Liên tục những ngày qua, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới. Trong khi đó việc xác định nguyên nhân gây bệnh lạ vẫn còn rất mập mờ. Đến ngày 7/3, có thêm 5 người dân tại xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) mắc các triệu chứng bệnh lạ (bộ Y tế gọi là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân) khiến người dân hoang mang. Với 5 ca bệnh mới này đã nâng số ca mắc bệnh lên 12 người từ đầu năm 2013 đến nay. Đây là con số đáng báo động về việc chậm trễ trong khâu xác định căn nguyên gây bệnh và hướng chữa bệnh hiệu quả cho người dân. Bởi, trong thời gian vừa qua, căn bệnh lạ đã làm chết trên 23 người dân.
Tìm thầy cúng để đuổi con ma bệnh tật (!)
Theo tìm hiểu của PV, 5 người dân vừa mới được phát hiện mắc bệnh lạ là anh P.V.. (32 tuổi), chị P.T.V. (27 tuổi), P.V.T. (9 tuổi, cùng ngụ ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) và bà P.T.N. (73 tuổi), ông P.V.G. (51 tuổi, cùng ngụ ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ). Ca bệnh mới nhất vừa được phát hiện là bà P.T.S. (60 tuổi, ngụ xã Ba Điền). Bà S. là trường hợp mắc bệnh lạ trong năm 2012 được điều trị khỏi và nay tái phát trở lại với nhiều triệu chứng mới. Bà S. cho biết: "Gia đình tôi đã có 2 người chết vì căn bệnh kỳ lạ này. Năm ngoái tôi mắc phải căn bệnh này nhưng sau đó được điều trị khỏi. Tôi hiện rất lo lắng không biết căn bệnh của mình tái phát có được điều trị khỏi hay không. Ngoài bà S., ngành y tế địa phương tiếp tục ghi nhận thêm một trường hợp tái phát là bà P.T.N. (75 tuổi, ngụ xã Ba Điền).
Tìm đến rốn bệnh ở xã Ba Điền, PV chứng kiến không khí ảm đạm bao trùm lấy vùng quê này. Hỏi bất kỳ người dân nào về căn bệnh lạ, ai cũng bày tỏ thái độ hoài nghi, hoang mang. Từ khi ngành y tế địa phương phát hiện thêm nhiều trường hợp mắc bệnh mới, người dân càng lo sợ nhiều hơn. Trước "con ma" bệnh tật hành hạ, nhiều người dân lớn tuổi ở làng Rêu (xã Ba Điền) không còn tin vào việc chữa bệnh bằng khoa học nên bàn cách mời thầy cúng giỏi trong vùng đến làm lễ đuổi con ma bệnh. Ông D. (76 tuổi, ngụ làng Rêu) buồn bã nói: "Căn bệnh lạ tiếp tục bùng phát nhưng đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được ngành y tế công bố. Người dân hiện giờ không biết phải trông chờ vào đâu để cứu mình khỏi bệnh tật. Chúng tôi chỉ còn cách nhờ các thầy cùng làm lễ để đuổi con ma bệnh tật đi khỏi làng. Nếu không được nữa thì sẽ mời các thầy cúng cao tay ở các vùng khác đến làm phép".
Bộ trưởng bộ Y tế thăm một người dân mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi trong năm 2012.
Theo ông Lê Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, sau một thời gian tạm lắng thì gần đây, bệnh lạ (mà các nhà khoa học gọi là Hội chứng viêm da dày sừng ở bàn tay, bàn chân) đã xuất hiện trở lại. Theo báo cáo của trung tâm Y tế huyện Ba Tơ thì địa phương này vừa ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, có 3 trường hợp mới bị lần đầu và 1 trường hợp tái phát trở lại.
Chưa rõ độc tố nấm trong gạo là loại gì?
Hiện nay, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài hai trường hợp có dấu hiệu rõ ràng của bệnh lạ: Dày sừng bàn tay, bàn chân, xung quanh các chỗ bị dày sừng có màu tím và men gan cao thì tại địa phương cũng xuất hiện thêm nhiều trường hợp có nhiều triệu chứng mới đó là sau khi xét nghiệm cho thấy men gan cao. Tất cả các trường hợp này đang được theo dõi diễn biến một cách sát sao. Theo các chuyên gia y tế trong phái đoàn của bộ Y tế cử đến Quảng Ngãi làm việc thì nguyên nhân dẫn tới căn bệnh lạ vẫn còn nhiều điều bí ẩn.
Ông Phan Trọng Lân, Cục phó cục Y tế dự phòng cho biết, qua khảo sát các hộ dân tại Ba Tơ cho thấy một số đặc điểm chung: Bà con dùng nguồn nước giếng hoặc nước tự chảy từ trên núi xuống. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng mắc bệnh lạ này. Thế nên, khả năng lây lan từ người sang người vẫn chưa được ghi nhận mà có khả năng họ bị nghi nhiễm độc. Bởi, theo khảo sát có tới gần 70% hộ ăn gạo ủ, mốc bị mắc bệnh. Thêm vào đó, đợt bùng phát lần này có nhiều điểm phức tạp hơn nên càng gây hoang mang, lo lắng cho người dân nơi đây.
Cục trưởng cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 6 ca bệnh mắc viêm dày sừng bàn chân, bàn tay ở huyện Ba Tơ và huyện Sơn Hà có 4/6 ca có dày sừng, tổn thương da nhưng không có hiện tượng men gan tăng. Cục Y tế dự phòng nhận định, đây là đặc điểm khác lạ của căn bệnh này từ đầu năm 2013 đến nay. Trong thời gian tới, viện Da liễu Trung ương và viện Pasteur Nha Trang sẽ vào cuộc kiểm tra, sau đó mới đưa ra kết luận được. Theo ông Bình, nguyên nhân gây ra bệnh lạ có thể bà con ở vùng cao điểm bệnh lạ là xã Ba Điền sử dụng gạo có nhiễm một số loại nấm độc, nhưng vẫn chưa chỉ ra chính xác loại nấm nào là tác nhân cụ thể.
Theo tìm hiểu của PV, trước tình hình liên tiếp xuất hiện nhiều người dân mắc bệnh lạ, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị cung cấp gạo đảm bảo chất lượng cho người dân vùng bệnh lạ, không để người dân sử dụng gạo cũ, gạo không đảm bảo chất lượng. Đồng thời hướng dẫn người dân xử lý triệt để vi nấm mốc tại nơi chứa gạo, ngăn ngừa bệnh phát triển và tích cực phòng bệnh để bảo vệ chính mình.
Nhiều người dân tại Quảng Ngãi cho biết, năm 2013, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đích thân về Quảng Ngãi thị sát. Sau đó ngành y tế lại đưa ra suy đoán ăn gạo mốc là một trong những yếu tố đáng ngờ gây bệnh với dẫn chứng phát hiện tiết tố Anflatoxin trong thóc ủ (gọi là gạo mốc - PV) của người dân cao gấp 5 - 6 lần so với bình thường. Tuy nhiên, bộ Y tế vẫn không đưa ra khẳng định ăn gạo mốc là nguyên nhân gây bệnh. Do vậy, việc lần này bộ Y tế đưa ra nguyên nhân gây bệnh là do người dân ăn gạo có nhiễm một số loại độc tố nấm khiến người dân rất quan tâm nhưng cũng đặt ra nhiều hoài nghi.
Ông Phạm Văn Bút, chủ tịch UBND xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) rất lo lắng khi căn bệnh lạ đang bùng phát trở lại nơi đây. Nỗi ám ảnh mang tên bệnh lạ vẫn đang làm người dân trong vùng hết sức hoang mang. Bên cạnh đó, mức độ nguy hiểm của nó cũng khiến cho các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn phải vào cuộc một cách quyết liệt. Tuy nhiên về khả năng bệnh do người dân ăn gạo ủ mốc, có chứa nấm độc như kết quả xét nghiệm trên thì hậu quả hết sức nặng nề. Bởi, theo ông Bút, từ giữa năm 2012, Chính phủ đã cấp 250 tấn gạo đảm bảo chất lượng cho người dân vùng này để người dân không phải dùng gạo cũ. Nhưng số gạo đó đã hết từ tháng 1 vừa qua. Hiện người dân tiếp tục phải ăn gạo ủ do họ tự sản xuất. |
P. PHúC - T.ANH
Theo nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã