Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: VGP/Vũ Thành Chung |
“Liên kết sản xuất” là vấn đề mà hầu hết các tham luận nhắc đến trong Hội thảo mô hình tổ chức, sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn.
Hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ nhằm phân tích các mô hình tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn những năm qua.
Liên kết ngang và dọc
Vấn đề “liên kết sản xuất” được nhiều đại biểu đề cập có hai dạng là liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc là liên kết giữa các đối tượng tham gia vào “đường đi” từ người sản xuất đến người tiêu dùng, trong khi liên kết ngang là liên kết các đối tượng cùng tham gia vào hoạt động giống nhau như liên kết các hộ nông dân, các hợp tác xã.
Nhận định thực trạng liên kết sản xuất trong nông nghiệp hiện nay, nhóm nghiên cứu Phạm Văn Hùng của Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng trước đây, chúng ta khuyến khích liên kết ngang hơn là liên kết dọc.
Tuy nhiên để tránh sản xuất manh mún, mất giá nông sản, cần phải mở rộng hình thức liên kết dọc, trong đó trọng tâm là liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp (liên kết 4 nhà). Vì vậy cần phải nghiên cứu toàn bộ chuỗi liên kết giá trị (nhất là nông sản), mà không chỉ tập trung vào một công đoạn sản xuất.
Theo chuỗi sản xuất này thì sự liên kết giữa các tác nhân là vô cùng cần thiết, bảo đảm cho các dòng sản phẩm, dòng tiền và dòng thông tin thông suốt từ tác nhân này sang tác nhân kia. Kết quả là lợi ích của các tác nhân sẽ được đảm bảo.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Sánh (Đại học Cần Thơ) cho rằng liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là cơ hội rất lớn cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, nhiều mô hình liên kết sản xuất trái cây, cá tra, lúa... đang được thực hiện thành công tại khu vực này.
Ở phía Bắc, các mô hình liên kết sản xuất, dịch vụ nông nghiệp theo “chiều dọc”, có sự gắn kết của các “nhà” cũng đem lại thành công ở nhiều nơi như Sơn La, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình...
Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng tùy thuộc vào vị trí, tập quán sản xuất nông nghiệp của từng vùng mà mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ khác nhau, không thể áp dụng đồng nhất cho các vùng, các ngành nghề, sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cần phân định rõ trách nhiệm của mỗi “nhà” để đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia được thụ hưởng đúng và đủ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hơn các mô hình sản xuất mới
Qua ý kiến các nhà khoa học, doanh nghiệp và cả những người nông dân, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ vui mừng khi các đại biểu bước đầu khẳng định kết quả các mô hình sản xuất liên kết mới, cho thấy chủ trương của Đảng về “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp là đúng đắn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tổ chức lại sản xuất nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc thị trường, chứ không sa đà vào bao cấp như trước đây. Đặc biệt phải gắn chặt với những tín hiệu, nhu cầu của thị trường thế giới với sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết sẽ kiến nghị Trung ương Đảng, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để làm rõ nhiệm vụ của mỗi thành phần trong chuỗi liên kết, trong đó vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong xây dựng quy hoạch sản xuất, cơ cấu sản phẩm. “Quy hoạch phải được xây dựng thống nhất từ cấp xã, huyện, tỉnh và quốc gia”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, nhiệm vụ của Nhà nước sẽ còn là cung cấp thông tin, dự báo thị trường, mở rộng thị trường; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách mang lại lợi ích cho nông dân và để các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh bình đẳng; đào tạo kiến thức sản xuất nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện trên từng địa bàn.
Đối với doanh nghiệp, nếu có đủ điều kiện Nhà nước yêu cầu, sẽ được tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp, thực hiện nhiệm vụ đầu tư sản xuất lớn, được hỗ trợ đầu vào, kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng thương hiệu và tìm thị trường.
Nhà khoa học sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu giống, công nghệ sản xuất và chế biến nông sản. Đặc biệt đối với nông dân, cần được tuyên truyền để bà con hiểu rõ về sản xuất hàng hóa lớn, thực hiện nghiêm hợp đồng, quy trình sản xuất.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận để hoàn thiện hơn các mô hình sản xuất mới, cần bổ sung cơ chế, chính sách nào để mang lại hiệu quả sản xuất và vị thế thị trường nông sản cao hơn.
Thành Chung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã