Học tập đạo đức HCM

Nông dân đang có gì?

Thứ hai - 16/09/2013 03:09
Bới đất, lật cỏ, đổ mồ hôi, nước mắt, sức khỏe, cả cuộc đời người nông dân đang sở hữu những gì? Theo một cách ngẫu nhiên, Báo NNVN đã làm cuộc khảo sát tài sản của hộ giàu, trung bình và nghèo ở đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc với thành phần từ đánh cá, làm ruộng đến trồng rừng.

Lênh đênh một kiếp thuyền chài

Một buổi sớm năm 1989, ngư dân Nguyễn Thị Dung sau khi đỡ người chồng mù về túp nhà nát trên bờ đã ôm ba đứa con thơ nhảy xuống bến sông Hồng trong lúc bụng không một hạt cơm. Cả vạn chài Thanh Lương (Hà Nội) nháo nhác lao đến nhưng họ chỉ cứu được ba mẹ con, đứa con gái út ba tuổi của chị bị nước cuốn trôi, vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông.

Vụ việc xôn xao dư luận Thủ đô một thời như một hồi chuông cảnh báo về tình cảnh bế tắc của nghề chài lưới. Khi đó, cơ quan công an đã định cho chị Dung đi tù nhưng xét gia cảnh không ai nuôi hai đứa con nhỏ nên lại cho về.

Vạn Thanh Lương xưa vốn trù phú với sự góp mặt của gần một trăm cái thuyền. Thủa bao cấp, vạn đổi tên thành HTX Hồng Hà, ngư dân thành xã viên, nộp cá cho Nhà nước và lĩnh suất lương thực 18 kg/người/tháng.

Năm 1984, HTX giải thể, vạn chài lao đao, ngư dân khốn khó. Chị Dung một nách ba con dại lại kèm theo người chồng mù trong một phút nghỉ quẩn đã quyên sinh. Năm 1991, Nhà nước làm cho anh chị một ngôi nhà tình thương nho nhỏ trên mảnh đất của cha ông.

Hơn hai mươi năm sau sự kiện đau lòng đó, tôi lội ra bãi sông Hồng thăm chị. Cái thuyền vẫn nhỏ như trước chỉ có điều nay được lắp thêm động cơ. Chồng chèo, vợ giăng lưới, họ lần hồi kiếm bơ gạo, chai mắm qua ngày cùng với tiền hỗ trợ tàn tật 350.000đ mỗi tháng.


Bà Dung ở xóm Thanh Lương

Mấy chục năm chắt chiu gom từng con tôm, con tép chị dành tiền đưa anh vào bệnh viện mổ mắt, cứu được một bên. Sau 31 năm dò dẫm trong bóng tối lần đầu tiên người chồng đã nhìn thấy mờ mờ mặt vợ con mình.

“Họa vô đơn chí” không lâu sau, thằng con thứ hai của họ đang sức trai tráng bỗng dưng mắc bệnh xuất huyết đáy mắt. Mổ đi mổ lại ba lần, cầm cả sổ đỏ để vay 200 triệu nhưng mỗi lúc nhìn vào đôi mắt thằng con cứ mờ dần, mờ dần không phương cứu chữa, chị Dung như đứt từng khúc ruột. Anh bảo đưa nó đến Hội Người mù cho có bè có bạn nhưng chị lại sợ con tủi thân nên cứ lần lữa mãi.

Chim trời, cá nước ngày càng khó, kiếm lặt vặt đủ ăn đã là may chứ chưa nói tích lũy. Mấy chục năm đánh cá, anh chị có hai cái thuyền con, một chiếc mới sắm giá 15 triệu đồng đi làm, một chiếc cũ hơn làm chỗ chui rúc nắng mưa, còn ngôi nhà tình nghĩa thì cho vợ chồng thằng cả ở.

Rời vạn Thanh Lương, xuôi theo sông Hồng tôi đến vạn Sâm Ngoài, xóm vỏn vẹn 16 hộ ở rìa bãi Thắng Lợi (Văn Giang, Hưng Yên). Năm 1966, xóm định cư lên bờ rồi vào HTX, hồi đó toàn nhà tranh, vách đất nay thế vào đó là những ngôi nhà cấp bốn bé con con, lụp xụp, tồi tàn.

Anh Nguyễn Văn Nhưng, một ngư dân 32 tuổi, có vợ đi làm thuê ở trang trại lợn với đồng lương 1,6 triệu đồng. Hằng ngày anh đi đánh cá trên cái thuyền nát lắp máy 6 mã lực và một tay lưới tám (thông thường ngư dân có tối thiểu ba tay lưới để đánh các loại lưới như mòi, mương, chày… nhưng anh ít tiền chỉ sắm được một tay).

Bấy nhiêu đồ nghề đó thôi đã khiến cho anh phải vay nợ mất 15 triệu đồng, nâng tổng cộng nợ của gia đình lên 30 triệu đồng. Mùa này nước đục không có cá, tiền cá lắm khi không đủ tiền dầu. Hơn triệu bạc làm thuê được vợ anh hoạch toán chi tiêu một cách cụ thể mỗi ngày chia đều 50.000đ, đồng gạo, đồng rau, đồng mắm và chưa kiếm đâu ra khoản 500.000đ đóng tiền học mẫu giáo cho con để buổi nào cũng bị giục ê ẩm mặt.



Một gia đình xóm vạn chài

Không xe máy, không giường đến cả chiếc thuyền nát, cái nhà dột anh chị cũng không biết bao giờ sửa được. Nhưng thú thật từ Tết chưa biết đến mùi thịt gà. Hôm rằm tháng Bảy thằng cu ba tuổi ngọng nghịu đòi: “Bố, dịt gà cho chon cái dùi (Bố, thịt gà cho con cái đùi)”. Sợ nó chầu hẫu nhìn đĩa thịt vàng nhẫy nhà hàng xóm mà sinh ngượng anh mới quyết định thịt một con gà trong bốn con đang nuôi.

Nhìn thằng em môi nhờn mỡ vì gặm cái đùi, đứa chị tiếc con gà đang thau tháu lớn bỗng bưng mặt òa khóc. Giống gà Đông Cảo vốn nặng đến bốn năm cân, trên hai cân mới trổ mã vậy mà mới chỉ một cân, chưa kịp mọc đủ lông đã bị giết thịt. Giá nó nhịn cơn thèm thịt đi để mấy con gà đó vỗ đến Tết đem ra chợ sẽ thành quần áo mới cho chúng xúng xính có phải hơn không?

Anh Nhưng và vợ cùng mù chữ, ngay cả tuổi của mấy đứa con họ cũng không nhớ rõ. Đứa lớn trong nhà học hết lớp bốn là thôi. Nghĩ cũng tội cho chúng đi chợ theo mẹ, xoắn xéo đòi mua gói bỏng ngô giá 1.000 đồng cũng bị ăn mắng. Chưa bao giờ chúng có nổi một chiếc đèn trung thu của riêng mình.


Gia đình anh Nhưng không có nổi một chiếc giường để nằm

Cạnh nhà anh chị Nhưng là nhà bà Nguyễn Thị Nhót năm nay 65 tuổi. Ba đứa con bà, đứa mù chữ, đứa học hết lớp 5, lớp 7. Nếu cộng dồn cả con bà cả (bà Nhót là vợ hai - PV) đại gia đình nhà bà có tới bốn người con mù chữ.

Họ ở trong những ngôi nhà bé con con chừng 20-30 m2, mái lợp bờ lô thấp lè tè. Thằng út nhà bà sáng đi đánh cá, chiều chèo đò. Chiếc thuyền nhỏ của nó gặp sóng cứ trồi lên, chúi xuống như một cái lá tre. Mùa này cả nước nhưng toàn cá vặt mà lắm khi hì hụi cả buổi không đủ tép cho mèo.

Hộ được coi là giàu nhất ở vạn là bà Nguyễn Thị Bình, người đang sở hữu cái tàu hàng 400 tấn nhưng cũng phải vay mượn mất 450 triệu đồng. Trị giá của chiếc tàu hiện tại khoảng 800 triệu nhưng chạy thêm mấy năm nữa chỉ là đống sắt vụn, bán đi trả nợ có khi còn không đủ.

“Đại gia” của vạn đang phải còng lưng đóng mỗi tháng 6 triệu tiền lãi. Tài sản cả đời người đàn bà 58 tuổi này sau khi cấn nợ hết, trơ lại mỗi ngôi nhà tầng. Ông Nguyễn Văn Vòng, cựu trưởng vạn, bảo tôi rằng để có được kiểu sống mà như đang tồn tại cả xóm phải lao động cật lực: “Có những buổi hạ màu (gieo hạt) hay thu hoạch rau mỗi đêm dân tôi chỉ ngủ 1-2 tiếng, hết ngoài đồng rồi lại ở chợ.

Chúng tôi làm việc mỗi ngày ít nhất cũng 12-14 tiếng còn không phải 15-17 tiếng. Trên bờ trời có mưa gió bó gối ngồi ở nhà còn dân chài phải bổ ra sông. Đàn cá dưới nước cũng như chim trên trời không bắt thì chúng lại đi mất chứ có chờ mình đâu?”.


Buổi chiều ở vạn chài

Ông Vòng có bốn con học cao đẳng, đại học, học xong đều làm công nhân hết. Chẳng phải ông không cố gắng. Cũng chạy vạy đủ nơi, gõ cửa đủ chốn nhưng chỗ nào người ta cũng bảo một suất biên chế giờ cứ phải 300 triệu mới xong, khiến ông rên lên: “Thế có khác gì giết người?”.

 

 

Qua bến đò Sâm Hồng đã sang đến đất Hà Nội. Đêm, nhìn về phía Thủ đô, quầng sáng khổng lồ cứ hắt những nhấp nháy không ngừng, ở phía này vẫn tối mờ, tối mịt.

 

 

Hồi lo cho lũ con ăn học, ông vay 70 triệu đồng theo chương trình sinh viên. Hồi vợ mắc ung thư ông phải mượn thêm 60 triệu tiền chữa trị… Biết có một chút chữ nghĩa trong người, tôi hỏi ông bao giờ vạn chài khá được?

Ông trầm lặng mà rằng, thiên thời người trên bờ có gốc mà dân vạn thì không; địa lợi vạn chài chẳng có cơ vì ngõ cụt, hẻo lánh; nhân hòa dân vạn toàn thất học với thất nghiệp. Thôi thì chèo chống được tự cứu lấy mình chứ còn biết kêu ai? Rồi ông đọc: “Văn hóa là chìa khóa vạn năng. Siêng năng chỉ có bờ bến”.
 

Theo NNVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại711,934
  • Tổng lượt truy cập90,775,327
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây