Học tập đạo đức HCM

Nơi người dân một năm chỉ nghỉ 2 ngày

Thứ bảy - 29/06/2013 23:28
Nghe rất khó tin nhưng đến thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thì đấy là câu chuyện có thật. Ở đây, bao đời nay người dân gắn bó với nghề làm giá đỗ trên bãi cát triền sông Trà Khúc. Họ mà nghỉ việc thì không có giá cung cấp cho bạn hàng. Do vậy, cả năm họ chỉ được nghỉ ngày 30 và mùng 1 tết.

NGHỀ ĐỘC

Người dân Thọ Lộc làm giá đỗ theo cách độc nhất vô nhị, bởi cách làm giá đỗ ở đây khác với hàng trăm làng quê ở Việt Nam là ủ trong chum, vại, thùng xốp.... Người dân Thọ Lộc làm giá bằng cách chôn ở bãi cát. Cũng vì thế mà giá đỗ ở Thọ Lộc được người tiêu dùng biết đến chất lượng ngon, ngọt…

Tháng 6, TP Quảng Ngãi trời nắng như đổ lửa. Đã 3 giờ chiều nhưng cái nắng, cái nóng chưa dịu, tôi tìm về thôn Thọ Lộc. Ngôi làng nhỏ nằm ven sông Trà Khúc, nhà mọc san sát nhưng đều đóng cửa cài then.

Tôi tìm đến bãi bồi có tên Xóm Vạn, thôn Thọ Lộc thì có đến hàng trăm người trên khu vực này. Họ, mỗi người một việc. Người đào hố, người vãi đỗ từng lớp một rồi lấp lại khiến cho khung cảnh bên sông nhộn nhịp.


Đã 30 năm nay bà Lệ gắn bó với nghề làm giá trong cát

Bà Trương Thị Lệ có thâm niên làm giá trên triền sông Trà Khúc nhiều năm. Bà Lệ quê ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi nhưng về làm dâu ở Thọ Lộc hơn 30 năm nay. Bà Lệ cũng như bao phụ nữ khác ở Thọ Lộc gắn bó với việc đào cát chôn đỗ. Từng ấy thời gian làm con dâu Thọ Lộc, bà Lệ không ngày nào rời xa bãi cát Xóm Vạn.

Bà Lệ bảo rằng: “Thú thật với chú, làm giá nói để giàu thì không đúng, nó là nghề giúp mọi người thoát nghèo”.

Nhìn về phía các hộ dân khác, tôi thấy chỗ bà Lệ chọn bãi cát cao hơn, không gần bờ sông như các hộ trong thôn. Thấy vậy tôi thắc mắc, bà Lệ cho hay: “Cát ở trên này sạch, phần nữa tránh nước lũ ập về. Chôn gần bờ sông nước đổ về sẽ nhấn chìm bãi giá, như vậy mất vốn lẫn lãi”.

Khác với bà Lệ, vợ chồng chị Phạm Thị Văn và anh Thái Văn Hùng chọn bãi cát gần bờ sông. Mỗi ngày hai vợ chồng chị chôn 25 kg đậu vào trong cát, sau 5 ngày thu khoảng 170 kg giá.

Chị Văn hoạch toán: Cứ 1 kg hạt đậu sẽ cho 7 kg giá. Hiện giá bán với mức 7.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi chi phí tiền mua hạt đậu hết 750 ngàn đồng (1 kg đậu giá 30.000 đồng). Như vậy mỗi ngày kiếm được hơn 500 ngàn đồng, trừ tiền xăng xe chở giá, tiền điện bơm nước, vợ chồng chị Văn bỏ túi được 400 ngàn đồng/ngày.


Gia đình chị Văn đang đào hố vãi đậu

Gia đình chị Văn có 3 người làm giá. Chồng đi trước dùng cào san phẳng bãi cát, còn chị đào những hố tròn trịa để cho hạt đậu xuống. Đứa con của chị dùng rổ sàng cát loại sỏi, đá để cho mẹ lấp xuống.

Chị Văn chia sẻ: “Để có giá bán tôi phải làm liên tục. Cây giá thích sống ở nơi cát ẩm ướt, cát sạch, do đó phải chọn những bãi cát không có đất, rác thải trộn lẫn. Nếu không giá không mọc được hoặc nẩy mầm rồi thối hết”.

Mải xem người dân làm giá cho đến lúc bóng tối đã bao phủ bãi cát Xóm Vạn, nhìn bên kia sông TP Quảng Ngãi đã lên đèn; lúc này mọi người thu dọn đồ nghề kết thúc một ngày làm việc. Trước khi về, các hộ dân làm giá không quên dặn tôi: “Nếu chú muốn xem hết các công đoạn nữa thì 12h đêm quay lại đây”.

LÀNG GIÁ KHÔNG BÌNH YÊN

Đúng 2h giờ tôi tìm ra bãi cát Xóm Vạn đèn điện thắp sáng rực một khúc sông. Người nào người nấy tất bật với công việc bới cát lấy giá để kịp giao cho khách hàng. Và khi trời bắt đầu sáng thì giá đỗ đã có mặt ở các quán ăn, chợ...


Sau 5 ngày ủ trong cát những hạt đỗ cho thành giá

Gặp lại gia đình chị Văn lúc chiều, chị liền buông lời: “Đêm nào cũng vậy, vợ chồng tôi phải làm từ 12h đêm. Đầu tiên bới cát lấy giá, tiếp đến sàng giá, rồi rửa giá, riêng việc đó đã đến tận 3h sáng. Sau đó, chồng thì chạy xe ra chợ đầu mối giao hàng, tôi đưa đến các chợ, quán ăn. Ngày nào chúng tôi cũng về nhà lúc trời sáng”.

Chị Văn bộc bạch: “Chú thấy đấy, nghề làm giá cực lắm! Mất ngủ, ngồi bệt, lăn bò trên cát. Vào những ngày mưa thì khổ hơn nữa”. Tôi hỏi: Mưa cũng làm ạ? Chị cười: “Mưa cũng phải mặc áo mưa làm cả đêm đó chú. Mình chôn đậu xuống cát 5 ngày là phải thu, đến ngày 6 thì giá già. Phần nữa nếu không có giá cung cấp cho các khách hàng thì sẽ mất uy tín, thương lái không lấy giá của mình nữa”.

Chứng kiến làm giá đỗ, quả thực đây là nghề không dễ xơi. Người dân Thọ Lộc ruộng ít trong khi muốn làm thêm thì không kiếm ra việc. Ngày trước, người Thọ Lộc ít hộ làm giá nên bán được giá cao nhưng mấy năm trở lại đây nhiều người đổ xô vào làm, do đó giá bán hạ, thương lái thường ép giá.

Nhưng họ bám lấy nghề kiếm tiền. Ấy vậy mà có lúc làng giá đứng bên bờ “diệt vong”.

Vào năm 1998, có một doanh nghiệp được các cơ quan chức năng cấp phép khai thác cát. Chỉ trong vòng hai 2 năm bãi cát Xóm Vạn bị lấy đi hàng ngàn khối cát đẩy gần 100 hộ dân làm giá không có chỗ "hành nghề".

Theo như cam kết doanh nghiệp khai thác cát trong vòng 2 năm và chỉ lấy một khu vực cạnh sông. Ấy vậy mà doanh nghiệp không thực hiện theo cam kết, cứ chỗ nào cát sạch là xúc.

Ông Trần Văn Nam, một hộ dân làm giá lâu năm, kể: “Quá bức xúc, người dân đã ngăn cản bảo vệ bãi cát giữ lấy làng nghề thì bị lực lượng công an ngăn cản. Tuy nhiên, người dân tiếp tục đấu tranh và không ít người dân bị đưa lên huyện ăn “cơm tù” mấy ngày.


Thời tiết nắng nóng người dân tiếp nước cho giá

Thấy quá bất công, tôi đứng đầu kêu gọi người dân ký vào đơn đến gửi các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi nhằm cứu làng giá. Thế nhưng, rất nhiều đơn thư đi vậy mà không có hồi âm.

 Năm 2002, tôi đứng ra đại diện viết đơn gửi ra Trung ương. Lập tức Thủ tướng Phan Văn Khải đã có công văn chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi xem xét, sau đó doanh nghiệp khai thác cát đã dừng khai thác cát”.

Tưởng rằng bãi cát sẽ yên bình để người dân sản xuất giá, ai ngờ hàng ngày xe tải, công nông… ra vào tấp nập xúc cát. Người dân Thọ Lộc đứng ra ngăn cản nhưng cũng chẳng ăn thua. Mỗi năm trôi qua bãi cát Xóm Vạn bằng phẳng ngày nào giờ xuất hiện “hố bom” nhan nhản khiến cho người làm giá rất khó khăn.

Ông Nam cho biết: “Sắp tới có doanh nghiệp khai thác cát ở bãi Xóm Vạn, chúng tôi sẽ đồng ý cho lấy. Tuy nhiên phải có quy hoạch, họ chỉ lấy một khu vực còn lại để cho bà con làm giá, nếu không với tốc độ khai thác bằng máy móc hiện đại thì chỉ vài năm nữa bãi cát sẽ bị “hốt” đi hết và bà con không biết chỗ nào để làm nghề”.

 Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập493
  • Hôm nay83,889
  • Tháng hiện tại789,002
  • Tổng lượt truy cập90,852,395
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây