tương ứng đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận có tư duy mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm mới mong đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ địa phương.
Ngay cả việc thẳng thắn nhìn vào những khuyết điểm để nhận ra chính mình cũng là một cách để làm tốt hơn sứ mệnh lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề nhân dân mong mỏi. Đó vừa là vinh dự là trách nhiệm mà những người Mặt trận đang nỗ lực thực hiện.
Lê Na/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã