Ngày 16-6, nhiều nơi ở ĐBSCL tiếp tục có mưa trên diện rộng khiến việc thu hoạch lúa tiếp tục bị trì trệ. Ông Lâm Văn Tươi, canh tác 12 công lúa hè thu ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) lo lắng: “Đến nay lúa đã quá ngày thu hoạch khoảng một tuần nhưng không thể cắt được do ngày nào cũng có mưa. Nếu như những ngày trước thương lái trả giá 4.300 đồng/kg lúa tươi hạt dài, thì nay bỏ chạy không mua vì chê lúa bị mưa làm đổ ngã, ướt đẫm, không đạt chất lượng. Tình hình này nông dân thua trắng”. Không chỉ ông Tươi, hàng loạt hộ khác ở ĐBSCL cũng mất ăn mất ngủ vì lúa bị mưa dầm hành hạ. Ông Đặng Hùng Cường, ở ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) đứng ngồi không yên khi chứng kiến 19 công lúa hè thu bị mưa quần tơi tả. “Hơn 5 ngày qua máy cắt chực chờ tại ruộng nhưng không thể thu hoạch lúa do ngày nào cũng có mưa. Từ lúa đứng thì nay lúa bị đổ ngã hàng loạt, sẽ khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với lúa thất thoát nhiều, chất lượng giảm… đồng nghĩa giá bán giảm theo. Vụ này nông dân coi như lỗ nặng” - ông Cường than. Ông Trần Điền Lan, Trưởng ấp Đông Giang, xã Đông Bình cho biết, kế hoạch đề ra là giữa tháng 6-2013, toàn bộ 242ha lúa hè thu ở ấp sẽ thu hoạch dứt điểm. Thế nhưng mưa dầm xuất hiện đã phá hỏng tất cả, bởi tiến độ thu hoạch mới đạt 40% diện tích; 60% diện tích còn lại liên tục trì hoãn do mưa khiến máy không cắt được và thương lái cũng không chịu mua lúa ướt sũng. Nhiều hộ dân nóng lòng nên đem máy bơm ra ruộng rút nước mưa nhưng không hiệu quả. Theo Sở NN-PTNT Long An, trong 230.000ha lúa thì tới nay mới thu hoạch hơn 30.000ha, thu hoạch càng chậm càng bất lợi do mưa dầm gây ra.
Kế hoạch triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu 2013 đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng UBND các tỉnh thành ĐBSCL triển khai vào ngày 15-6, thời gian mua kéo dài đến ngày 31-7 kết thúc. Đây là dấu hiệu đáng mừng để hy vọng nâng được giá lúa ở ĐBSCL tăng lên theo hướng có lợi cho nông dân. Song thực tế trong 2 ngày qua tình hình tiêu thụ lúa ở ĐBSCL chưa được cải thiện. Hiện giá lúa tươi loại thường dao động chỉ 3.700 - 3.900 đồng/kg, riêng những nơi xa kênh mương điều kiện vận chuyển khó khăn giá sụt còn 3.500 - 3.600 đồng/kg; đối với lúa tươi hạt dài giá từ 4.100 - 4.200 đồng/kg… Mức giá này là rất thấp nhưng nông dân vẫn khó bán được lúa bởi thương lái chê lúa bị ướt - chất lượng kém do ảnh hưởng mưa dầm. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa nhận được chỉ tiêu VFA phân bổ cho 8 doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua 76.000 tấn gạo tạm trữ ở tỉnh, trong vụ hè thu 2013. Tuy nhiên, giá lúa có tăng lên hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều vào đầu ra hạt gạo, trong khi xuất khẩu gạo hiện nay chưa được cải thiện.
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, áp lực thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu càng lúc càng đè nặng; trong khi mưa dầm hiện nay làm cho nông dân thiệt về giá, thiệt về năng suất, chất lượng bị giảm… thậm chí một số nơi thương lái từ chối thẳng thừng không mua lúa. Vì vậy việc triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đang được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp kỳ vọng giải quyết được nhiều cái khó cứu nông dân. “Ai cũng sốt ruột trước quá nhiều khó khăn vây chặt nông dân làm lúa hè thu ở ĐBSCL.
HUỲNH LỢI |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã