Học tập đạo đức HCM

Lúa chín đầy đồng, không ai hỏi mua

Thứ bảy - 15/06/2013 11:44
Trong những ngày qua, từ diễn đàn Quốc hội cho đến các bờ ruộng khắp chốn cùng quê, từ trên mặt báo đài cho đến những bữa trưa ở nhiều văn phòng công sở … có một chủ đề không mấy người vui vẻ khi tham gia là chuyện đầu ra cho nông sản. Ai cũng oải, ai cũng buồn, cũng lo lắng cho những sản phẩm một nắng hai sương của người nông dân bị ứ đọng. Những thước phim phóng sự trên truyền hình, những bài báo ngao ngán trước sự "oằn lưng kép” của người nông dân, đã khiến dư luận không thôi suy nghĩ, không khỏi lo toan. Ngày mùa đã không còn là "ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng” như lời một bài hát của Văn Cao nữa, mà bây giờ là ngày mùa của lo toan, thậm chí của những giọt nước mắt thương cảm, xót xa cho những tấm lưng còng - người nông dân sớm tối bên vườn ruộng.
Hôm nay, 15-6, ngày bắt đầu thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo đợt này, nhưng dường như chưa có đợt nào lại có không khí ảm đạm như bây giờ. Người nông dân "méo xệch mặt” trước những đồng lúa chín vàng, doanh nghiệp thì thờ ơ, còn cơ quan chức năng thì lúng túng. Tất cả đứng ngồi không yên!
 
Còn nhớ trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội cách đây mấy ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp và người nông dân hiện nay là thiếu thị trường tiêu thụ, từ đó giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh và ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người nông dân. "Với giá lúa tại ruộng giảm sâu như hiện nay, người nông dân không thể có lãi 30% như mong đợi”, ông Phát thừa nhận. Ngoài "lúa đang chín đầy đồng” từ Bắc vào Nam, các sản phẩm chăn nuôi, trái cây, cá tra… cũng đang chịu chung số phận không tiêu thụ nổi và đè nặng lên vai người nông dân đã quá vất vả để làm ra được sản phẩm đó. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã nêu ra một số những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để tìm đầu ra cho nông sản được thuận lợi, để người nông dân thêm phấn khởi và tự tin, thêm yêu mảnh vườn sào ruộng của mình hơn … Nhưng tất cả vẫn đang ở phía trước, tất cả vẫn bất định và mịt mờ. 
 
 Nói như thế là bởi vì có một thực tế tương phản với những điều Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa cam kết trên diễn đàn Quốc hội, khi thông tin của báo chí cho biết, gần tuần nay, gia đình ông Phạm Văn Minh (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cắt cử con trai của mình ra "cắm trại” ở bờ sông để đón thương lái mua lúa. Cũng có nhiều thương lái ghé lại nhà ông xem lúa qua loa, trả giá rồi bỏ đi. Ông Minh than vắn thở dài: "Rầu quá chú ơi! Tiền phân, thuốc mua ở đại lý vật tư nông nghiệp tính lãi từng ngày. Rồi chủ máy gặt đòi tiền liên tục. Lúa chất đầy mà bán không được hột nào thì lấy đâu trang trải nợ nần đây?”. Hoặc trường hợp của ông Lê Phương Quyền (xã Tân Hòa Tây) mới khổ. Thu hoạch được 30 tấn lúa đem về chất đầy nhà, thương lái đã đặt tiền cọc 1,5 triệu đồng rồi đi biệt tích. "Gọi điện cho họ thì họ bảo bỏ tiền cọc luôn, kêu bán cho người khác đi” - ông Quyền bức xúc. Thế nhưng suốt tuần qua ông tìm cả chục thương lái mà không ai chịu mua, dù giá hiện nay chỉ 4.200 đồng/kg.
 
Ông Huỳnh Thanh Nam, một thương lái đang đi xem lúa của dân ở huyện Tân Phước (Tiền Giang), cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo cầm chừng, giá đứng một chỗ hoài nên thương lái rất ngại mua nhiều vì sợ lỗ. "Giá lúa gạo cao dễ mua hơn, chứ giá thế này thì không ai dám ôm lúa vì sợ doanh nghiệp hạ giá mua gạo bất ngờ. Cái kiểu tăng giá và thu mua nhỏ giọt thế này chúng tôi đã gặp rồi nên rất sợ. Mua ít lỡ có gì lỗ cũng ít” - ông Nam giải thích. Còn theo một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NNN&PTNT) cho rằng vấn đề tạm trữ là đúng nhưng thông tin điều hành của VFA thiếu sự minh bạch. Hầu như các thông tin về giá cả các hợp đồng tập trung họ đều giữ kín nên người dân không biết đường nào mà định giá bán lúa. Các doanh nghiệp do nắm được giá cả đầu ra sẽ mua lúa đầu vào theo kiểu "trả thấp được bao nhiêu thì trả”.
 
 Điều quan trọng khác biệt nữa là, so với những lần tạm trữ lúa gạo trước đây, lần này không quy định giá sàn thu mua để đảm bảo cho nông dân mức lãi tối thiểu 30%. Tức là mức mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 30% cho người nông dân không được chú trọng mà tập trung vào vấn đề lớn hơn là làm sao tiêu thụ được hết lượng lúa gạo hàng hóa, không để bị ế đọng. Nếu thế, người trồng lúa sẽ còn vất vả dài dài. Mà đâu chỉ có trồng lúa, còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, trái cây, cây công nghiệp ….
 
Oải quá, người nông dân!
Thanh Tường
theo daidoanket

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập356
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại811,210
  • Tổng lượt truy cập90,874,603
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây