Học tập đạo đức HCM

Ngành hàng vịt - tiềm năng và thách thức

Thứ năm - 03/03/2016 19:44
Từ lâu đời, nghề nuôi vịt chạy đồng đã trở thành nét đặc trưng rất riêng gắn liền với văn hóa lúa nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với những thay đổi trong nền sản xuất lúa như hiện nay, ngành nghề này đang đứng trước những thách thức mới.
Bài 1: Nuôi vịt chạy đồng liệu có còn hợp thời?

Để tồn tại, người chăn nuôi cần có những điều tiết phù hợp hơn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường cũng như mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất cho mình.

Khi tiềm năng trở thành thách thức

So với những vật nuôi khác, nghề nuôi vịt chạy đồng được đánh giá là có nhiều ưu thế hơn bởi trong quá trình chăn nuôi, người nông dân không phải tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận từ nghề thì lại khá hấp dẫn. Người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn là lúa còn vương vãi trên đồng ruộng để nuôi vịt, từ đó hạn chế được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, với những thay đổi trong phương thức canh tác lúa như hiện nay: diện tích sản xuất lúa 2 vụ giảm, những cánh đồng khép kín sản xuất lúa 3 vụ, liên vụ ngày càng được mở rộng, lượng thức ăn trên đồng ruộng giảm đáng kể... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi vịt của người nông dân. Và, dường như người nuôi vịt đang “đuối sức” khi phải liên tục điều tiết phương thức nuôi để thích ứng với tình hình mới.

Cô Võ Thị Tuyết Dung, một nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi vịt chạy đồng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Bây giờ nuôi vịt chạy đồng khó khăn lắm. Hầu hết các cánh đồng hiện nay, lịch thời vụ được bố trí khá dày đặc, thời gian cách ly giữa các vụ chỉ kéo dài 2 - 3 ngày, do đó vịt không có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức nói chi cầm lại lâu. Trong khi để có đồng cầm vịt, chúng tôi phải thuê cò mua đồng, với giá khá đắt đỏ, khoảng 500 - 700 ngàn đồng/ha, trước đây không phải tốn khoản chi phí này. Bên cạnh đó, nhiều khoản chi phí “không tên” khác cũng làm cho người nuôi phải đau đầu tính toán như: chi phí mua đường nước để bơm nước lên ruộng cho vịt tắm, chi phí vận chuyển, chi phí thức ăn... Những thứ này mỗi năm giá mỗi tăng, chỉ riêng giá trứng vịt bán ra thì ì ạch”.

Bên cạnh những khoản chi phí không tên đè nặng trên vai người chăn nuôi thì thời gian gần đây, việc đất bị nhiễm thuốc và phân hóa học dẫn đến tình trạng vịt bị ngộ độc, tỷ lệ hao hụt cao cũng là vấn đề khiến bà con nuôi vịt lo ngại.

“Sau mỗi lần di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, đàn vịt 5 ngàn con chết từ vài chục con đến cả trăm con là chuyện thường. Vịt hao hụt cao do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là tình trạng vịt bị ngộ độc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học vẫn còn tích lại trên đồng ruộng. Vịt thả lan trên một cánh đồng rộng lớn nên rất khó kiểm soát. Vịt hao hụt nhiều thì xem như mất “cả chì lẫn chài”, chỉ có đường lỗ vốn” - anh Nguyễn Văn Bình, hộ nuôi vịt ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung phân trần.

Nỗi ám ảnh về “bài toán” đầu ra sản phẩm

Khó khăn không ít, rủi ro lại nhiều nhưng khi làm ra sản phẩm, người nuôi vịt lại tiếp tục rơi vào thế bị động. Năm 2015 là một năm nhiều biến động và khó khăn đối với ngành chăn nuôi nói chung và ngành hàng vịt nói riêng. Giá cả thị trường biến động liên tục, với những kinh nghiệm sản xuất theo lối truyền thống, người nuôi vịt dường như đang “mất đà” và đuối sức.

Anh Trần Văn Năng, một nông dân có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông tâm sự: “Chưa bao giờ giá trứng vịt lại biến động lớn như năm 2015, thị trường biến đổi liên tục và nông dân chúng tôi không thể dự đoán. Ví dụ như Tết Bính Thân vừa qua, giá trứng vịt đang ổn định thì khoảng 22 - 23 tháng Chạp bắt đầu rớt mạnh. Trứng vịt loại lớn giá từ 2.700 đồng/trứng giảm còn 1.200 đồng/trứng; trứng vịt so (loại nhỏ) giá 1.800 đồng/trứng rớt giá thảm chỉ còn 350 đồng/trứng. Trong khi đó, giá thành sản xuất mỗi trứng vịt lên tới gần 2 ngàn đồng. Ấy vậy mà lái tới nơi còn chê ỏng chê eo không chịu mua, phàn nàn với chúng tôi là vỏ trứng dơ quá bán không được. Do cầm vịt xa chợ lớn, gia đình lại không có phương tiện chuyên chở đến các chợ đầu mối nên bấm bụng bán cho xong để còn có chi phí đầu tư lại”.

Thời gian gần đây, không riêng thị trường lễ, Tết đòi hỏi trứng có mẫu mã đẹp mà ngay cả ngày thường, nhu cầu từ phía các doanh nghiệp cũng đòi hỏi trứng vịt phải đảm bảo đạt chuẩn, hình thức bắt mắt, hợp vệ sinh. Theo cánh thương lái, so với giá trứng vịt mua tại đồng có hình thức không bắt mắt, kích cỡ không đồng đều thì trứng vịt sản xuất tại các trang trại được mua với giá cao hơn khoảng từ 20 - 30%.

Rõ ràng trong điều kiện sản xuất thay đổi như hiện nay cùng với những yêu cầu mới, khắt khe hơn từ thị trường, phương thức chăn nuôi truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu người chăn nuôi không sớm có những giải pháp điều tiết phù hợp thì sẽ rất khó thoát khỏi tình trạng “cá nằm trên thớt” như hiện nay.

Nguồn: báo Đồng Tháp

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập255
  • Hôm nay76,849
  • Tháng hiện tại781,962
  • Tổng lượt truy cập90,845,355
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây