Tỉnh hiện đang xây dựng nhiều dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho các cây điều, xoài, ca cao... Trong đó, HTX sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc giảm khâu trung gian trong thu mua, tiêu thụ nông sản.
* Liên kết doanh nghiệp
Đồng Nai không thiếu các mô hình HTX nông nghiệp đạt hiệu quả tốt trong việc liên kết nông dân để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, đa số xã viên tham gia các HTX vẫn phải tự xoay xở tìm đầu ra cho nông sản và luôn phải đối mặt với sự bấp bênh, bất ổn của thị trường. Ngay cả các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP vẫn phải chấp nhận bán trôi nổi ra thị trường vì các HTX chưa tổ chức được đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ: “HTX có trên 32 hécta xoài được chứng nhận VietGAP, đảm bảo cung cấp sản lượng xoài lớn, an toàn ra thị trường. Nhưng vì chưa liên kết được với doanh nghiệp (DN) trong khâu tiêu thụ, chế biến, nên sản phẩm của HTX vẫn buộc phải bán cho thương lái với giá như hàng thường”.
“Bắt tay” với DN là hướng đi các HTX cần quan tâm để gỡ bài toán khó trong tiêu thụ. Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), cho biết thời gian qua không thiếu các đoàn DN nước ngoài tìm đến tận nơi đặt vấn đề xuất khẩu xoài. HTX đã trực tiếp ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu hoặc cung cấp hàng đến tận tay DN mà không phải qua các khâu trung gian khác. Tuy nhiên, kênh tiêu thụ chính cho sản phẩm của HTX vẫn là qua thương lái. “Để đơn hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần qua rất nhiều công đoạn, từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói... HTX không thể tự xoay mà cần liên kết với DN, nhất là trong việc tổ chức đầu ra cho sản phẩm” - ông Bảo nói.
* Trở thành mắt xích
Nâng cao năng lực để các HTX có thể trở thành cầu nối giữa nông dân với DN là nội dung quan trọng trong chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Theo các DN, HTX là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi liên kết giữa DN và nông dân. HTX sẽ đại diện cho nông dân ký kết các văn bản hợp tác với DN, thu mua nông sản tại chỗ cho nông dân.
Theo kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn với cây ca cao (thuộc chương trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh) do Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) đang triển khai, dự án sẽ phát triển 1 ngàn hécta ca cao. Trong đó, các HTX sẽ được thành lập, là đại diện cho nông dân để ký kết với DN trong tiêu thụ sản phẩm. Thông qua HTX, DN đầu tư cho nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật…
Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: “Tuy đặc trưng của cây ca cao là thu hoạch rải rác nhưng người trồng không e ngại vì câu lạc bộ tổ chức thu mua tại chỗ cho các xã viên. Hướng tới, chúng tôi sẽ thành lập HTX, được DN đầu tư kho trữ hàng, máy móc sơ chế sản phẩm tại chỗ nhằm giảm chi phí nhân công, chi phí vận chuyển để tăng lợi nhuận cho nông dân”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức lại hoạt động của HTX dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) theo hướng chuỗi liên kết. Trong đó, HTX đã “bắt tay” với cả chục DN để cung cấp, hỗ trợ cho các xã viên về con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Quan trọng nhất, đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi sẽ được bảo đảm vì HTX đã ký kết được các văn bản ghi nhớ trực tiếp cung cấp thịt heo, gà cho một số tổng công ty lớn”.
Theo Báo Đồng Nai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã