Nhằm góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng bền vững, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Chiến lược phát triển Viện Chăn nuôi giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030. Theo đó, Viện Chăn nuôi đặt mục tiêu nghiên cứu khoa học phải hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường…
Khoa học phục vụ SX
Loại bỏ những đề tài nghiên cứu thiếu tính ứng dụng, Viện Chăn nuôi xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong giai đoạn tới phải thực sự thiết thực, ngày càng được ứng dụng nhiều trong SX. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ có ít nhất 50% kết quả nghiên cứu được công nhận TBKT, trong đó khoảng 10% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Đến năm 2030, viện có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận TBKT trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Viện cũng đặt trọng tâm nghiên cứu vào những giống vật nuôi đại trà như gia súc, gia cầm, đại gia súc… tránh thực hiện dàn trải các đề tài. Ở mỗi giống vật nuôi lại có những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đối với hoạt động nghiên cứu di truyền giống lợn, viện lên kế hoạch đến 2015 sẽ thay thế 5 dòng lợn có nguồn gốc PIC VCN01-05 bằng 3 giống Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietran để SX lợn thương phẩm 3 - 4 giống. Lai tạo 3 dòng chuyên hóa năng suất sinh sản cao gồm 2 dòng cái có số con sơ sinh sống trên 12/con/lứa, trên 25 con cai sữa/nái/năm và 1 dòng đực có khả năng tăng khối lượng trên 900 gram/ngày, tỷ lệ nạc 61%.
Viện Chăn nuôi sẽ đặt hàng để cho ra sản phẩm khoa học giá trị cao
Trong hoạt động nghiên cứu di truyền giống gia cầm sẽ chọn lọc nhân thuần ổn định năng suất các dòng, giống gia cầm nhập nội nhằm đạt các chỉ tiêu rút ngắn thời gian nuôi, giảm lượng thức ăn nhưng tăng giá trị thương phẩm cả về lượng và chất. Đối với gà hướng thịt, khối lượng cơ thể 42 ngày tuổi đạt 2,2 - 2,4 kg, tiêu tốn 1,8 - 1,9 kg thức ăn/kg tăng trọng. Đối với gà hướng trứng, năng suất trứng 280 - 300 quả/mái/68 tuần tuổi, tiêu tốn 1,4 - 1,5 kg thức ăn/10 quả trứng.
Vịt hướng thịt, khối lượng cơ thể 49 ngày tuổi đạt 3,3 - 3,4 kg, tiêu tốn 2,3 -2,4 kg thức ăn/kg tăng trọng. Vịt hướng trứng, năng suất đạt 285 - 290 quả/mái/52 tuần đẻ, tiêu tốn 1,9 - 2,0 kg thức ăn/10 quả trứng. Vịt kiêm dụng, năng suất trứng đạt 285 - 290 quả/mái/52 tuần đẻ, tiêu tốn 2,8 - 3 kg thức ăn/10 quả trứng, khối lượng vịt đạt 2,5 - 2,7 kg lúc 70 ngày, tiêu tốn 2,6 - 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng.
Ở hoạt động nghiên cứu di truyền giống gia súc ăn cỏ, viện sẽ tập trung vào các giống bò sữa, bò thịt, trâu, ngựa, dê, cừu, thỏ… nghiên cứu lai tạo các giống cho phù hợp với các vùng sinh thái, đánh giá di truyền thông qua hệ gen trong chọn tạo vật nuôi để nâng cao độ chính xác, rút ngắn thời gian chọn lọc.
Riêng với bò sữa sẽ phải xây dựng mô hình ước tính giá trị kinh tế tương đối cho một số tính trạng năng suất của đàn bò sữa, xây dựng kế hoạch phối giống tại các cơ sở cho các cá thể bò đực và bò cái sữa để có thông tin về giá trị giống và hệ phả.
Với ngựa, nghiên cứu lai tạo các giống ngựa ngoại và ngựa nội theo hai hướng: Lai tạo các dòng ngựa theo hướng nâng cao năng suất làm việc và năng suất thịt; hoặc lai tạo các dòng ngựa quý hiếm phục vụ du lịch và thể thao.
Vấn đề dinh dưỡng, thức ăn cho vật nuôi cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng chi phối lợi nhuận chăn nuôi nên bên cạnh các hoạt động nghiên cứu di truyền, viện cũng ưu tiên nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn cho vật nuôi theo hướng sử dụng các phương pháp phân lập, nuôi cấy các chủng vi sinh vật, chế biến, bảo quản dự trữ để nâng cao giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn thô xanh, sử dụng có hiệu quả nguồn thức ăn có sẵn từ phế phụ phẩm công nông nghiệp.
Nghiên cứu SX các chất bổ sung, các chế phẩm sinh học premix, vitamin, khoáng, quy trình chiết xuất các loại thảo dược cho vật nuôi nhằm tăng cường tiêu hóa xơ ở dạ cỏ và cải thiện khả năng sinh sản của gia súc, nâng cao năng suất chất lượng thịt.
Mỗi tiến sĩ một nghiên cứu ứng dụng
Để thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, viện chủ trương xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ khoa học cho từng lĩnh vực nghiên cứu để đảm bảo mỗi lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành có ít nhất 2 - 3 tiến sĩ và đến năm 2030 có ít nhất 4 - 5 tiến sĩ có trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.
Tăng cường sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo và những cán bộ giỏi sẽ được thay thế dần số cán bộ khung của từng đơn vị trong viện. Đồng thời sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học tham gia giảng dạy tại các trường đại học, gắn nghiên cứu với đào tạo thí điểm thành lập trung tâm đào tạo sau đại học để đào tạo những chuyên ngành mà xã hội yêu cầu. Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ công chức theo trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Hàng năm, Viện chủ động đặt hàng các nhiệm vụ và sản phẩm khoa học theo kế hoạch và thực tiễn SX. Mỗi đơn vị thuộc Viện phải có kết quả nghiên cứu mới, mỗi tiến sĩ trở lên phải đóng góp mới có giá trị trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã